Thời gian tới, Bộ Công Thương đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu:
Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi hiệp định thương mại tự do ( FTA) với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng;
Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định;
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…;
Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch;
Tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.
Đối với gạo, thị trường xuất khẩu thế giới đang có những biến động khó lường, sau khi Ấn Độ (quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới) tiếp tục áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ.
Để đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, các bộ, ngành, hiệp hội, địa phương cần chủ động phối hợp xây dựng các phương án đảm bảo cung - cầu mặt hàng gạo, góp phần bình ổn giá gạo, an ninh lương thực tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 3/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5//2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Minh Anh