Hành trình xây dựng thương hiệu
Thương hiệu PETECthuộc Tổng Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư – CTCP, là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ Công ty TNHH MTV Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư (doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) từ ngày 18/5/2011. PETEC có địa chỉ tại số 194 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.
Công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; xuất nhập khẩu thiết bị toàn bộ, các loại vật tư, nguyên liệu, phân bón; Xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản; Các hoạt động liên doanh, liên kết: Kho cảng, ngân hàng, bảo hiểm, cây xăng, kinh doanh bất động sản, xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp,…
Ngày 18/5/2011, thương hiệu PETEC được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cấp “Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”, vốn điều lệ là 2.600 tỷ đồng với cơ cấu vốn như sau: Tổng công ty Dầu Việt Nam 94,78%; Cán bộ công nhân viên: 0,72% và Cổ đông khác: 4,51%.
Ngày 9/1/2017, PETEC được UBCKNN chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng. Ngày 11/4/2018, PETEC được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán với số lượng chứng khoán đăng ký là 248.877.470 cổ phiếu. Ngày 05/11/2018, PETEC chính thức giao dịch trên sàn giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết (UPCoM) với mã chứng khoán là PEG.
Theo tìm hiểu, tại thời điểm 31/12/2023, thương hiệu PETEC có 3 công ty con, gồm: Công ty cổ phần Cà phê Petec; Công ty TNHH MTV Kho xăng dầu PETEC Vĩnh Long và Công ty CP Bất động sản và Kỹ thuật Xăng dầu.
Ban lãnh đạo của PETEC hiện nay gồm ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT; ông Trần Văn Dưỡng và ông Nguyễn Ngọc Liên đều là thành viên HĐQT. Tổng Giám đốc là ông Trần Văn Dưỡng và ông Nguyễn Thu Phong - Phó Tổng Giám đốc.
Vậy, Thương hiệu phát triển tài chính mang của PETEC ra sao?
Theo tìm hiểu của Thương hiệu và Công luận, trong những năm gần đây, Tổng Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư – CTCP ghi nhận tốc độ tăng trưởng không bền vững, đầu tư tài chính kém hiệu quả, thậm chí có những năm lưu chuyển tiền thuần trong năm âm tới 155,7 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 1.944,3 tỷ đồng.
Theo dữ liệu báo cáo tài chính (BCTC) đã kiểm toán năm 2023, PETEC đạt 7.578,4 tỷ đồng doanh thu giảm gần 4% so với mức 7.880,4 tỷ đồng năm 2022. Lãi gộp đạt 238,6 tỷ đồng. Trong năm 2023, PETEC đã đạt hơn 21,5 tỷ đồng doanh thu tài chính - gấp 2,51 lần so với năm 2022.
Kéo theo đó, chi phí bán hàng cũng tăng theo. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng gần 15%, đạt mức 227,8 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp đã giảm 50% xuống mức 47 tỷ đồng vẫn không thể bù đắp được lợi nhuận. Trong năm 2023, thương hiệu PETEC có lợi nhuận trước thuế giảm 75%, đạt 526 triệu đồng (năm 2022 ở mức 2 tỷ đồng). Do vậy, lợi nhuận sau thuế âm 586,6 triệu đồng trong khi năm 2022 ở mức 2 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của thương hiệu PETEC đạt 1.679 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2022. Chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản của PETEC là tài sản cố định ghi nhận mức 383 tỷ đồng và tài sản dài hạn khác đạt 374 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn của thương hiệu PETEC ở mức 815 tỷ đồng, trong đó, chiếm 3,1 lần là các khoản phải thu ngắn hạn 262 tỷ đồng, tiếp đến là hàng tồn kho ghi nhận 445,6 tỷ đồng – tăng gấp 7,16 lần tương đương 616%. Tiền và tương đương tiền giảm 33% xuống 63,2 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, kết thúc năm 2023, vốn chủ sở hữu của thương hiệu PETEC đạt 685 tỷ đồng. Nợ phải trả ở mức 993,5 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn đạt 979 tỷ đồng.
