Những nghịch lý tăng trưởng

Năm 2017 đã khép lại với tăng trưởng GDP vượt mọi dự đoán - ở mức 6,81% dù khởi động chưa tốt. Bên cạnh đó, 2017 cũng là năm xác lập nhiều con số kỷ lục của nền kinh tế như số lượng DN thành lập mới, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (cả trực tiếp và gián tiếp), dự trữ ngoại hối...

Tuy nhiên, chỉ ra những tồn đọng, hạn chế của nền kinh tế, PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, một số biểu đồ cho thấy gánh nặng chi phí cho DN, chi phí logistics cao, chiếm 18% của GDP, trong khi trung bình thế giới chỉ 11% GDP.

“Gánh nặng này, để xử lý không dễ. Đơn cử, Bộ Công thương công bố 675 thủ tục đề xuất cắt giảm, thực tế chưa giảm được. Do đó, tác động của việc cắt giảm, xóa bỏ điều kiện kinh doanh trong năm 2018 như thế nào, chúng ta còn phải chờ. Trong đó, một con số “biết nói” khiến chúng ta phải suy nghĩ về việc tăng trưởng thực chất, theo thống kê, năm 2010, có 70% DN đóng thuế thu nhập, tới năm 2015 là 30%”, ông Thiên nói.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, kinh tế Việt Nam chỉ đang trong giai đoạn phục hồi và không đảm bảo tăng trưởng quá mức. Bên cạnh đó, một câu hỏi lớn được đặt ra, tăng trưởng đạt cao nhưng tại sao năng suất lao động lại rất thấp, thậm chí, thấp hơn cả Lào? Đây là một nghịch lý về tăng trưởng. Bên cạnh đó, cần quan tâm đằng sau câu chuyện tăng năng suất lao động đó là sự dịch chuyển nội ngành hay ngoài ngành…

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, GDP tăng, nhưng thu nhập của người dân vẫn thấp, chỉ 2.400 USD/người. Hy vọng, những thành tựu kinh tế 2017 sẽ trở thành tiền đề vững chắc cho năm 2018 và những năm tiếp theo.

Kỳ vọng về chính sách

Theo TS. Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

“Công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và toàn hệ thống nói chung đạt kết quả bước đầu và tạo lòng tin nhất định, sẽ tạo triển vọng hơn trong năm 2018 và có thể cải thiện các mục tiêu dài hạn. Với tăng trưởng kinh tế, chu kỳ tăng trưởng ngắn hạn sẽ kết thúc trong quý III/2018 và sau quý III sẽ vào chu kỳ giảm tăng trưởng ngắn hạn. Chu kỳ dài hạn thì đến 2019 sẽ giảm dần, không có đột phá.

Theo ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế có động lực lớn do bộ máy chính trị từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều đã và đang thực hiện đúng những cam kết. Trong đó, đáng chú ý là cam kết xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạch, minh bạch chống tham nhũng.

Cải cách thể chế: Động lực cho tăng trưởng - Hình 1

Cải cách thể chế: Động lực cho tăng trưởng

“Đây là thời điểm chúng ta phải đủ bản lĩnh để đưa nền kinh tế tăng tốc. Những nền kinh tế như Nhật Bản, Đài Loan có những giai đoạn tăng trưởng đạt từ 8 - 9%. Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để chúng ta có thể duy trì tốc độ tương tự từ 8 - 9% trong 10 năm. Tuy nhiên, chúng ta nên đặt ở góc độ DN để lường trước các rủi ro trong hoàn cảnh sắp tới để có biện pháp thích ứng”, ông Đông nói.

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên: “Cần đẩy mạnh một số vấn đề trong năm 2018. Cụ thể, Quốc hội đã thông qua cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh, tạo đột phá mạnh trong phân cấp, phân quyền, nhưng khi áp dụng vào thực tế còn khó khăn. Bên cạnh đó, cần xem xét lại Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để khi ban hành tới đây sẽ có tác động mở cửa, tạo đột phá mạnh nhất.

