Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thể hiện, năm 2021, Ủy ban đã có nhiều báo cáo tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và giám sát chung thị trường tài chính, góp phần bảo đảm thị trường tài chính phát triển ổn định, đóng góp vào việc duy trì ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, trong đó có Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Ảnh: VGP/Quang Thương
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, trong đó có Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Ảnh: VGP/Quang Thương.

Cụ thể, ngay từ đầu năm 2022 đến nay, Ủy ban đã kiến nghị sớm công bố lộ trình tiêm vaccine và kế hoạch mở cửa nền kinh tế, đồng thời sớm bổ sung gói hỗ trợ kinh tế mới với quy mô lớn hơn và thời gian hỗ trợ đủ dài, tập trung vào các đối tượng cụ thể, xây dựng các tiêu chí ưu tiên hỗ trợ nhằm duy trì và tạo việc làm,  bảo đảm an sinh xã hội và gia tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Với tinh thần chủ động, tích cực tham gia cùng các bộ, ngành xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Ủy ban đã phát hành Báo cáo một số giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 gửi lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội và các bộ ngành liên quan để tham khảo…

Về công tác giám sát thị trường tài chính, Ủy ban đã kịp thời đánh giá, cảnh báo những yếu tố rủi ro có thể tác động đến an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, cảnh báo rủi ro trên thị trường chứng khoán; đánh giá và cảnh báo một số vấn đề trong lĩnh vực bảo hiểm…

Qua đó, Ủy ban đã đề xuất nhiều giải pháp, chính sách góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của các tổ chức tín dụng như: Tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh; giám sát chặt hoạt động cấp tín dụng vào lĩnh vực bất động sản; tăng cường giám sát các cổ phiếu biến động bất thường không gắn với kết quả kinh doanh; kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa phải niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu;…

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đạt được những kết quả quan trọng trong công tác điều phối hoạt động giám sát thị trường tài chính; xây dựng cơ chế chính sách, chiến lược, định hướng phát triển thị trường tài chính; tham gia ý kiến vào các đề án, báo cáo do các bộ, cơ quan chủ trì soạn thảo; xây dựng, vận hành và tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin giám sát tài chính quốc gia,…

Phát huy kết quả đạt được, năm 2022 Ủy ban sẽ tiếp tục quán triệt và tích cực triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch đã được xây dựng; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phân tích, đánh giá tác động, dự báo tác động của thị trường tài chính đến kinh tế vĩ mô và tác động của chính sách kinh tế vĩ mô đối với thị trường tài chính; đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giám sát; hoàn thiện, cải tiến hệ thống cơ sở dữ liệu giám sát tài chính quốc gia;…

Giám sát hoạt động của thị trường tài chính, tiền tệ. Ảnh minh họa internet
Giám sát hoạt động của thị trường tài chính, tiền tệ. Ảnh minh họa internet.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban tiếp tục theo dõi chặt chẽ các thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm cũng như các yếu tố ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô… Việc giám sát phải được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và hết sức nhạy bén, kịp thời, linh hoạt.

Đồng thời, Ủy ban cần tăng cường phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, xây dựng các báo cáo sát, đúng tình hình để tham mưu hiệu quả cho lãnh đạo chỉ đạo điều hành.

Về một số kiến nghị của Ủy ban, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao các bộ, ngành, cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết; những đề xuất vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Q.N (t/h)