Theo đó, trong 5 năm qua bệnh Dại ở nước ta đã làm chết 410 người, trên 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và 3 tháng đầu năm 2023 đã có 23 ca tử vong do bệnh Dại. Nguy cơ bệnh Dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người rất cao.
Chủ tịch UBND thành phố giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thôn chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan tham mưu Chủ tịch UBND thành phố xây dựng, phê duyệt và bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh Dại của thành phố. Ưu tiên mua vắc xin, tổ chức tiêm vắc xin Dại cho đàn chó, mèo đồng loạt vào cùng một thời điểm. Đồng thời, hỗ trợ mua vắc xin, tổ chức tiêm vắc xin Dại cho đàn chó, mèo tại các ổ dịch (nếu có), khu vực đồng bào dân tộc thiểu số...
Giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND quận, huyện kịp thời chia sẻ thông tin ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh Dại hoặc nghi bị động vật măc bệnh Dại cắn; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Giao Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Tổng Biên tập báo Cần Thơ, Giám đốc Đài Phát thanh và truyền hình thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người nuôi chó có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh Dại.
Ngoài ra, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân (đặc biệt là khu vực nông thôn và đối tượng trẻ em) về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh Dại; biện pháp, các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh Dại hiệu quả.
PV