Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch 05 năm 2021-2025. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, để thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, toàn ngành sẽ tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (ban hành kèm theo Quyết định số 32/QĐ-BCT ngày 09/01/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương với 09 nhóm nhiệm vụ lớn và hơn 50 nhóm giải pháp cụ thể) ngay từ những ngày đầu năm 2023; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực hạ tầng điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản...
Bên cạnh đó, Bộ chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế. Tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chú trọng các giải pháp khơi thông các rào cản về vốn, tín dụng, thủ tục hành chính… để nâng cao giá trị gia tăng các ngành chế biến, chế tạo; thúc đẩy triển khai các dự án sản xuất và khai khoáng mới, nhất là các dự án trọng điểm, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Cùng với đó, Bộ tăng cường đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới với các nước, các khu vực còn tiềm năng, gắn với lợi ích quốc gia - dân tộc; chú trọng phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại đã thực thi để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu.
Đẩy mạnh tạo thuận lợi hoá thương mại; tập trung tháo gỡ "rào cản" kỹ thuật để doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới thị trường lân cận còn tiềm năng; đồng thời, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng Việt Nam ở các thị trường ngoài nước. Chú trọng phát triển dịch vụ logistic, thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại xuyên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Đẩy mạnh sức mua trong nước thông qua thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa...
Đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành, gắn với đề cao đạo đức công vụ, tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ theo đúng phương châm điều hành của Chính phủ là "Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả". Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Đánh giá tầm quan trọng của ngành Công Thương đối với phát triển kinh tế đất nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đặt ra 03 vấn đề đối với Ngành. Trước hết là triển khai đồng bộ, toàn diện, sâu sát các nhiệm vụ liên quan đến nguồn nguyên liệu đầu vào và sản xuất kinh doanh và thị trường thương mại.
Bên cạnh đó, nhận thức rõ hơn về các vấn đề còn tồn tại để cùng nhau tháo gỡ và giải quyết. Đặc biệt cần chú trọng về phát triển cạnh tranh, nhất là cạnh tranh về công nghệ trong các lĩnh vực như công nghiệp, năng lượng và kinh tế số nhằm khôi phục lại nền kinh tế sau đại dịch vừa qua. Cuối cùng, Bộ Công Thương cần rà soát lại các Chiến lược và Quy hoạch cần thiết.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cần rà soát lại các chiến lược cuả Ngành theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Theo đó, Bộ Công Thương cần làm rõ và cụ thể các đề xuất từ quy hoạch, chiến lược cho đến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luậ và trình Chính phủ trong thời gian tới.
Với những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch năng lượng, Bộ cũng cần kịp thời tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo giải quyết.
Minh Anh (t/h)