Cần có các nghị quyết để giải quyết nợ xấu, đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, sở hữu chéo ngân hàng. Những biện pháp này là để tăng mạnh đầu tư tư nhân, tạo điều kiện cho DN tư nhân phát triển, nâng cao nội lực cho nền kinh tế, tăng năng suất lao động, đổi mới công nghệ”…

Động lực cho tăng trưởng

PGS. TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Đổi mới về thể chế, cơ chế rất quan trọng, sẽ tạo niềm tin cho năm 2018”.

Nghị quyết 01 vừa được Chính phủ ban hành đang nhận được sự quan tâm của các chuyên gia và cộng đồng DN. Theo đó, nhiều nội dung của nghị quyết tập trung vào việc cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để tăng trưởng bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Chuyên gia tài chính, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, do chi phí quá cao là nguyên nhân làm lãi suất ngân hàng cao. Do đó, cần tập trung nguồn lực để giảm lãi suất. Kỳ vọng, 2018 sẽ là năm hành động chính sách và tiền tệ nhằm vào mục tiêu dài hạn.

TS. Võ Trí Thành cho biết, động lực tăng trưởng trong năm 2018, có 4 yếu tố: Nền kinh tế thế giới năm 2017 tích cực hơn nhiều và Việt Nam được hưởng lợi. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi tích cực hơn. Sự đột biến trong sản xuất và xuất khẩu trong năm 2017. Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh từ Chính phủ cho DN. Trong đó, 2 yếu tố đầu đều mang tính xu thế, còn yếu tố tích cực nhất chính là Chính phủ cải cách được môi trường kinh doanh.

PGS. TS. Trần Đình Thiên nhận định, về khía cạnh kinh tế, cần đánh giá một cách thận trọng. Đặc biệt, khi ngành thương mại vẫn còn nhiều tồn đọng, tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng còn nhiều vấn đề thì càng phải đánh giá kỹ lưỡng hơn.

GS. Nguyễn Mại khẳng định, năm 2018 vừa mang tới cơ hội, nhưng thách thức không hề nhỏ đối với Việt Nam: “Trong đầu tư nước ngoài, có các dự án chạy nhiệt điện bằng than chiếm hơn 7 tỷ USD. Nhìn vào đầu năm, có rất nhiều vấn đề liên quan đến chính trị, khủng bố nên khó có thể dự báo được diễn biến thị trường. Vì vậy, điều quan trọng nhất, khi hội nhập sâu rộng vào thế giới, cần tăng cường năng lực phản ứng, để đủ sức đối phó với mọi tình huống xảy ra”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, chúng ta phải tiếp tục thực hiện 3 đột phá, nhận diện cho đúng. Chính phủ kiến tạo cần tiếp tục kiểm soát vấn đề chi phí, xây dựng kết cấu hạ tầng. Cải thiện hạ tầng để thay đổi chi phí logistics. Nhà nước cũng không cần trực tiếp làm hạ tầng mà ra chính sách thu hút dòng vốn xã hội. Cộng đồng DN nên thông qua các hiệp hội của mình để có những đối thoại về chính sách, theo chủ trương của Chính phủ, tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa.

“Với việc sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, không nên rải đều cho các dự án mà nên chi cho các cơ sở vật chất, hạ tầng cơ bản, gồm đường trục Bắc - Nam, điện, cảng… Đây là nguồn đầu tư rất tốt cho tương lai. Nếu chúng ta kiên trì đầu tư này thì sẽ rất tốt”, ông Đông nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, có lẽ việc quan trọng hơn con số tăng trưởng 6,81% đó là việc nền kinh tế xác lập được động thái tăng trưởng mới. 2017 chỉ là năm tạo tiền đề cho sự tăng trưởng của 3 năm sau. Nếu năm 2018 tăng trưởng cao hơn thì càng tốt, nhưng vẫn nên tập trung vào mục tiêu điều chỉnh trong dài hạn…

Hoan Nguyễn