Công ty TNHH Vận tải thuỷ bộ Hải Hà (Hải Hà) có trụ sở chính tại số nhà 132, tổ dân phố số 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình do ông Tô Văn Thọ làm người đại diện pháp luật.
Được thành lập vào tháng 09/2003 với hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất nhập khẩu xăng dầu và vận tải thuỷ bộ. Thương hiệu Hải Hà từng có nhiều năm thuộc TOP các doanh nghiệp nộp ngân sách lớn được tỉnh Thái Bình biểu dương. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng trúng nhiều sản phẩm gói thầu, cung cấp nhiên liệu bảo đảm cho cơ quan, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu, Hải Hà gặp không ít thăng trầm về kinh doanh, tài chính,… như việc liên tục bị ngành chức năng ‘bêu tên’ vì nợ thuế, kinh doanh thua lỗ, nhưng doanh nghiệp vẫn ‘rủng rỉnh’ cho vay nghìn tỷ đồng… khiến khách hàng, người tiêu dùng lo lắng về các quyền lợi được hưởng. Khi viết loạt bài này, chúng tôi mong, thương hiệu Hải Hà luôn là thương hiệu "sản sinh" ra những sản phẩm thật uy tín, chất lượng cho người tiêu dùng; doanh nghiệp thì ngày càng phát triển bền vững.
Liên tục bị bêu tên do nợ thuế
Trong năm 2022, Hải Hà còn liên tục bị ngành chức năng “bêu tên” vì nợ thuế lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, theo thông báo 5395/TB-CTTBI ngày 23/09/2022 của Cục Thuế tỉnh Thái Bình, Công ty Hải Hà dẫn đầu danh sách nợ thuế với hơn 1.709 tỷ đồng.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu, Công ty Hải Hà đứng đầu danh sách nợ thuế của tỉnh Thái Bình. Trước đó, năm 2019 doanh nghiệp xăng dầu này cũng là cái tên đứng đầu trong danh sách nợ thuế bảo vệ môi trường với số dư lên tới 1.200 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, tính đến cuối năm 2021, khoản mục nợ thuế và các khoản phải trả Nhà nước của Hải Hà ghi nhận ở con số hơn 2.208 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với cuối năm 2020.
Về tình hình kinh doanh, trong năm 2021, doanh thu Hải Hà đạt khoảng 18.931 tỷ đồng, tăng 82% so với năm 2020. Đáng nói, dù doanh thu lên đến gần 19.000 tỷ đồng nhưng thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2021 của Hải Hà đóng chỉ vỏn vẹn 149 triệu đồng.
Đến năm 2021, doanh thu thuần tăng vọt lên trên 18.900 tỷ đồng (tăng 73,8%). Có doanh thu “khủng” nhưng doanh nghiệp báo lỗ gần 160 tỷ đồng năm 2021, trong khi năm 2020 con số lỗ của doanh nghiệp cũng lên tới 787 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến 31/12/2021 của Hải Hà tăng từ 1.848 tỷ đồng lên gần 2.008 tỷ đồng.
Doanh nghiệp liên tục báo lỗ, trong khi đó, vốn góp chủ sở hữu trong năm 2021 vẫn "dậm chân tại chỗ" chỉ với 374 tỷ đồng. Với tình trạng lợi nhuận bị âm, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 0 đồng.
Còn trong năm 2020, Hải Hà ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ là 10.892 tỷ đồng, song thậm chí thuế thu nhập doanh nghiệp Hải Hà đóng là 0 đồng.
Những năm gần đây thương hiệu Hải Hà hoạt động ra sao?
Trong giai đoạn 2017-2021, theo sổ sách, doanh thu của thương hiệu Hải Hà luôn nằm trên khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Cụ thể, năm 2017 Hải Hà ghi nhận doanh thu đạt 10.800 tỷ đồng. Vào năm 2018, doanh thu đạt 15.115 tỷ đồng, chỉ số này đạt 15.807 tỷ đồng vào năm 2019, trước khi giảm về 10.892 tỷ đồng ở năm 2020.
Tuy nhiên, bất chấp doanh thu tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 2017 – 2021, lợi nhuận Hải Hà lại liên tục thua lỗ. Ngoại trừ năm 2017 doanh nghiệp lãi sau thuế 258 tỷ đồng, những năm tiếp theo Hải Hà báo lỗ sau thuế lần lượt 268 tỷ đồng (năm 2018), lỗ 224 tỷ đồng (năm 2019), lỗ 781 tỷ đồng (năm 2020), lỗ 160 tỷ đồng (năm 2021).
Tại thời điểm 31/12/2021, Hải Hà ghi nhận hơn 2.074 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, tăng 700 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Qua số liệu về việc cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác có thể thấy, thương hiệu Hải Hà “rủng rỉnh” về tiền. Theo đó, chỉ số này năm 2021 của Hải Hà tăng tới 221% so với thời điểm cuối năm 2020.
