Phương thức nhiều ưu điểm
Theo bà Dương, tính cho tới nay, hơn một nửa số FTA được ký kết sử dụng hệ thống tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các quy định về chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Các quốc gia sử dụng hình thức tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa thay cho hình thức cấp C/O truyền thống trong các FTA thế hệ mới trong thời gian gần đây, xuất phát từ một vài lý do.
Thứ nhất, do sự quá tải của các cơ quan có thẩm quyền cấp C/O. Hiện nay, số lượng các FTA được ký kết giữa các quốc gia ngày càng tăng, mỗi một FTA lại sử dụng một mẫu giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa khác nhau. Do đó, số lượng C/O cần phải cấp tại quốc gia XK sẽ tăng lên đáng kể, các cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ phải thực hiện một khối lượng công việc lớn hơn nhiều lần. Vì vậy, khó có thể đảm bảo được tính chính xác của việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cũng như kéo dài thời gian, chậm trễ trong việc cấp C/O, gây thiệt hại cho DN trong việc hưởng ưu đãi thuế.
Thứ hai, một trong những ưu điểm quan trọng của hình thức tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với hình thức cấp C/O truyền thống là việc chuyển trách nhiệm xác định xuất xứ hàng hóa cho những người am hiểu nhất về quá trình sản xuất hàng hóa của mình. Do vậy, nhà sản xuất hoặc nhà XK sẽ có đầy đủ các thông tin và tài liệu liên quan về hàng hóa, từ đó có điều kiện tốt nhất để xác định xuất xứ hàng hóa cho phép các DN tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cũng giúp tiết kiệm thời gian trong việc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ, cải thiện hiệu quả hoạt động của DN, nhất là trong thời kỳ các thỏa thuận ưu đãi thương mại liên tục được ký kết. Từ đó, có tác động không nhỏ tới sự phát triển chung của hội nhập thương mại giữa các quốc gia.
Như vậy, so với hệ thống cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hệ thống tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là một phương thức chứng nhận xuất xứ hàng hóa có nhiều ưu điểm, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho các DN và giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tạo sự thuận lợi trong trao đổi thương mại hàng hoá giữa các nước.
DN Việt còn bỡ ngỡ
Bà Dương nhìn nhận, có thể các DN sản xuất ra hàng hóa là chủ thể - hiểu rõ nhất quy trình sản xuất hàng hóa như thế nào, nhưng lại thiếu những kiến thức nhất định về các quy tắc, thủ tục chứng nhận xuất xứ hàng hóa. So với DN các quốc gia trên thế giới, DN Việt Nam vẫn còn bỡ ngỡ về hình thức tự chứng nhận xuất xứ này.
DN còn bỡ ngỡ về hình thức tự chứng nhận xuất xứ
Mặc dù Việt Nam đã thực hiện thí điểm chương trình tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN theo Thông tư số 28/2015/TT-BCT ngày 20/8/2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 27/2017/TTBCT ban hành ngày 6/12/2017), tuy nhiên cho tới nay, số được phép thực hiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa mới chỉ có 2 DN, sau 3 năm thực hiện thí điểm.
Thực tế, ngay cả đối với các hệ thống cấp giấy chứng nhận truyền thống, tỷ lệ vận dụng ưu đãi từ các FTA (Việt Nam là thành viên) của các DN Việt cũng rất thấp.
Thứ nữa, các DN Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng hệ thống lưu trữ đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định CPTPP về yêu cầu lưu trữ toàn bộ các tài liệu liên quan tới việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho một lô hàng tối thiểu là 5 năm. Do phần lớn là các DNNVV nên việc xây dựng một hệ thống lưu trữ hồ sơ, tài liệu trên giấy, cũng như lưu trữ trên hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cũng là một thách thức lớn đối với các DN này.
Việc không đáp ứng yêu cầu về cơ sở lưu trữ hồ sơ - dẫn đến kết quả các DN sản xuất, XK hàng hóa sẽ không thể đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin của quốc gia NK khi họ thực hiện xác minh chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong trường hợp cần thiết. Điều này, sẽ khiến cho hàng hóa của các DN khó có thể được hưởng ưu đãi thuế theo quy định tại Hiệp định CPTPP.
Hiệp định CPTPP cho phép các quốc gia sẽ quy định các biện pháp xử phạt trong pháp luật quốc gia mình theo Điều 3.30. Vì thế, nếu không hiểu rõ các quy định, sẽ dẫn đến thực hiện tự chứng nhận xuất xứ không hợp lệ, các DN không chỉ phải đối mặt với nguy cơ không được hưởng ưu đãi thuế quan, thậm chí còn phải thực hiện nộp phạt hoặc chịu những hình phạt nặng từ các quốc gia NK, nếu không chứng minh được hàng hóa của mình có xuất xứ đúng với việc tự chứng nhận.
Xây dựng các quy định
“Các DN Việt Nam cần phải chuẩn bị nguồn lực trong trường hợp nhận được yêu cầu xác minh tại cơ sở sản xuất từ phía quốc gia NK. Bởi vì, theo hệ thống cấp giấy chứng nhận xuất xứ quen thuộc với DN Việt, việc xác minh ở cơ sở sản xuất chỉ đến từ phía cơ quan hải quan Việt Nam. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này từ phía quốc gia NK, rất có thể các DN sẽ gánh chịu thiệt hại lớn khi không những mất khoản thuế ưu đãi, mà còn chịu các hình phạt nặng nề khác từ quốc gia NK”, bà Dương nói.
Vậy cần phải làm gì để triển khai tốt hệ thống tự chứng nhận xuất xứ?
Theo bà Dương, trước hết đó là việc xây dựng hệ thống các văn bản pháp lý. Với vai trò là quốc gia XK, chúng ta cần cân nhắc bổ sung các quy định về thủ tục, yêu cầu nhà sản xuất, XK cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến hoạt động tự chứng nhận xuất xứ để lưu trữ, hỗ trợ cho quốc gia NK khi được yêu cầu; các quy định về hình phạt áp dụng đối với các nhà sản xuất, nhà XK của quốc gia mình trong trường hợp phát hiện ra sự gian lận, cố tình cung cấp thông tin sai lệch để hưởng ưu đãi thuế quan của các thương nhân.
Làm tốt điều này, cũng là để bảo vệ cho ngành công nghiệp của quốc gia, tránh sự trừng phạt hàng loạt của các quốc gia NK khi họ phát hiện có sự gian lận. Tuy nhiên, cần chú ý, vấn đề lớn đối với Việt Nam là thực hiện vai trò của quốc gia NK hàng hóa.
Việt Nam cần phải xây dựng các quy định chặt chẽ trong hệ thống pháp luật để bảo đảm thực hiện cơ chế xác minh xuất xứ một cách bảo đảm, giúp phát hiện được các gian lận về thuế quan khi hàng hóa được NK vào, tránh gian lận về thuế quan dẫn tới thất thu NSNN. Mặt khác, không chỉ cần xây dựng hệ thống các quy định phù hợp, Việt Nam còn phải đảm bảo một môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch về thủ tục, nghĩa vụ các chủ thể liên quan.
Việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa phụ thuộc rất nhiều vào sự trung thực của các DN, vì vậy, Chính phủ cần đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực để nhận biết và xác định đối với những hồ sơ, giấy tờ, tài liệu tự chứng nhận xuất xứ có sự giả mạo, sai lệch từ các DN sản xuất, XNK từ các nước đối tác vào Việt Nam nhằm gian lận thuế,
Hưng Khánh