Đây là con số được ông Phan Chí Dũng – Nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội thảo. Theo ông Phan Chí Dũng, ngành giấy Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân 11% giai đoạn 2000 – 2007 và 16% giai đoạn 2007 – 2017. 

Hầu hết các chuyên gia đều nhận định, nhu cầu giấy của Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng từ 8-10%/năm, đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ đô la Mỹ (USD) và tiềm năng phát triển sẽ là rất lớn. 

Ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp Nhẹ Bộ Công Thương cho biết, 70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu; trong đó chỉ gần 40% được thu gom trong nước, còn lại phải nhập khẩu. Đối với các doanh nghiệp tái chế giấy chuyên nghiệp, có năng lực tái chế tốt như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, họ rất cần nguồn nguyên liệu giấy và rõ ràng nhập khẩu là một giải pháp bắt buộc trong bối cảnh trong nước không đủ nguyên liệu sản xuất.

Cần giải pháp để ngành giấy Việt Nam phát triển bền vững - Hình 1

Trong khi đó, có thể nói, bất cứ doanh nghiệp giấy nào khi sử dụng phế liệu hay bất cứ nguồn nguyên liệu nào khác, nhập khẩu hay thu mua trong nước để sản xuất đều có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường nếu không có biện pháp quản lý tốt. Đó là chưa kể quan ngại về việc nhập khẩu phế liệu sẽ biến Việt Nam trở thành bãi rác. Điều này chỉ đúng khi nguyên liệu nhập về không phục vụ cho bất cứ hoạt động sản xuất nào, còn một khi đã là nguyên liệu sản xuất quan trọng, lại là mặt hàng được giao dịch toàn cầu thì cần cẩn trọng xem xét, ông Dũng nhấn mạnh.

Theo số liệu của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, tốc độ tăng trưởng các loại giấy các loại là rất lớn. Cụ thể, năng lực sản xuất tăng 29,7%, tiêu dùng tăng 10,5%, sản xuất tăng 22,5%, nhập khẩu tăng 6.6%, xuất khẩu tăng 79,3%. Đối với giấy làm bao bì giai đoạn 2015-2018 cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng “rất cao”. Theo đó, năng lực sản xuất tăng 39,6%, tiêu dùng tăng 13%, sản xuất tăng 27,7%, nhập khẩu tăng 8,3%, xuất khẩu tăng 44,3%.

Tuy nhiên, ông Dũng nhận định, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt so với thế giới là yếu, khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài. Ngay tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp Việt có năng lực cạnh tranh chưa tương xứng với các doanh nghiệp FDI vì vốn ít, quy mô nhỏ.

Hiện có 1 doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Giấy Việt Nam và 300 công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Trong đó đa phần là các doanh nghiệp quy mô sản xuất nhỏ dưới 100 nghìn tấn/năm, có chưa đến 20 doanh nghiệp sản xuất quy mô trên 100 nghìn tấn/năm.

Khẳng định vai trò quan trọng của ngành giấy Việt Nam. Ông Dũng cho hay trong việc tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, hỗ trợ nhiều ngành kinh tế quan trọng phát triển, cung cấp nhiều sản phẩm quan trọng cho đời sống xã hội và cho hoạt động sản xuất của nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước. “Sản xuất của ngành giấy dự kiến đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt trên 1 tỷ USD vào năm 2018”, ông Dũng nói.

Đề cập tới vai trò là nguồn nguyên liệu không thể thay thế của giấy phế liệu trong ngành sản xuất giấy, ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến khẳng định, qua kinh nghiệm từ nhiều quốc gia phát triển; trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc... tái chế giấy phế liệu đã và đang trở thành xu hướng, thậm chí còn là ngành công nghiệp xanh góp phần bảo vệ môi trường. Hoạt động tái chế giấy trở thành hoạt động kinh doanh từ khâu thu gom tại nguồn phát sinh đến khâu xử lý và tiêu hủy cuối cùng, nên tạo ra nhiều giá trị kinh tế.

Chính vì lẽ đó, công nghiệp sản xuất giấy và tái chế giấy là ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường và được thế giới khuyến khích sử dụng. Không nên coi giấy thu hồi là phế liệu mà là nguồn nguyên liệu cho ngành sản xuất. Muốn gia tăng hiệu quả trong hoạt động sản xuất giấy và thu gom, xử lý, tái chế giấy phế liệu cần tăng cường hậu kiểm tại các nhà máy sản xuất như cách làm của các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Ấn Độ... đang thực hiện. 

