Mức vay vốn tối đa đối với học sinh, sinh viên được nâng từ 2,5 triệu đồng lên 4 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa, nguồn internet
Mức vay vốn tối đa đối với học sinh, sinh viên được nâng từ 2,5 triệu đồng lên 4 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Học sinh, sinh viên vay vốn tối đa 4 triệu đồng/tháng

Quy định này nằm trong Quyết định 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/09/2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, có hiệu lực từ ngày 19/05.

Theo đó, mức vay vốn tối đa đối với học sinh, sinh viên là 4 triệu đồng/tháng thay vì 2,5 triệu đồng/tháng như hiện nay.

Ngoài ra, Quyết định 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi điều khoản liên quan đến việc trả nợ. Kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. Đối tượng được vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.

Đối tượng được vay vốn gồm học sinh, sinh viên hộ nghèo, cận nghèo hoặc có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.

Sinh viên ngành Toán được cấp học bổng 2,4 triệu đồng/tháng

Thông tư số 22/2022/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện Chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030 do Bộ Tài chính ban hành có hiệu lực từ ngày 15/05.

Theo đó, sinh viên ngành Toán có thể được cấp học bổng bằng mức trần học phí của năm học hiện hành đối với chuyên ngành Toán tại các cơ sở giáo dục đại học quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ, tức 2,4 triệu đồng/tháng. Học bổng được cấp theo từng kỳ học và cấp 10 tháng trong năm học.

Ngoài ra, thông tư cũng quy định việc chi giải thưởng cho các nghiên cứu xuất sắc về Toán học xuất sắc để nâng cao chất lượng công bố; hỗ trợ giảng viên, giáo viên trẻ thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng Toán học.

Học viên, sinh viên sư phạm ngành Toán, giáo viên môn Toán cốt cán, giáo viên trung học phổ thông chuyên Toán cũng được nhận khoản hỗ trợ.

Bên cạnh đó, thông tư quy định việc tổ chức các khóa bồi dưỡng dành cho học sinh, sinh viên về các chủ đề thời sự trong Toán hiện đại nhằm phát hiện và bồi dưỡng tài năng Toán học; bồi dưỡng giảng viên môn Toán các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Sửa đổi tiêu chuẩn người biên soạn sách giáo khoa

Quy định tiêu chuẩn người biên soạn sách giáo khoa được sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 05/05. Ảnh minh họa, nguồn internet
Quy định tiêu chuẩn người biên soạn sách giáo khoa được sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 05/05. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 có hiệu lực từ ngày 05/05/2022.

Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Cụ thể, ngôn ngữ sử dụng trong sách giáo khoa là tiếng Việt (đối với sách giáo khoa các môn ngoại ngữ và sách giáo khoa các môn tiếng dân tộc thiểu số được sử dụng thêm các ngôn ngữ phù hợp với nội dung môn học), bảo đảm các quy định về chính tả và ngữ pháp, các chữ viết tắt, các ký hiệu, phiên âm; diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, thể hiện chính xác nội dung cần trình bày, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Như vậy, quy định mới nói rõ hơn về ngôn ngữ trong sách giáo khoa ngoại ngữ, sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số, đồng thời bỏ nội dung "theo quy định của Bộ GD&ĐT" đối với việc viết tắt, ký hiệu, phiên âm, đơn vị đo.

Thông tư mới bổ sung quy định phổ sách, khuôn khổ bát chữ, số dòng trong bát chữ, số chữ trong một dòng, chất lượng giấy in (định lượng, độ trắng, độ đục, độ bóng, độ xuyên thấu), chất lượng và định lượng giấy bìa, chất lượng mực in theo tiêu chuẩn quốc gia về sách.

Cũng theo quy định mới, người biên soạn sách giáo khoa phải có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên theo chuyên ngành phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn; am hiểu về khoa học giáo dục; có ít nhất 3 năm trực tiếp giảng dạy hoặc nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn; là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt.

Trong quá trình sử dụng, sách giáo khoa có thể được chỉnh sửa. Quy trình chỉnh sửa sách giáo khoa thực hiện như quy trình biên soạn sách giáo khoa, trừ quy định về thực nghiệm sách giáo khoa.

Bộ trưởng GD&ĐT quyết định trường hợp phải tổ chức thực nghiệm sách giáo khoa chỉnh sửa.

Thời gian đào tạo trung cấp, cao đẳng tối đa là 4,5 năm

Quy định này nằm trong Thông tư 04/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo tín chỉ, có hiệu lực từ ngày 15/05/2022.

Theo đó, thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình bao gồm thời gian học các môn học, mô-đun và thời gian thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp do hiệu trưởng quyết định, bảo đảm không vượt quá 1,5 lần thời gian đào tạo đối với chương trình 2-3 năm học, không vượt quá 2 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ một đến dưới 02 năm học, không bao gồm thời gian bảo lưu.

Như vậy, thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình trung cấp, cao đẳng hệ 03 năm là 4,5 năm.

Thời gian tối đa đối với người học cùng lúc 02 chương trình bằng thời gian tối đa để hoàn thành chương trình có thời gian đào tạo dài hơn và được tính từ khi bắt đầu học chương trình thứ nhất.

Hiệu trưởng có thể xem xét, quyết định kéo dài thời gian đào tạo tối đa đối với các trường hợp người học có giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật.

Thời gian tối đa đối với chương trình đào tạo các ngành, nghề thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao có tính chất đặc thù do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất quy định.

Hoàng Thăng (t/h)