Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, chiều dài 78,5km đi qua 3 tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đây là một trong 03 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đầu tư theo hình thức PPP.
Đến nay, tổng vốn giải ngân vào dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo đạt 966,6 tỷ đồng. Trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là vốn chủ sở hữu với 711 tỷ đồng, tiếp theo là vốn huy động từ các hợp đồng BCC với 203,5 tỷ đồng, vốn tín dụng cũng đã được ngân hàng tài trợ vốn giải ngân được trên 52 tỷ đồng.
Về phần vốn ngân sách Nhà nước, đại diện doanh nghiệp dự án cho biết, hiện các bên đang thực hiện các thủ tục để giải ngân, dự kiến đợt 1 được giải ngân hơn 24 tỷ đồng.
Tại dự án này, liên danh Đèo Cả - 194 đã áp dụng mô hình huy động vốn 3P để thực hiện dự án, với P thứ nhất: Vốn ngân sách nhà nước là 5.139 tỷ đồng; P thứ 2: Vốn chủ sở hữu là 1.030 tỷ đồng và P thứ 3 - nguồn vốn khác do nhà đầu tư huy động là 2.756 tỷ đồng (trong đó vốn tín dụng là 1.700 tỷ đồng và vốn từ các hợp đồng hợp đồng hợp tác đầu tư (BCC) là 1.056 tỷ đồng).
Ngày 05/02/2022, trong chuyến hành trình Tết xuyên Việt của Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính, khi đến thăm trực tiếp dự án cao tốc Bắc –Nam, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Thủ tướng đánh giá cao nhà đầu tư tại dự án này đã giải quyết được vấn đề là đa dạng hoá nguồn vốn.
Theo Thủ tướng, “tại Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có 04 hình thức huy động vốn và các nhà đầu tư đã huy động 04 hình thức này thành công. Trong khi hai dự án PPP còn lại chưa có tín dụng, chưa đa dạng hoá phương án này nên nhà đầu tư gặp khó khăn. Qua đây thấy bài học kinh nghiệm là phải đa dạng hoá nguồn vốn để triển khai đầu tư”.
Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo cũng được biết đến là dự án đặc biệt khi có thời gian đàm phán hợp đồng BOT lâu nhất trong 03 dự án PPP cao tốc Bắc Nam. Từ kinh nghiệm được đúc rút qua nhiều lần tháo gỡ vướng mắc cho các dự án khó, Tập đoàn Đèo Cả đã đưa ra thảo luận chi tiết về các vấn đề có thể gặp phải như cơ chế, chính sách, điều kiện giải ngân…với tinh thần “ký để làm chứ không ký cho có”.
Mặc dù ký hợp đồng BOT sau cùng nhưng Cam Lâm – Vĩnh Hảo lại là dự án đầu tiên ký được hợp đồng tín dụng và thu xếp xong nguồn vốn để thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, song song với quá trình đàm phán hợp đồng PPP, liên danh nhà đầu tư đã chủ động sử dụng nguồn vốn tự có để thực hiện thi công dự án (chấp nhận rủi ro mất tiền khi không ký được hợp đồng), nhờ đó nhà đầu tư cam kết rút ngắn thời gian thi công hoàn thành dự án sớm hơn 2 tháng so với hợp đồng đã ký với Bộ GTVT.
Theo đại diện Công ty cổ phần Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, hiện nay công tác bàn giao mặt bằng còn khoảng 1km đoạn tuyến từ Km116+780 - Km118+280 và một số vị trí cục bộ…phía địa phương vẫn đang trong quá trình xem xét giải quyết. Tại một số hạng mục công trình, hồ sơ thiết kế bước thiết kế kỹ thuật, mốc mạng...có sự sai khác so với thực tế hiện trường cần có ý kiến các bên để làm rõ và đưa ra các giải pháp xử lý.
Trong thời gian dịch Covid - 19 bùng phát, các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận đều áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, nên công tác tập kết nhân lực, máy móc thiết bị gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của các địa phương nơi dự án đi qua và nỗ lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, đến nay Ban điều hành đã huy động được gần 1.000 cán bộ, công nhân và hơn 300 máy móc, thiết bị phục vụ thi công đến dự án để xây dựng nhà điều hành, khu lán trại, khu phụ trợ thi công, làm đường công vụ, thi công hạng mục hầm Núi Vung…
Đại diện Công ty cổ phần Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo cho biết, khó khăn hiện nay là các mỏ vật liệu thực tế có trữ lượng, công suất không đảm bảo như hồ sơ thiết kế (chỉ đáp ứng 20-30%), giá thành vật liệu tăng cao, cách xa tuyến cao tốc, đường vận chuyển qua nhiều khu dân cư ảnh hưởng đến môi trường...
Q.N (t/h)