Bàn về chính sách, nhiều đại biểu cũng tranh luận về Dự thảo sửa đổi Quyết định 73/2014/QĐ-TTg quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, đa phần ý kiến đều ghi nhận việc siết chặt quản lý phế liệu này là cần thiết vì đã có một số doanh nghiệp lợi dụng những kẽ hở trong quản lý nhập khẩu phế liệu cho sản xuất để nhập “rác” vào Việt Nam, gây ô nhiễm môi trường. 

Tuy nhiên, nhiều nhóm phế liệu giấy như giấy hỗn hợp vẫn là nguyên liệu sản xuất quan trọng của các ngành công nghiệp tái chế, nhưng có khả năng sẽ bị đưa ra khỏi danh mục được phép nhập khẩu trong tương lai gần, dẫn đến nhiều vấn đề tồn đọng cho doanh nghiệp. 

Ông Phạm Đình Thưởng – Chuyên gia phân tích chính sách – nhận định: Ở Việt Nam, ngành công nghiệp giấy đang tăng trưởng mạnh mẽ thông qua áp dụng các công nghệ tiên tiến, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về các sản phẩm thân thiện với môi trường. Đặc biệt, xu hướng sử dụng các loại vật liệu xanh – sạch trong cuộc sống đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng đối với các loại vật liệu có nguồn góc từ giấy. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng cao đã và đang kéo theo sự gia tăng mạnh về nhu cầu giấy làm bao bì. Đây là sản phẩm phụ trợ cho các ngành hàng khác, đặc biệt là đối vơi các ngành hàng có tỉ trọng xuất khẩu cao.

Tuy nhiên, ông Thưởng cho biết, ngành giấy đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, chính sách quản lý trong nước còn nhiều khó khăn, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường nội địa và xuất khẩu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao…

Cùng với xu hướng sử dụng giấy bao bì của thế giới đang tăng cao, thay thế cho một số loại bao bì khác, trong nước, mức tiêu thụ giấy bình quân đầu người tại Việt Nam hiện thấp so với thế giới. Cụ thể, Việt Nam là 44 kg/người, trung bình thế giới là 56 kg/người, Nhật Bản 206 kg/người, Mỹ 233 kg/người. Ông Phan Chí Dũng nhận định, nhu cầu sử dụng giấy bao bì cho sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu có mức tăng trưởng rất lớn.  “Nhu cầu giấy tăng 8-10%/năm, trong đó nhu cầu giấy bao bì tăng khoảng 15%/năm. Việt Nam nhập khẩu gần 2 triệu tấn giấy hàng năm”, ông Dũng nêu con số. Theo dự báo của Hiệp hội Giấy và và Bột giấy Việt Nam, năm 2018, mức tiêu thụ giấy trong nước 4.749 nghìn tấn. Lượng giấy nhập khẩu dự kiến năm 2018 là 2099 nghìn tấn.

Bàn tới môi trường pháp lý cho ngành giấy phát triển, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, Việt Nam cần tham khảo chính sách quản lý nhập khẩu giấy phế liệu của các nước khác, đối chiếu với tình hình phát triển kinh tế và nhu cầu tại Việt Nam để đưa ra được chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc các cơ quan Nhà nước có liên quan tham vấn các doanh nghiệp để có quan điểm khách quan hơn hơn để dần hình thành và hoàn thiện khung khổ pháp lý này là hoàn toàn cần thiết. 

Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đầu ngành giấy kiến nghị về việc cần sớm xây dựng quy phạm pháp luật hướng tới mục tiêu tạo điều kiện cho ngành giấy phát triển, nhưng đồng thời vẫn quản lý hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tính toán cân đối với sự phát triển kinh tế trong thời điểm hiện tại của Việt Nam để đưa ra định hướng chính sách phù hợp, đặc biệt là cân nhắc lộ trình áp dụng chính sách. 

Đối với các doanh nghiệp giấy, môi trường vẫn luôn cần là ưu tiên hàng đầu trong phương thức sản xuất và xả thải, giữ vững tiêu chí sẵn sàng phối hợp cùng Chính phủ, đóng góp kiến thức khoa học kỹ thuật để tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo xử lý môi trường và góp phần phát triển kinh tế.

Trúc Mai