Hiện nay công tác quản lý TPCN còn nhiều hạn chế, khiến nhiều loại TPCN kém chất lượng được bán trên thị trường đánh lừa người tiêu dùng
Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, tại Tọa đàm “Đề xuất góp ý xây dựng khung pháp lý quản lý thực phẩm chức năng tại Việt Nam” do Hiệp hội thực phẩm chức năng và báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 5/5.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, thị trường TPCN tại Việt Nam trong những năm qua đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu như năm 2.000 mới chỉ có khoảng 60 sản phẩm TPCN của 15 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay cả nước đã có tới 3.600 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 6.800 sản phẩm đang lưu hành. Có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán TPCN.
Cũng theo thống kê chưa đầy đủ của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), năm 2014 nước ta có 1.062 sản phẩm mới đăng ký, năm 2015 có 10.493 sản phẩm mới đăng ký, từ đầu năm đến 30/9/2016 có 8.008 sản phẩm mới đăng ký trong đó có 4.855 sản phẩm sản xuất trong nước (chiếm 60,6%) và 3.153 sản phẩm nhập khẩu (chiếm 39,4%).
Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, sự phát triển nhỏ lẻ, manh mún và chưa được quản lý chặt chẽ của thị trường này dẫn tới nhiều bất cập. Hiện nay, các quy định, chế tài cũng như công tác quản lý còn nhiều hạn chế. Điều này dẫn tới tình trạng sản xuất, phân phối thực phẩm chức năng phát triển một cách tự phát, tràn lan và thiếu minh bạch.
TS. Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, tình trạng sản xuất TPCN giả về chất lượng, giả về thương hiệu, giả về nguồn gốc xuất xứ đang diễn biến phức tạp.
“Hiện có nhiều trường hợp sản xuất, kinh doanh TPCN không đúng chất lượng đã công bố; quảng cáo TPCN sai sự thật, cường điệu hóa công dụng của sản phẩm; sản xuất TPCN không đảm bảo vệ sinh”, TS Long nhấn mạnh.
Liên quan tới vấn đề này, TS. Nguyễn Huy Quang (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế) cho rằng, trong số 6.800 sản phẩm bao gồm ba loại thực phẩm bổ sung; thực phẩm bảo vệ sức khỏe; và thực phẩm đặc biệt dùng cho y tế cần phải thống kê được con số bao nhiêu % là thực phẩm bảo vệ sức khỏe để quản lý cụ thể. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang lợi dụng thực phẩm bảo vệ sức khỏe với danh nghĩa thực phẩm hỗ trợ điều trị để bán hàng với giá trên trời, cung cấp thông tin sai lệch, có hành vi lừa đảo người tiêu dùng.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Sinh học Việt Nam thì quan tâm tới quy định về điều kiện giá cả TPCN, tránh tình trạng giá trên trời khiến nhiều người dân, nhất là dân nghèo vùng nông thôn không tiếp cận được TPCN. Ông cho rằng, không thể để Nhà nước, tức Bộ Y tế kiểm tra tất cả mà chỉ nên làm công tác quản lý, còn bản thân đơn vị kinh doanh tự kiểm tra.
Được biết, hiện nay Việt Nam đã có Nghị định 38, Nghị định 67 và Nghị định 43 (năm 2017) liên quan đến sản phẩm TPCN. Tuy nhiên, có nhiều bất cập trong thực tiễn khi có những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ Y tế khiến lĩnh vực này chưa được quản lý chặt chẽ.
Trước thực tế này, ông Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, cần thiết ban hành Nghị định để quản lý TPCN. Nghị định cần phải đưa những chế tài xử phạt thật nặng cho các hành vi sai trái.
Đồng quan điểm, TS.Quang cho rằng, Cục An toàn thực phẩm cần phải có những đánh giá về thực trạng thực hiện các quy định về TPCN về khía cạnh thể chế pháp lý liên quan đến sản phẩm TPCN.
“Chúng ta cần có đánh giá bài bản, khoa học và toàn diện về các văn bản quản lý hiện hành xem điểm nào không phù hợp thực tiễn thì đề xuất sửa đổi, bổ sung. Phải đánh giá hai mặt, trước hết, về pháp luật có cần sửa đổi bổ sung hay không. Nếu luật quy định tốt rồi, thì trong quá trình tổ chức thực hiện, liệu đang vướng mắc ở khâu nào: khâu thanh tra, kiểm tra, quản lý của nhà nước hay Hiệp hội. Trên tinh thần đó sẽ xây dựng văn bản đánh giá đúng thực trạng, xem các quy phạm đó cần phải đổi mới cái gì, quy định mới cái gì” – TS Quang cho hay
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn Y Dược Quốc tế (IMC) nêu ý kiến, TPCN cần quản lý theo chuỗi giá trị từ đầu vào, từ nguyên liệu theo chuẩn tới việc nghiên cứu, sản xuất, ghi nhãn, phân phối, quảng cáo và nên bổ sung tiêu chuẩn GLP (kiểm nghiệm sản phẩm tốt), GSP (bảo quản tốt) có lộ trình để các doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp lớn dần lên và lớn đến đâu sẽ chuẩn hóa tới đó để phát huy tiềm năng doanh nghiệp trong nước.
“Cái gì doanh nghiệp làm được thì Nhà nước không nên làm để giúp tiết kiệm tối đa chi phí cho Nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ khởi nghiệp trên cơ sở kiểm nghiệm, đánh giá và cấp chứng nhận, đánh giá tác dụng và hiệu quả sản phẩm”, ông Hoàng nói.
Theo TS Nguyễn Hùng Long, hiện nay Cục An toàn thực phẩm đang xây dựng Nghị định quản lý TPCN để trình Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị định mới đang lấy ý kiến góp ý cho việc xây dựng khung Nghị định và cũng đang ở giai đoạn đầu xây dựng các nội dung chi tiết cho Nghị định. Thời gian tới Bộ y tế sẽ có thêm nhiều cuộc làm việc nữa với các chuyên gia, các doanh nghiệp để xây dựng khung Nghị định sát thực tiễn. “Khi xây dựng Nghị định trình Chính phủ, chúng tôi sẽ phải tổ chức nhiều buổi hội thảo về các vấn đề cụ thể với sự tham gia của nhiều cơ quan liên quan cùng các cơ sở sản xuất kinh doanh TPCN” – TS. Long cho hay.
Theo thống kê của Bộ y tế, trong 10 tháng đầu năm 2016, Bộ đã thực hiện thanh tra, phát hiện vi phạm và xử lý 88 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng với tổng số tiền phạt là 5,4 tỷ đồng. Trong đó xử lý 52 cơ sở vi phạm về quảng cáo (chiếm 59,1%) với tổng số tiền là 1,02 tỷ đồng. Các cơ sở khác có các hành vi vi phạm như kiểm nghiệm định kỳ, chất lượng sản phẩm, công bố, ghi nhãn, sử dụng phiếu kiểm nghiệm giả với tổng số tiền 4,4 tỷ đồng, thu hồi 12 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, tạm dừng lưu thông 18 cơ sở vi phạm.
Phan Chinh