1. Hợp đồng EPC là gì?
Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 3 Nghị định 37/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm d khoản 2 Điều 1 Nghị định 50/2021/NĐ-CP), định nghĩa “Hợp đồng EPC là gì?” có thể được hiểu cụ thể như sau:
- Hợp đồng EPC là hợp đồng thiết kế, mua sắm vật tư, thiết bị, thi công xây dựng công trình hoặc hạng mục công trình. Đây là loại hợp đồng toàn diện, bao gồm các công việc từ thiết kế kỹ thuật, mua sắm vật tư, thiết bị cần thiết cho dự án, đến thi công xây dựng, chạy thử, nghiệm thu và bàn giao cho bên giao thầu.
- Ngoài ra, hợp đồng tổng thầu EPC là hình thức hợp đồng mà tổng thầu đảm nhận toàn bộ việc thiết kế, mua sắm vật tư, thiết bị, và thi công xây dựng cho tất cả các công trình trong một dự án đầu tư xây dựng. Điều này giúp chủ đầu tư giảm thiểu trách nhiệm và chỉ cần làm việc với một đơn vị duy nhất.
Như vậy, “Hợp đồng EPC là gì?” đã được pháp luật quy định chi tiết và hợp đồng này được áp dụng phổ biến trong các dự án lớn, phức tạp như xây dựng nhà máy, cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Ưu điểm chính của hợp đồng này là đảm bảo tính liên kết chặt chẽ giữa các giai đoạn từ thiết kế, cung cấp vật tư, đến thi công, giúp dự án được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả. Chủ đầu tư không cần quản lý chi tiết từng hạng mục mà chuyển giao toàn bộ trách nhiệm cho tổng thầu, đảm bảo tính đồng bộ và giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, do tính toàn diện và phức tạp, hợp đồng này đòi hỏi nhà thầu phải có năng lực cao và kinh nghiệm dày dặn để đáp ứng yêu cầu của dự án.
Mẫu Hợp đồng EPC mới nhất theo Thông tư 02/2023/TT-BXD |
Hợp đồng EPC là gì; Quyền của bên giao và bên nhận thầu EPC là gì (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)
2. Quyền của bên nhận thầu EPC được quy định như thế nào?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 32 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định cụ thể về quyền của bên nhận thầu EPC như sau:
a) Yêu cầu bên giao thầu cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện làm việc (nếu có thỏa thuận trong hợp đồng) liên quan đến công việc của hợp đồng theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
b) Được đề xuất với bên giao thầu về những công việc phát sinh ngoài phạm vi hợp đồng; từ chối thực hiện những công việc ngoài phạm vi hợp đồng đã ký kết khi chưa được hai bên thống nhất hoặc những yêu cầu trái pháp luật của bên giao thầu.
c) Tổ chức, quản lý thực hiện các công việc theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
3. Quyền của bên giao thầu EPC được quy định như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 33 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, quy định cụ thể các quyền của bên giao thầu EPC như sau:
a) Từ chối nghiệm thu sản phẩm không đạt chất lượng theo hợp đồng; không nghiệm thu những thiết bị công nghệ không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ và các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
b) Kiểm tra việc thực hiện các công việc của bên nhận thầu theo nội dung hợp đồng đã ký kết nhưng không được làm cản trở hoạt động bình thường của bên nhận thầu.
c) Tạm dừng việc thực hiện công việc theo hợp đồng và yêu cầu khắc phục hậu quả khi phát hiện bên nhận thầu thực hiện công việc vi phạm các nội dung đã ký kết trong hợp đồng hoặc các quy định của nhà nước.
d) Yêu cầu bên nhận thầu bàn giao các hồ sơ, tài liệu liên quan đến sản phẩm của hợp đồng theo nội dung hợp đồng đã ký kết.
đ) Xem xét, chấp thuận danh sách các nhà thầu phụ đủ điều kiện năng lực chưa có trong hợp đồng EPC theo đề nghị của bên nhận thầu.
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
T. Hương (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/)