Cần nói thêm rằng, sau hơn 10 năm (giải đoạn từ 2012 – 2023), vốn chủ sở hữu của thương hiệu PETEC liên tục suy giảm. Cụ thể, năm 2012 vốn chủ sở hữu của thương hiệu PETEC đạt 1.546 tỷ đồng. Sang năm 2013, vốn chủ sở hữu của PETEC đột ngột giảm xuống còn 1.075 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của thương hiệu PETEC từ năm 2014 – 2023 ngày càng giảm sút khi năm 2014 vốn chủ sở hữu ở mức 933 tỷ đồng và giảm về mức 686 tỷ đồng vào năm 2023.
Đáng nói, hiệu quả kinh doanh của thương hiệu PETEC cực thấp với lợi nhuận mỏng, thể hiện qua các chỉ số sinh lời ở mức đáy so với trung bình ngành.
Theo khảo sát của Thương hiệu và Công luận, biên lợi nhuận gộp của thương hiệu PETEC luôn ở ngưỡng từ 0,60% – 5,23%. Theo đó, năm 2012, biên lợi nhuận gộp của thương hiệu PETEC ở mức 0,60% và 2,84% năm 2013. Sang 2014, biên lợi nhuận gộp của thương hiệu PETEC lại giảm xuống 1,36% và lên 4,18 năm 2016. Bước sang năm 2017, thương hiệu PETEC giảm biên lợi nhuận gộp xuống mức 4,05% và giảm 3,52% tại thời điểm năm 2020. Năm 2021, biên lợi nhuận gộp của thương hiệu PETEC tăng lên mức 5,23% và suy giảm dần đến thời điểm cuối năm 2023 ở mức 3,14%. Trong khi đó, biên lãi gộp trung bình của các doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu trên sàn chứng khoán là trên 20% trong nhiều năm gần đây.
Đáng chú ý, biên lãi ròng của thương hiệu PETEC loanh quanh mức âm 0,007% đến âm 4,2% trong nhiều năm trở lại đây. Năm 2023 cũng là năm mà thương hiệu PETEC có biên lãi ròng âm 0,007% - thấp nhất từ giai đoạn 2012-2023. Năm 2013 và 2020, thương hiệu PETEC đều có biên lãi ròng ở mức âm 4,2%.
Năm 2021 và 2022 cũng là hai năm duy nhất thương hiệu PETEC có biên lãi ròng ở mức dương lần lượt là 0,36% và 0,02% trong khi biên lãi ròng trung bình của các doanh nghiệp cùng ngành dao động từ 14 - 17% trong giai đoạn 2015 đến nay.
Dòng tiền kinh doanh âm, đầu tư tài chính kém hiệu quả của thương hiệu PETEC
Năm 2023, dù doanh thu và lợi nhuận của thương hiệu PETEC được cải thiện hơn so với năm trước nhưng công ty vẫn rơi vào tình trạng âm dòng tiền.
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, lưu chuyển tiền thuần trong năm của thương hiệu PETEC “sụt giảm” ghi nhận mức âm 31 tỷ đồng, dù năm trước dương gần 48 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 45,2 tỷ đồng trong khi năm 2022 dương 47 tỷ đồng. Năm 2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính của thương hiệu PETEC ghi nhận âm 1 tỷ đồng, tuy nhiên năm 2023, con số này đã “nhảy vọt” ghi nhận ở mức âm gần 22 tỷ đồng – tăng gấp 22 lần so với năm trước.
Trước đó, tại BCTC kiểm toán năm 2012, thương hiệu PETEC từng ghi nhận lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 1.944,3 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần trong năm âm tới 619 tỷ đồng. Do vậy, kéo theo đó là lợi nhuận sau thuế cũng “sụt giảm” ở mức âm 878 tỷ đồng. Còn năm 2013, cũng ghi nhận lưu chuyển tiền thuần trong năm âm tới 155,7 tỷ đồng, kéo theo đó là lợi nhuận sau thuế cũng “sụt giảm” ở mức âm 475 tỷ đồng.
Không chỉ có kết quả sinh lời thấp, BCTC năm 2023 của thương hiệu PETEC cũng ghi nhận hơn 720,4 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng. Trong đó, hơn 124 tỷ đồng của CTCP Dầu khí và Chất đốt Miền Bắc; Hơn 118 tỷ đồng của CTCP Đầu tư và Phát triển Xây dựng Tiên Phong; Gần 88 tỷ đồng của CTCP Thương mại Vận tải Quảng Đông; Gần 78 tỷ đồng của CTCP Đầu tư Phú Lâm và hơn 69 tỷ đồng của CTCP Xâu dựng Quốc tế Việt Nam,… Ngoài ra, đơn vị này còn hơn 222,7 tỷ đồng các khoản phải thu khách hàng khác.
