Đó chính là nguyên nhân thôi thúc anh Nguyễn Thanh Long - Một chuyên gia nghiên cứu kinh tế công tác tại ASEAN, ấp ủ đề án phát triển dịch vụ hậu cần trên biển với mong ước biến kinh tế biển sẽ trở thành thế mạnh của Việt Nam.

Cần tư nhân hóa phát triển kinh tế biển dưới sự quản lý của nhà nước - Hình 1

Anh Nguyễn Thanh Long - Một chuyên gia nghiên cứu kinh tế đang công tác tại tại ASEAN

 Xin chào anh, rất cám ơn anh đã dành thời gian để chia sẻ về đề án của mình. Không biết xuất phát từ nguyên nhân nào mà anh lại ấp ủ dự án phát triển kinh tế biển ?

Vì nước ta từ Bắc vào Nam đều là biển, trong đó thì 28 tỉnh giáp biển cho nên mong ước của mình là biến nó thành thế mạnh của nền kinh tế nước ta, khi đó chúng ta có thể khai thác hết được nguồn lợi từ biển.

Vậy, đề án phát triển này sẽ hoàn toàn khác hay cũng chỉ đi theo những mô- tuýp trước đây là du lịch, đánh bắt hải sản...?

Đề án này của mình là phát triển kinh doanh dịch vụ hậu cần trên biển. Mình đã ấp ủ nó hơn ba năm nay và bây giờ thì đang chuẩn bị để trình chính phủ.

Anh có thể chia sẻ một chút về dịch vụ hậu cần anh muốn hướng đến là gì hay không ?

Dịch vụ hậu cần của mình sẽ tập trung chủ yếu là thu mua lại thủy, hải sản của ngư dân và cung cấp nhiên liệu cho các tàu đánh bắt xa bờ. Trong đề án của mình bước đầu sẽ có 3 tàu lớn và 5 tàu nhỏ thực hiện thu mua thủy sản và cung cấp nhiên liệu trực tiếp trên biển sau đó rồi đưa vào bờ. Cho nên, thay vì trở về đất liền sau khi hết nguồn nhiên liệu thì họ có thể bán lại thủy sản cho bên mình hoặc đổi nhiên liệu để tiếp tục đánh bắt tiếp. Như vậy sẽ giảm được chi phí cho ngư dân hơn nữa lại có thể giữ cho thủy sản tươi làm cho giá thành sẽ cao hơn.

Nếu thực hiện mua bán trên biển vậy ngư dân có thể sẽ chịu thiệt khi mua nhiên liệu hay bán thủy sản? Như vậy, chẳng phải nguồn lợi sẽ tập trung về cho các doanh nghiệp?

Hoàn toàn không phải như vậy. Giá cả thị trường đều được quy định bởi nhà nước nên người dân không sợ sẽ bị thiệt thòi.

Không biết đề án này chỉ đơn thuần là hướng đến phục vụ việc phát triển kinh tế nhà nước hay sao ?

Thực hiện đề án này thì mình vẫn hi vọng nhà nước ủng hộ cho tư nhân vào làm kinh tế biển nhưng dưới sự quản lý của nhà nước. Như vậy, nhà nước vừa có thể giúp doanh nghiệp phát triển vừa giúp các tỉnh có thể tập trung khai thác nguồn lợi biển.

Có một thực tế là hiện nay ngư dân dần bỏ biển, chính bởi vậy mình muốn phát triển đề án mà lợi ích tập trung hướng về phía ngư dân nhiều hơn.

Nhưng nếu muốn khai thác thì họ cần tàu thuyền tốt để đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên thì điều kiện tàu thuyền này lại còn quá hạn chế. Vậy dự án của anh có đề cập đến vấn đề này không ?

Trong đề án của mình cũng hướng đến vấn đề này, mình sẽ phát triển cơ khí biển bằng cách đóng tàu thép cho ngư dân với giá thấp nhất có thể và có thể trả góp. Để ngư dân có đủ cơ sở, điều kiện tiếp tục bám biển, khai thác biển.

Nghe thì rất hợp lý tuy nhiên nó có phải chỉ đứng trên khía cạnh nhìn nhận của doanh nghiệp không?

Vì là đề án mình đã chuẩn bị rất lâu nên mình cũng đã có đi thực nghiệm, khảo sát ý kiến của ngư dân các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền Trung. Và nhận được sự ủng hộ từ họ nên mình mới có động lực phát triển tiếp đề án này để trình chính phủ.

Nước ta vẫn chưa từng đầu tư hay phát triển một lĩnh vực tương tự như thế này. Anh có nghĩ đề án của mình là quá liều lĩnh?

Ở Đà Nẵng cũng đã có công ty phát triển kinh doanh dịch vụ như thế này nhưng không thành công do thiếu sự tính toán, cũng như các bước tiến hành. Lúc đầu thì mình cũng thấy hơi mạo hiểm nhưng mà xét tổng thể thì nước ta đã có đủ điều kiện và khả năng để xây dựng và phát triển kinh tế biển ở mức cao hơn. Chính vì thế, mình tin là nếu nhận được sự ủng hộ của nhà nước thì những doanh nghiệp sẽ có thể phát triển đề án này một cách tốt.

Vậy, ngoài đề án về việc phát triển kinh tế này thì anh còn đề án nào khác không?

Còn một đề án khác cũng sẽ trình chính phủ nhưng mà mình không tiện nói ra ở đây.

Xin chúc những đề án cũng như mong ước của anh sẽ sớm thành hiện thực để có thể góp phần phát triển kinh tế đất nước trong tương lai!

Thu Hà