Đây là thông tin tại Báo cáo Thịnh vượng 2025 (Wealth Report) của Knight Frank vừa công bố.
Báo cáo của The Wealth Report 2025 cho thấy, trên toàn cầu, số lượng người sở hữu từ 10 triệu USD trở lên (không tính bất động sản nhà ở) tăng 4,4% trong năm 2024.
Dẫn dầu danh sách năm nay tiếp tục là Mỹ khi có hơn 905.400 cá nhân có tài sản ròng trên 10 triệu USD (chiếm khoảng 38,7%), tiếp theo là Trung Quốc (hơn 471.600 người) và Nhật Bản (hơn 122.000 người).
So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam đứng sau các nước Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… về số lượng người có tài sản ròng trên 10 triệu USD. “Việt Nam tiếp tục có những bước tiến trong bức tranh thịnh vượng toàn cầu.
Năm 2024, theo mô hình định lượng tài sản của Knight Frank, đo lường quy mô của nhóm dân số thượng lưu trên toàn cầu, Việt Nam chiếm 0,2% tổng số cá nhân có tài sản ròng trên 10 triệu USD, với 5.459 cá nhân. Điều này đưa Việt Nam lên vị trí thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á”, theo báo cáo của Wealth Report.

Trước đại dịch COVID-19, tốc độ tăng người có tài sản ròng trên 10 triệu USD tại Việt Nam từng đạt 5-18% mỗi năm, nằm trong nhóm cao nhất thế giới. Sau đại dịch, mức tăng ổn định trở lại, dao động từ 2,4-5%.
Theo Knight Frank, một cá nhân siêu giàu là người sở hữu khối tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên. Đơn vị này dự đoán đến năm 2028, Việt Nam sẽ có 978 cá nhân siêu giàu, tăng 30% so với năm 2023.
Nghiên cứu của Knight Frank cũng cho thấy, 44% các công ty quản lý tài sản gia đình trên thế giới có kế hoạch tăng đầu tư vào bất động sản, được thúc đẩy bởi cả cơ hội tăng trưởng và bảo toàn tài sản.
Ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, theo báo cáo, giá nhà ở hạng sang tại các thị trường trọng điểm tăng trung bình 3,2%. Mặc dù thấp hơn mức trung bình 4,6% trong 10 năm, con số này chỉ giảm nhẹ so với năm ngoái, phản ánh một khu vực đang thích nghi với thách thức từ lãi suất cao hơn.
Đáng chú ý, Việt Nam cũng được Knight Frank liệt kê trong nhóm các thị trường bất động sản cao cấp đang nổi tại Châu Á - Thái Bình Dương, bên cạnh Tokyo, Singapore và Malaysia. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư tại thị trường mới nổi nhưng tiềm năng này.
Hồi đầu tháng Tư, Tạp chí Forbes đã công bố danh sách tỷ phú thế giới lần thứ 39, với hơn 3.000 người, trong đó Việt Nam có 5 người.
Dẫn đầu là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup. Ông Vượng là người giàu nhất Việt Nam với tài sản ước tính 6,5 tỷ USD, đứng thứ 535 trong số 3.028 tỷ phú thế giới.
Xếp sau là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT VietJet Air, với giá trị tài sản 2,8 tỷ USD, đứng thứ 1.305.
Các ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát; ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan là 3 tỷ phú tiếp theo trong danh sách.
Theo Tạp chí Forbes, bảng xếp hạng tài sản của các tỷ phú dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái tại ngày 7/3. Theo đó, người giàu nhất trên thế giới vẫn là CEO Tesla Elon Musk, với tài sản ước tính 342 tỷ USD.
PV(t/h)