
Theo kết luận thanh tra, trong giai đoạn 2020 – 2022, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Sở Tài nguyên và Môi trường) cùng với Văn phòng đăng ký đất đai các cấp đã để xảy ra tình trạng giải quyết quá hạn đối với hơn 20.000 hồ sơ. Điều này không chỉ làm chậm quá trình cấp quyền sử dụng đất mà còn khiến người dân chịu nhiều thiệt thòi trong các giao dịch dân sự liên quan.
Đáng chú ý, theo quy định, khi không thể giải quyết hồ sơ đúng thời hạn, các cơ quan chức năng phải có văn bản xin lỗi và thông báo thời gian trả kết quả mới. Tuy nhiên, nhiều địa phương như: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn… đều không thực hiện quy trình này, thể hiện sự thiếu trách nhiệm và chưa tôn trọng người dân trong thực hiện thủ tục hành chính.
Thanh tra tỉnh cũng nêu rõ một số hạn chế trong công tác tham mưu, điều hành của Sở Nông nghiệp và Môi trường trong thời gian qua. Cụ thể, sở này đã chậm triển khai quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa theo chỉ đạo của UBND tỉnh từ năm 2020, đồng thời chưa ban hành kịp thời hạn mức giao đất ở tại một số địa bàn mới thành lập như thị trấn Phong Nha và Hoàn Lão. Những thiếu sót này đã khiến người dân gặp nhiều vướng mắc trong quá trình làm thủ tục về đất đai.
Không chỉ dừng lại ở đó, việc chậm trễ trong công tác định giá đất tại các dự án đô thị trọng điểm ở TP. Đồng Hới cũng được chỉ ra. Cụ thể, việc định giá đối với 7 thửa đất ở khu đô thị Bảo Ninh 2 và 66 thửa tại khu đô thị Bảo Ninh 1 đã không được thực hiện đúng tiến độ, ảnh hưởng đến quá trình triển khai các dự án.
Trước thực trạng trên, Thanh tra tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan. Đồng thời, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tại các khu vực đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu.
Ngoài ra, cần phối hợp cùng các sở ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai hệ thống phần mềm một cửa liên thông, bảo đảm kết nối thông suốt từ cấp xã đến cấp tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục đất đai trong thời gian tới.
Những tồn tại, hạn chế được chỉ ra qua đợt thanh tra cho thấy công tác quản lý và giải quyết thủ tục đất đai tại Quảng Bình vẫn còn nhiều bất cập, cần được chấn chỉnh kịp thời.
Việc khắc phục các sai sót không chỉ nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, mà còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, tạo dựng niềm tin trong nhân dân đối với chính quyền các cấp. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh cải cách thủ tục hành chính đang được đẩy mạnh trên toàn quốc.
Lê Quyết