Thủy điện Bản Vẽ – công trình có quy mô lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ, đặt tại xã Yên Na, huyện Tương Dương – chính thức đưa vào vận hành từ năm 2010 với công suất 320MW, cung cấp trung bình hơn 1 tỷ kWh điện mỗi năm.

Dù vậy, suốt hơn một thập kỷ qua, nhiều vấn đề còn tồn đọng liên quan đến công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư và xử lý hậu quả thiên tai, đặc biệt là thiệt hại do cơn bão số 4 năm 2018, vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Thuỷ điện Bản Vẽ có công suất 320MW, là thuỷ điện lớn nhất Bắc miền trung.
Thuỷ điện Bản Vẽ có công suất 320MW, là thuỷ điện lớn nhất Bắc miền trung.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác liên ngành, giao Sở Công Thương làm đầu mối thường trực để làm việc với các bộ, ngành Trung ương, kiến nghị giải pháp và giám sát tiến độ khắc phục các tồn tại của dự án.

Theo văn bản số 7505/VPCP ngày 14/10/2024, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc hỗ trợ tái định cư bổ sung cho người dân chịu ảnh hưởng bởi thủy điện Bản Vẽ. Căn cứ theo Báo cáo số 218/BC-BCT ngày 28/8/2024 của Bộ Công Thương, nguồn vốn hỗ trợ sẽ do Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm trách. Bộ Công Thương được giao chịu trách nhiệm chính về việc tổ chức thực hiện.

Hiện nay, EVNGENCO1 đã phân bổ 51 tỷ đồng để triển khai các hạng mục hỗ trợ bổ sung. Tại huyện Tương Dương, hơn 30,6 tỷ đồng được dùng để nâng cấp hạ tầng cho khu tái định cư Xốp Vi – Xốp Cháo (xã Lượng Minh) và xây dựng nơi ở mới cho 19 hộ dân ở các điểm sạt lở như Khe Ò, Khe Chống. Các hạng mục bao gồm đường nội, ngoại bản, cầu, hệ thống nước sạch, cấp điện và san nền.

Tại huyện Thanh Chương, nguồn vốn hơn 20 tỷ đồng sẽ phục vụ xây dựng các công trình cộng đồng như đài tưởng niệm liệt sĩ, chợ nông thôn, sân vận động tại xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn – hai địa điểm tiếp nhận người dân tái định cư từ vùng dự án. Ngoài ra, một nhà văn hóa bản cũng sẽ được xây mới tại xã Ngọc Lâm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chính quyền cấp huyện dự kiến chấm dứt hoạt động từ giữa năm 2025 theo quy định mới, Giám đốc Sở Công Thương cảnh báo việc chậm triển khai các phần việc còn lại có thể dẫn đến khó khăn về thẩm quyền, hồ sơ và tổ chức thực hiện. Do đó, các địa phương cần khẩn trương phối hợp xử lý, đặc biệt khi nguồn vốn đã được phân bổ đầy đủ.

Cùng với đó, ông Phạm Văn Hóa cũng nhấn mạnh cần nhanh chóng hoàn tất các thủ tục về đất đai cho người dân vùng dự án nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng và ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân.

Trong thời gian tới, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ tổ chức các đoàn công tác trực tiếp xuống các địa phương liên quan để kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo triển khai dứt điểm các phần việc còn lại.

Với thời gian không còn nhiều trước thời điểm chính quyền cấp huyện chấm dứt hoạt động theo luật mới, việc khẩn trương hoàn tất các nội dung còn tồn tại của Dự án thủy điện Bản Vẽ không chỉ là yêu cầu mang tính kỹ thuật, hành chính, mà còn là trách nhiệm chính trị, đạo lý đối với hàng trăm hộ dân đã nhường đất, rời bỏ quê hương để nhường chỗ cho công trình trọng điểm quốc gia.

Sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các ngành, các cấp và chủ đầu tư trong giai đoạn “nước rút” này sẽ là yếu tố then chốt để khép lại những tồn tại kéo dài suốt hơn một thập kỷ, đồng thời tạo nền tảng ổn định đời sống, an cư lạc nghiệp cho người dân vùng tái định cư.

Xuân Lê