Vừa qua, tại TP. HCM, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đông Nam Bộ. Bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương chủ trì Hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của trên 300 đại biểu đại diện các cơ quan, doanh nghiệp từ 6 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ. Đây là Hội nghị thứ 5 trong chuỗi 6 Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu các vùng kinh tế trên cả nước được Bộ Công Thương tổ chức trong năm 2024 nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp liên kết vùng trong công tác xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Cục Xúc tiến thương mại)

Vùng Đông Nam Bộ gồm TP. HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Đông Nam Bộ là vùng kinh tế năng động, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết: Khu vực Đông Nam Bộ là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, đi đầu trong hội nhập, phát triển công nghiệp, thương mại và thu hút đầu tư, với nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu.

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP cả vùng ước đạt 5,06%, cao hơn mức tăng 5,05% của cả nước; thu hút 11.390 triệu USD nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chiếm 31,1% vốn FDI của nền kinh tế.

Về xuất nhập khẩu, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng năm 2023 đạt 220,5 tỷ USD, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Hàng hóa xuất khẩu của vùng đã có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó tập trung ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…

Cơ sở hạ tầng của vùng Đông Nam Bộ ngày càng phát triển và dần hoàn thiện như: Sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, đường Vành đai 3 TP. HCM, các tuyến cao tốc; việc thúc đẩy các dự án lớn như Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa-Vũng Tàu (khu Cái Mép - Thị Vải)…

Theo Thứ trưởng, Đông Nam Bộ đang đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết như đóng góp của vùng trong GDP cả nước đang có xu hướng giảm, trong khi các tiềm năng dư địa, lợi thế rất nhiều...; công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý…

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương (Ảnh: Cục Xúc tiến thương mại)

Để phát huy vị trí, vai trò của vùng, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho rằng, cần phải có hàng loạt các giải pháp, trong đó, các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp; phát huy tối đa các nguồn lực...

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, thành phố Hồ Chí Minh cùng cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phối hợp, tận dụng các nguồn lực tự nhiên (đặc biệt là mặt hàng nông sản, lương thực, thực phẩm...), các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết.

TP. HCM đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: Liên kết để phát triển, nhất là tăng cường liên kết giữa nhà nước với nhà nước, doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nhà nước nói chung và đặc biệt là liên kết trong vùng Đông Nam Bộ; đồng thời theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh bền vững, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng và “tính xanh" trong thương mại quốc tế; hướng tới “xanh” hóa sản phẩm - xuất khẩu các sản phẩm có dấu chân carbon thấp, thân thiện với môi trường để xây dựng hình ảnh “xanh” của doanh nghiệp trên thị trường, tạo nên lợi thế cạnh tranh.

“Để thúc đẩy liên kết vùng hiệu quả, chúng ta cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Phát triển các sản phẩm chủ lực của vùng, xây dựng các cơ chế hợp tác chặt chẽ, nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...”, ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thông tin, gần đây, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp đều phản ánh nhiều về vấn đề dữ liệu thị trường. Cục Xúc tiến thương mại đã xây dựng xong nền tảng hệ thống thông tin dữ liệu quản trị và xúc tiến thương mại, cho phép nhiều cơ quan liên quan như các Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại địa phương, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Hiệp hội ngành hàng đều có thể tham gia cập nhật thông tin, dữ liệu vào hệ thống để cập nhật thông tin thị trường và cùng làm giàu dữ liệu cho hệ thống. Cục Xúc tiến thương mại sẽ tổ chức hướng dẫn cho các bên liên quan tham gia vận hành và khai thác hệ thống.

Để xúc tiến thương mại có hiệu quả, theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, các địa phương trong vùng cần có sự liên kết sâu, cùng ngồi lại để tìm ra những sản phẩm lợi thế nhất của địa phương mình để tập trung cho công tác xúc tiến. Các địa phương, hiệp hội trong vùng cần có những đề xuất cụ thể về thế mạnh xúc tiến thương mại. Các Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại của vùng Đông Nam Bộ làm tốt các công tác kết nối giao thương và tiếp tục sâu sát hơn để giúp các hiệp hội, doanh nghiệp phát triển hơn nữa, nắm được thông tin về các hiệp định thương mại tự do, các vấn đề phòng vệ thương mại, thị trường nước ngoài, xu hướng vận động của thị trường thế giới. Với doanh nghiệp cần nghiên cứu để liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, giữ vững uy tín trong toàn bộ chu trình hệ thống kinh doanh.

Bên lề Hội nghị, hơn 80 doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại của Đông Nam Bộ đã tham gia trưng bày, quảng bá đa dạng các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng, thế mạnh, có khả năng xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng, tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ của vùng Đông Nam Bộ với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.

Đối với các đơn vị của Bộ Công Thương, hội nghị là dịp để lắng nghe ý kiến các địa phương phục vụ công tác điều hành, truyền tải những thông điệp cụ thể tới các địa phương, hỗ trợ địa phương chủ động hơn trong công tác xúc tiến thương mại.

L.T (t/h)