Trong vài năm trở lại đây, sự bùng nổ của internet, thiết bị di động đã thu hút đông đảo doanh nghiệp, cá nhân tham gia thương mại. Bất kỳ ai cũng có thể tham gia giao dịch thương mại điện tử, chính điểm này gây nên sự khó khăn trong công tác chống gian lận thương mại. Nếu bán hàng lậu, hàng nhái, hàng giả ở cửa hàng, lực lượng quản lý thị trường đến kiểm tra có thể xử lý vi phạm ngay, nhưng thương mại điện tử đang trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng gian rất hiệu quả.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, các trang web thương mại phát triển bùng nổ trong 7 năm qua, từ 763 trang web năm 2013 đã tăng lên 10.000 trang web vào năm 2016. Quy mô thị trường thương mại điện tử cũng tăng lên nhanh chóng, từ 5 tỷ USD năm 2016, tăng lên 8 tỷ USD sau đó 2 năm và đến năm 2020 được dự kiến sẽ đạt 13 tỷ USD. Hiện thương mại điện tử chiếm khoảng 5% tổng mức bán lẻ hàng hoá.

Khó kiểm soát được chất lượng hàng hóa trên các trang TMĐT (Ảnh minh họa)

Khó kiểm soát được chất lượng hàng hóa trên các trang TMĐT (Ảnh minh họa)

Cùng với quy mô thị trường gia tăng thì các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái cũng tăng theo. Theo một thống kê của Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, từ đầu năm đến nay có hơn 20 trường hợp người tiêu dùng khiếu nại về việc mua hàng trên mạng chất lượng không như quảng cáo, mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng... Các trường hợp khiếu nại nhiều là mua hàng tiêu dùng trong gia đình.

Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, buôn bán hàng giả, nhập lậu trên các trang TMĐT, mạng xã hội... diễn ra phổ biến, công khai đã ảnh hưởng nghiêm trọng và đe doạ xã hội, niềm tin người tiêu dùng.

Một trong những thủ đoạn phổ biến hiện nay là người bán sử dụng hình ảnh thật của hàng hoá, sản phẩm chính hãng để quảng cáo nhưng lại chào bán với giá rẻ hơn nhiều so với hàng thật và khi giao hàng cho người mua là hàng không giống với hàng thật cả về chất lượng và mẫu mã.

Không thể bàn cãi về tính thuận tiện khi mua hàng hóa qua các trang TMĐT, bởi chỉ với vài cú nhấp chuột, người tiêu dùng có thể mua từ những sản phẩm có giá trị lớn như máy lạnh, xe máy… cho đến những món hàng thiết yếu như giấy ăn, sữa tắm… và được giao đến tận cửa nhà.

Phương thức mua hàng này giúp tiết kiệm nhiều thời gian nhưng thực chất vẫn là nơi diễn ra giao dịch giữa người mua và bán (như chợ hay cửa hàng), nên cũng có những mặt trái.

Theo các cơ quan quản lý, khó khăn trong việc kiểm soát kinh doanh tại các kênh bán hàng trực tuyến này là các nhà bán hàng thường được sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng lại tập kết hàng hoá tại nhiều địa điểm khác nhau.

Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể, trong khi 100% giao dịch trên mạng thường không có hoá đơn chứng từ. Việc lần ra đầu mối cung cấp hàng lậu, vì thế càng khó.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Hữu Tuấn cho biết, hiện tại những quy định pháp luật còn chưa hoàn thiện, nhất là quy định đối với tình hình phát triển Internet như hiện nay. Thêm vào đó việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi như phân tán lô hàng hóa ở nhiều kho gây khó khăn cho việc điều tra, thu hồi và quản lý…

Theo các chuyên gia, để ngăn chặn nạn buôn hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng trên kênh trực tuyến cần có những quy định pháp luật ràng buộc trách nhiệm của chủ các sàn thương mại. Riêng kênh bán hàng trên mạng xã hội phải có biện pháp khẩn cấp dừng hoặc chặn tên miền, trang web ngay khi phát hiện sai phạm.

PV