Bên cạnh đó, thương hiệu PETEC có hơn 212 tỷ đồng khoản phải thu khác, bao gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (169,7 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Bắc Sài Gòn (6,4 tỷ đồng), các khoản khác (26,5 triệu đồng),…
Ngoài ra, thương hiệu PETEC có hơn 455,5 tỷ đồng hàng tồn kho – tăng 631% (gấp 7,32 lần), dự phòng với số tiền là 9,8 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, kể từ ngày 05/11/2018, khi chính thức giao dịch trên thị trường UPCOM với mã chứng khoán PEG, thương hiệu PETEC có hơn 6 năm niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, 6 năm qua, mức lợi nhuận của PETEC không có sự chuyển biến đáng chú ý. Cụ thể, năm 2018, mức lợi nhuận sau thuế của đơn vị này ghi nhận âm 9,6 tỷ đồng. Năm 2019, mức lợi nhuận sau thuế của thương hiệu PETEC âm 2,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2020, thương hiệu PETEC có mức lợi nhuận sau thuế âm lên tới 102 tỷ đồng.
Năm 2021, thương hiệu PETEC ghi nhận lợi nhuận sau thuế 13,8 tỷ đồng và 2 tỷ năm 2022. . Năm 2023, thương hiệu PETEC ghi nhận âm 586,6 triệu đồng. Như vậy, mức lợi nhuận sau thuế của thương hiệu PETEC không có sự thay đổi lớn trừ năm 2021 và 2022 dương.
Giá cổ phiếu thương hiệu PETEC cũng không có sự biến động quá lớn, gần như “đứng im”. Đơn cử, trong thời gian gần đây, giá cổ phiếu của thương hiệu PETEC ghi nhận ở mức 7,60 đồng/CP.
Giữa bối cảnh kết quả kinh doanh 2023 có phần ảm đạm, cổ phiếu của Tổng công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư – CTCP lại tiếp tục rơi vào diện cảnh báo. Theo đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra Quyết định số 74/QĐ-SGDHN ngày 15/2/2024 thông báo duy trì diện cảnh báo với cổ phiếu của Tổng Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư - CTCP (PETEC, UPCoM: PEG) từ ngày 15/02/2024.
Quyết định được đưa ra dựa trên cơ sở xem xét là BCTC năm 2023 đã được kiểm toán, theo đó PEG tiếp tục thuộc diện bị cảnh báo do BCTC năm bị tổ chức kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ từ 3 năm liên tiếp trở lên. Đồng thời, HNX cũng yêu cầu PEG phải giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục trong vòng 15 ngày.
Trước đó vào tháng 3/2023, PEG đã bị HNX đưa vào diện cảnh báo cũng với lý do tương tự, cơ sở xem xét khi đó dựa trên BCTC năm 2022 đã được kiểm toán.
Ở thời điểm đó, PEG cho biết đang ghi nhận khoản phải thu khác từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với số tiền gần 170 tỷ đồng, đây là khoản lỗ lũy kế đến ngày 18/05/2011 - thời điểm PEG chính thức chuyển sang hoạt động theo loại hình Công ty cổ phần khoản phải thu khác này phát sinh từ việc xác định phần vốn Nhà nước tại ngày 18/05/2011 nhưng chưa được PVN và các cơ quan hữu quan nhà của Nhà nước phê duyệt quyết toán.
Hiện tại, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) đang là cổ đông lớn nhất của PETEC với tỷ lệ 94,78% mà trong đó, vốn điều lệ của PVOIL là 10.342 tỷ đồng (Trong đó, cổ phần PVN nắm giữ là 363.014.555 cổ phần, chiếm 35,1% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 1.864.300 cổ phần, chiếm 0,18% vốn điều lệ. Cổ phần bán đấu giá công khai là 206.845.900 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ. Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 462.504.745 cổ phần, chiếm 44,72% vốn điều lệ. Mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần tại PVOIL với tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 49% vốn điều lệ).
Như vậy, với kết quả kinh doanh thấp, hiệu quả sinh lời thấp của thương hiệu PETEC trong nhiều năm qua, vậy đơn vị, cổ đông nào chịu thiệt thòi nhiều nhất? Thương hiệu và Công luận tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Minh An