Các nhà giao dịch làm việc trên sàn chứng khoán NYSE ở New York phiên ngày 5/9 - Ảnh: Reuters
Cuối tuần vừa rồi, Triều Tiên tuyên bố thực hiện thành công vụ thử hạt nhân thứ sáu, với thiết bị được thử là một quả bom nhiệt hạch, hay còn gọi là bom H, có sức công phá lớn gấp 6 lần so với quả bom hạt nhân mà Bình Nhưỡng thử vào tháng 9 năm ngoái. Triều Tiên nói loại bom vừa được thử có thể được gắn lên một tên lửa tầm xa, đánh dấu một bước leo thang lớn trong cuộc đối đầu giữa Bình Nhưỡng với Mỹ và các đồng minh.
Hôm thứ Hai, thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Lao động, nên phiên ngày thứ Ba là phiên giao dịch chính thức đầu tiên kể từ những diễn biến địa chính trị trên.
“Có lẽ Triều Tiên là vấn đề khiến thị trường phản ứng mạnh nhất, ít nhất là trong 1-2 tháng trở lại đây”, ông Aaron Jett, Phó chủ tịch nghiên cứu chứng khoán toàn cầu thuộc công ty Bel Air Investment Advisors ở Los Angeles, Mỹ, nhận định.
“Về cơ bản, đây là một phiên giao dịch mà giới đầu tư giữ tâm lý tránh rủi ro… Không có dữ liệu kinh tế, báo cáo tài chính, hay thứ gì khác thực sự căn bản khiến thị trường chuyển động phiên này. Bởi vậy, sự bán tháo một lần nữa chính là do thông tin đáng ngại về Triều Tiên”, ông Jett nói.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm gần 1,1%, còn 21.753,31 điểm; chỉ số S&P 500 giảm gần 0,8%, còn 2.457,85 điểm; còn chỉ số Nasdaq giảm hơn 0,9%, còn 6.375,57 điểm.
Giới phân tích dự báo tháng 9 này sẽ là một tháng khó khăn đối với Phố Wall nếu như ở Washington diễn ra cuộc đối đầu về ngân sách và trần nợ liên bang. Thông thường, tháng 9 hàng năm đã là tháng tồi tệ nhất trong năm của chứng khoán Mỹ.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, các nhà đầu tư còn lo ngại về tin một cơn bão lớn có tên Irma đang di chuyển về phía bang Florida thuộc phía Nam của Mỹ, không lâu sau khi bang Texas chịu thiệt hại nghiêm trọng vì siêu bão Harvey.
Phiên này, cổ phiếu tài chính là nhóm dẫn đầu sự giảm điểm ở Phố Wall, với mức giảm 2,2%, mạnh nhất kể từ giữa tháng 5. Trong đó, giá cổ phiếu Goldman Sachs giảm 3,6%.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư cho rằng bất kỳ đợt bán tháo nào ở Phố Wall vào thời gian này cũng là lý do để mua vào, bởi chứng khoán Mỹ đã giữ xu hướng giá lên (bull) trong hơn 8 năm trở lại đây.
Có hơn 6,7 tỷ cổ phiếu được giới đầu tư sang tay trong phiên giao dịch của chứng khoán Mỹ, so với mức trung bình 5,8 tỷ cổ phiếu mỗi ngày trong 20 phiên vừa qua.
Trái với sự giảm giá của cổ phiếu, những tài sản an toàn như vàng, Yên Nhật và Franc Thụy Sỹ tiếp tục tăng giá.
Trong đó, giá vàng giao ngay tại New York phiên ngày thứ Ba có lúc vượt 1.345 USD/oz, cao nhất trong gần 1 năm. Chốt phiên, giá vàng tăng 5,6 USD/oz, đạt 1.340,4 USD/oz.
Đồng USD tiếp tục chịu sức ép giảm giá lớn từ căng thẳng quan hệ Mỹ-Triều và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2017. Hôm qua, ông Lael Brainard, một Thống đốc FED, nói rằng ngân hàng trung ương Mỹ nên trì hoãn tăng lãi suất cho tới khi lạm phát ở nước này tăng lên. Vị thống đốc cũng nói lạm phát Mỹ hiện đang thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà FED đề ra.
Trong phiên, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt có lúc giảm 0,5%, còn 92,183 điểm, mức giảm mạnh nhất trong hơn 1 tuần. So với đồng Euro, đồng USD có lúc mất giá 0,4%, còn hơn 1,19 USD đổi 1 Euro, gần mức thấp nhất trong 2 năm rưỡi là hơn 1,2 USD đổi 1 Euro hồi tuần trước.
Giá dầu thô thế giới tăng mạnh, trong khi giá xăng tại Mỹ giảm, do các nhà máy lọc dầu ở Texas phải đóng cửa vì bão Harvey bắt đầu hoạt động trở lại.
Giá dầu thô WTI giao sau ở Mỹ tăng 1,37 USD/thùng, tương đương tăng khoảng 3%, chốt ở 48,66 USD/thùng, gần cao nhất trong 3 tuần. Giá dầu thô Brent tại London tăng 1,04 USD/thùng khi đóng cửa, tương đương tăng 2%, đạt mức 53,38 USD/thùng.
Giá xăng giao sau tại Mỹ giảm gần 3,2% trong phiên này, còn 1,69 USD/gallon, tương đương khoảng hơn 10.000 đồng/lít, từ mức 2,17 USD/gallon, tương đương khoảng 13.000 đồng/lít vào hôm 31/8.
Thăng Điệp - vneconomy