Mặc dù có nhiều lợi thế về du lịch, kinh tế biên mậu, cửa khẩu… nhưng do hạ tầng giao thông còn hạn chế nên kinh tế tỉnh Cao Bằng chưa có bước phát triển mạnh. Cao Bằng là tỉnh miền núi với loại hình giao thông duy nhất là đường bộ, các loại hình giao thông khác không phát triển do điều kiện tự nhiên không cho phép hoặc chưa đủ nguồn lực, yếu tố thuận lợi để đầu tư. Chính vì vậy, những năm qua, địa phương tập trung nguồn lực cho phát triển đường bộ.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư khoảng 4.244 tỷ đồng để đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở mới các công trình giao thông như: Cải tạo, nâng cấp148 km đường tỉnh với giá trị khoảng 1.100 tỷ đồng; mở mới 54 km đường huyện với kinh phí khoảng 256 tỷ đồng; cải tạo 256 km đường huyện với giá trị 620 tỷ đồng; mở mới 847,6 km và cải tạo 1.026,4 km đường xã, thôn xóm; xây mới hoặc sửa chữa 51 cây cầu… Cùng với đó, việc đầu tư xây dựng bến xe khách tại tất cả các huyện được quan tâm. Tại các cửa khẩu, bãi đỗ xe, bãi tập kết hàng hóa được quy hoạch và đầu tư gắn với quy hoạch phát triển kinh tế cửa khẩu, phục vụ kịp thời nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của nhân dân.

Thi công đường phía Nam khu đô thị mới thành phố Cao BằngThi công đường phía Nam khu đô thị mới thành phố Cao Bằng

Nhìn tổng thể hạ tầng giao thông, trên địa bàn tỉnh Cảo Bằng hiện có 6 tuyến quốc lộ đi qua (QL3, QL34, QL34B, QL4A, QL4C, đường Hồ Chí Minh) với tổng diện tích chiều dài 714km. Các tuyến quốc lộ về cơ bản mới đạt quy mô cấp IV và cấp V miền núi, mặt đường rộng 5,5m được thiết kế với trọng tải và lưu lượng xe hạn chế… Do đó, thời gian gần đây, các tuyến đường tỉnh, nhất là các tuyến kết nối với cửa khẩu, các khu, điểm du lịch được địa phương quan tâm đầu tư phát triển để phục vụ giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa và phục vụ khách du lịch.

Cùng với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, thời gian qua, giao thông nông thôn, các tuyến đường cấp xã, thôn bản cũng được tỉnh Cao Bằng quan tâm đẩy mạnh đầu tư. Đặc biệt, từ năm 2016, tỉnh Cao Bằng đã ban hành Nghị quyết số 72/2016/NQ-HĐND về phát triển giao thông nông thôn. Xác định tính chất quan trọng của phát triển giao thông nông thôn trong chương trình phát triển hạ tầng giao thông chung của địa phương, đến nay các mục tiêu theo Nghị quyết đề ra đều cơ bản đạt. Các tuyến đường huyện đạt cấp IV, làm mới một số tuyến đường ra cặp chợ biên giới, nhựa hóa hoặc bê tông hóa đường đến trung tâm xã. Cùng với đó đã cải tạo nâng cấp trên 1.140 km các tuyến đường xã tối thiểu đạt loại B giao thông nông thôn. Đường giao thông thôn xóm được sửa chữa, nâng cấp khoảng 300km. Các tuyến đường nội đồng cơ bản đảm bảo các phương tiện thô sơ, xe tải nhẹ, máy cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp đi lại thuận tiện. Cùng với đó, việc xây dựng cầu dân sinh theo Đề án xây dựng cầu dân sinh do Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt và theo các Chương trình hỗ trợ có mục tiêu đều đạt tiến độ. Ngoài ra, 100% đường giao thông nông thôn đã được đầu tư hoàn chỉnh, được bảo trì theo quy định…

Đánh giá về phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn, ông Lã Hoài Nam – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Cao Bằng cho biết: Dù còn nhiều khó khăn, nhưng những năm gần đây tổng thể hạ tầng giao thông của tỉnh Cao Bằng đã có những đổi thay tích cực. Từ Hà Nội lên với Cao Bằng hiện đã thuận lợi hơn nhờ các tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Bắc Kạn. Đặc biệt, tuyến cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng mới khởi công sẽ kéo Cao Bằng đến gần hơn với Thủ đô. Các tuyến tỉnh lộ đến cửa khẩu, khu du lịch được đầu tư mở rộng. Giao thông nông thôn cũng đã có những cải thiện đáng ghi nhận... Kết quả đó có được nhờ sự quan tâm từ Trung ương, của tỉnh và đặc biệt là người dân đồng thuận, chung tay. Nhiều tuyến đường huyện, xã, thôn xóm được đầu tư qua các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo bộ mặt mới cho khu vực nông thôn. Phong trào phát triển giao thông nông thôn ở khắp các địa bàn trong tỉnh được nhân dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng, đóng góp tiền, vật liệu, ngày công lao động… Trong giai đoạn tới, tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho hạ tầng giao thông và xem đây là động lực để tạo đà phát huy những tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa.

Hoàng Thiệp