Ngày 14/8, tại Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Tại phiên họp, Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung nước khoáng và nước nóng thiên nhiên vào phạm vi điều chỉnh của luật.

Theo Thường trực Ủy ban, nước cho sinh hoạt là sản phẩm thiết yếu của cuộc sống, đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng và cần quản lý nghiêm ngặt. Để hạn chế chồng chéo, trùng lặp trong quy định pháp luật về quản lý nước, Luật Tài nguyên nước chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến nguồn nước, còn các hoạt động khai thác, sử dụng nước được thực hiện theo pháp luật chuyên ngành.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy. Ảnh QH
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy (Ảnh QH)

Trước ý kiến đề nghị bổ sung một điều riêng về tuần hoàn nước, tái sử dụng nước, ông Huy cho rằng, tuần hoàn, tái sử dụng nước là giải pháp hiệu quả trong sử dụng tiết kiệm nước, nhưng hiện nay chi phí tuần hoàn, tái sử dụng nước cao gấp nhiều lần so với chi phí mua nước và chi phí xử lý nước thải.

Bên cạnh đó, lần sửa đổi này cũng bổ sung quy định Nhà nước khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có khai thác, sử dụng nước và xả nước thải có giải pháp sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước; ưu đãi với dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thực hiện giải pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước.

Liên quan đến đăng ký cấp phép sử dụng, khai thác tài nguyên nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cân nhắc quy định các trường hợp không phải đăng ký, không phải cấp phép khai thác tài nguyên nước với nước ngầm vì thực tế có nhiều băn khoăn về tình trạng khai thác bừa bãi.

Theo ông Định, nước ngầm phải hết sức lưu ý, cần nghiên cứu quy định theo hướng chặt chẽ hơn, nếu không phải đăng ký, dễ dẫn đến sụt đất, rất nguy hiểm.

“Thường trực Ủy ban đồng tình với loại ý kiến thứ nhất. Hiện nước khoáng, nước nóng thiên nhiên đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản, Chính phủ cũng không đề xuất bổ sung nội dung này; nếu chuyển sang điều chỉnh tại Luật Tài nguyên nước thì cũng cần có đánh giá tác động, phải sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý phù hợp với tính đặc thù của loại nước này trong dự thảo Luật và đồng thời phải sửa đổi pháp luật có liên quan. Do đó, xin phép giữ nội dung này như khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật”, ông Huy cho hay.

Đồng tình với quan điểm loại ý kiến thứ nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, không nên bổ sung nước khoáng thiên nhiên vào dự thảo luật. Vì thế cần quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ như một loại tài nguyên theo pháp luật về khoáng sản.

Tuy nhiên ông Định đề nghị, nước ngầm cần quản lý chặt chẽ, có cấp phép để tránh khai thác bừa bãi, làm lẫn lộn các tầng nước với nhau. Nhất là hiện nay có việc các hộ gia đình cứ khoan nước ngầm, không hỏi ai khiến các tầng nước bị hòa lẫn vào nhau, và dẫn đến sạt lở đất. Như vậy là rất nguy hiểm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, khối lượng công tác lập pháp tại phiên họp này là rất lớn, trong đó có nhiều dự án luật phức tạp, quan trọng, được cử tri và nhân dân hết sức quan tâm, điển hình là nhóm 3 dự án luật về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản. Đây là 3 dự án luật được trình xem xét, quyết định tại cùng một kỳ họp, có tác động lớn về kinh tế xã hội, có quan hệ chặt chẽ với nhau và cũng liên quan trực tiếp điểm các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Do đó, cần phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất cao để khơi thông các nguồn lực phát triển, để thể chế hóa đúng đắn và đầy đủ các nghị quyết của Trung ương; đồng thời, cần hết sức lưu ý tránh những vướng mắc về thể chế, sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất và đặc biệt tránh có những sơ hở có thể dẫn tới tiêu cực, lãng phí, thậm chí là có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Kim Khánh