Ngoài ra, tiền thu hồi từ cho vay, bán lại các công cụ nợ đơn vị khác của Hải Hà cũng tăng vọt từ 943 tỷ đồng lên 1.776 tỷ đồng (tăng 833 tỷ đồng). Về tổng tài sản của doanh nghiệp cũng ghi nhận sự tăng vọt khi tính đến cuối năm 2021 đạt 13.415 tỷ đồng, tăng gần 5.000 tỷ đồng sau 12 tháng, tương ứng mức độ tăng trưởng lên đến 56%. Trong đó, đáng chú ý, tiền và các khoản tương đương tiền còn hơn 100 tỷ đồng; khoản mục đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn 3.622 tỷ đồng (tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm).
Bên cạnh đó, tài sản của Hải Hà đang có dấu hiệu mất cân đối, tiềm ẩn rủi ro. Cụ thể, giá trị tài sản ngắn hạn đang thấp hơn so với nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. Tính tới cuối năm 2021, tổng tài sản ngắn hạn của Hải Hà ở mức hơn 11.173 tỷ đồng. Con số này của doanh nghiệp tăng mạnh so với đầu năm 2021 (6.935 tỷ đồng), tuy nhiên chỉ bằng 76% so với nợ ngắn hạn cùng thời điểm năm trước.
Đến này 31/12/2021, nợ của công ty đã cao gấp 1,12 lần tổng tài sản. Nợ ngắn hạn ở mức 14.692 tỷ đồng, chiếm 97,6% tổng nợ phải trả của doanh nghiệp (15.048 tỷ đồng).
Trên thực tế, việc các doanh nghiệp mất cân đối tài chính dẫn tới việc nợ thuế không phải tình trạng mới. Tuy nhiên, trường hợp của Hải Hà khá đặc biệt khi doanh nghiệp trong tình trạng như vậy vẫn có hàng nghìn tỷ để cho vay, đầu tư.
Trúng nhiều gói thầu giá trị lớn nhưng vẫn báo lỗ, nợ thuế “đầm đìa”
Theo thống kê, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đã tham gia 13 gói thầu, trong đó trúng 10 gói, trượt 1 gói, 2 gói chưa có kết quả, 0 gói đã bị huỷ. Tổng giá trị trúng thầu là 277,7 tỷ đồng, trong đó có 94,2 triệu đồng là các gói chỉ định thầu và hơn 1.5 tỷ đồng là các gói thầu có KQLCNT nhưng không có TBMT). Như vậy, việc liên tục trúng các gói thầu lớn cùng với các hoạt động kinh doanh khác đã đem về cho Hải Hà hàng chục nghìn tỷ doanh thu nhưng lợi nhuận “bi đát”, thậm chí “càng làm càng lỗ”.
“Ông lớn” xăng dầu lấn vào mảng bất động, dược phẩm
Được biết đến với vị thế là một “ông lớn” trong lĩnh vực xăng dầu khu vực miền Bắc. Hồi tháng 06/2019, thương hiệu Hải Hà đã khởi công công trình xây dựng kho cảng xăng dầu Hải Hà - Quảng Trị với quy mô gần 32.000m2, tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng. Công trình này dự kiến đầu tư xây dựng hệ thống đường ống, kho bồn bể chứa xăng dầu có tổng sức chứa 30.200 m3 và đầu tư xây dựng cầu cảng xuất nhập xăng dầu tiếp nhận tàu có trọng tải 5.000 DWT.
Đến tháng 03/2020, công ty lấn sân vào mảng bất động sản khi nghiên cứu quy hoạch dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng vui chơi giải trí, khu cảng dịch vụ cảng, khu công nghiệp xã Thái Thượng (Thái Bình) có quy mô diện tích 993ha.
Ngoài ra, tháng 10/2020, Hải Hà đã chi hơn 140 tỷ đồng để đánh dấu bước tiến mới của mình trong lĩnh vực dược phẩm khi mua vào 10,1 triệu cổ phiếu PBC của Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương I (Pharbaco), qua đó nâng sở hữu từ 11% lên 22,22% vốn. Sự xuất hiện của nữ doanh nhân Trần Tuyết Mai, Giám đốc Công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà tại Pharbaco là một động thái bất ngờ khi Hải Hà Petro đang kinh doanh lỗ.
Doanh thu vẫn tăng trưởng lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, "rủng rỉnh" tiền cho vay và đi đầu tư nhưng doanh nghiệp này lại liên tiếp báo lỗ và nợ thuế "đầm đìa".
Mới đây, doanh nghiệp này, lọt “tầm ngắm” của ngành chức năng khi Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành Quyết định số 396 thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu. Trong đó, TTCP sẽ tiến hành thanh tra tại 17 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trên cả nước và 2 Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn.
Đáng chú ý trong danh sách này có tên của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà) – “ông lớn” xăng dầu đất lúa Thái Bình. Đây là lần thứ hai trong tháng 10/2022, Công ty Hải Hà được các cơ quan chức năng "điểm danh".
Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục gửi đến bạn đọc thông tin tiếp về thương hiệu Hải Hà.
Minh An
*Bài viết có sử dụng một số nguồn tư liệu của báo bạn