Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Cơ hội mở rộng xuất khẩu từ CPTPP

Ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là bước tiến quan trọng của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Những cánh cửa mới

Với 11 nền kinh tế thành viên, CPTPP là hiệp định quan trọng, mang tới nhiều cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu giảm sút, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Có ba nước thành viên CPTPP thuộc khu vực châu Mỹ gồm: Ca-na-đa, Mê-hi-cô và Pê-ru là những nước lần đầu có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Đáng chú ý, đây đều là những thành viên có cam kết cắt giảm tỷ lệ thuế quan cho hàng hóa Việt Nam rất cao ngay khi CPTPP có hiệu lực. Cụ thể, Ca-na-đa cắt giảm tới 94% hàng rào thuế quan cho hàng hóa Việt Nam, Pê-ru là 81% và Mê-hi-cô 77%. Thực tế, những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia nêu trên đã phát triển đáng kể. Ca-na-đa, Mê-hi-cô, Pê-ru và cả Chi-lê (cũng nằm trong CPTPP) đều là những quốc gia châu Mỹ mà chúng ta có trao đổi thương mại lớn, là những thị trường quan trọng của Việt Nam tại khu vực. Do đó, với CPTPP, Việt Nam có thể tăng cường hơn nữa xuất khẩu các mặt hàng truyền thống, đồng thời tìm kiếm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng tiềm năng khác sang các thị trường này.

Cơ hội mở rộng xuất khẩu từ CPTPP - Hình 1

Cụ thể, theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương), Việt Nam được nhận định là nước có lợi thế lớn trong thương mại song phương với Ca-na-đa. Quốc gia này có nền kinh tế tương đối mở và đang tiếp tục theo đuổi chính sách tự do hóa thương mại. Với việc CPTPP sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trong đó bao trùm 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, thị trường Ca-na-đa mang lại nhiều cơ hội để nước ta đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là đối với một số mặt hàng như thủy sản, đồ gỗ nội thất, dệt may, giày dép hay một số sản phẩm nông sản chủ lực như chè, hạt tiêu, hạt điều. Riêng đối với sản phẩm thế mạnh của Việt Nam là dệt may, thuế quan vào thị trường Ca-na-đa sẽ được xóa bỏ hoàn toàn 100% vào năm thứ tư. Trong khi đó, mặc dù thị trường quần áo của Ca-na-đa có dung lượng nhỏ, nhưng nhiều công ty phân phối dệt may hàng đầu thế giới đều có trụ sở tại đất nước này và phần lớn phân phối sang cả thị trường Mỹ và các nước khác.

Mê-hi-cô là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại Mỹ la-tinh. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 2,24 tỷ USD với các sản phẩm xuất khẩu chính là điện thoại, giày dép, máy tính, hàng dệt may. Với CPTPP, Mê-hi-cô cam kết xóa bỏ 77% số dòng thuế ngay từ 14-1, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Pê-ru cũng được đánh giá là thị trường tiềm năng, tương đối phù hợp với trình độ và quy mô cũng như cách tiếp cận của nước ta bởi 75% số công ty xuất, nhập khẩu của quốc gia này là vừa và nhỏ, hàng hóa sản phẩm dễ thâm nhập, cạnh tranh, đồng thời có thể đi vào các nước láng giềng như Cô-lôm-bi-a, Bô-li-vi-a, Bra-xin,... Mặc dù trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Pê-ru hiện còn khá thấp, ở mức khoảng 250 triệu USD/năm nhưng khi CPTPP dự kiến có hiệu lực trong năm 2019 tại Pê-ru hứa hẹn sẽ tạo xung lực mới cho quan hệ thương mại hai nước. Đây cũng là lần đầu hai nước có quan hệ FTA và Việt Nam cần nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu một số hàng hóa có thế mạnh. Riêng Chi-lê đã luôn là thị trường tích cực mở cửa cho hàng hóa Việt Nam trong những năm qua kể từ khi FTA Việt Nam - Chi-lê chính thức có hiệu lực năm 2014. Trong bối cảnh Hiệp định CPTPP dự kiến được thông qua tại Chi-lê vào quý II-2019, Việt Nam chắc chắn sẽ có thêm nhiều cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang thị trường này.

Tận dụng tốt cơ hội

Có thể thấy, CPTPP mở ra cơ hội rất lớn cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng cơ hội đó có trở thành những con số cụ thể trong gia tăng kim ngạch, giá trị xuất khẩu hay không lại là vấn đề khác, phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tận dụng ưu đãi của các DN. Theo Bộ Công thương, điều kiện để được ưu đãi thuế trong một FTA kiểu mới, toàn diện như CPTPP không đơn giản bởi muốn nhận được các ưu đãi về thuế, hàng hóa Việt Nam phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam còn phải đối mặt với rất nhiều rào cản kỹ thuật và yêu cầu xuất xứ nghiêm ngặt. Thí dụ, theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa của CPTPP, các sản phẩm xuất khẩu trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối CPTPP mới được hưởng ưu đãi. Đây là một bất lợi vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các nước bên ngoài CPTPP như Trung Quốc, Hàn Quốc để gia công hàng xuất khẩu. Nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế. Ngoài ra, các quy định kỹ thuật thuộc nội khối như bao gói, nhãn mác, dư lượng hóa chất tối đa trong sản phẩm xuất khẩu cũng là một rào cản cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Hàng nông sản của Việt Nam vào CPTPP có thể bị mắc ở rào cản về các biện pháp vệ sinh dịch tễ. Những quy định này nằm trong tay các nước nhập khẩu và hoàn toàn có thể là rào cản đối với hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh đó, tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc DN Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại "sân nhà". Nhiều ngành sản xuất trong nước chắc chắn sẽ gặp khó khăn như ngành sản xuất lắp ráp ô-tô, chăn nuôi,... Điều này gây nên không ít áp lực cho hàng hóa Việt Nam và nguy cơ thất bại của các DN trên chính thị trường trong nước cũng vì thế sẽ gia tăng.

Các chuyên gia kiến nghị, trước hết để làm chủ được thị trường trong nước và sau đó thuyết phục được các thị trường mới có nhu cầu hàng hóa chất lượng cao, DN Việt Nam phải có sự đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, xây dựng các thương hiệu và tạo được giá trị riêng. Việc này cần có thời gian và nguồn lực về tài chính, con người chứ không thể thay đổi trong một sớm một chiều. DN Việt Nam cần xây dựng chương trình hành động, kế hoạch cải thiện năng lực sản xuất để khai thác hiệu quả các ưu đãi về thuế quan, không chỉ CPTPP mà còn trong tất cả các FTA đang và sắp có hiệu lực.

 Thái Linh

Tin mới

Hàng loạt điểm nhấn hứa hẹn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mùa hè tại Sầm Sơn
Hàng loạt điểm nhấn hứa hẹn mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mùa hè tại Sầm Sơn

Chiều 16/4, UBND TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa tổ chức gặp mặt báo chí để cung cấp thông tin về hoạt động du lịch biển năm 2024. Theo đó, với hàng chục hoạt động chào mừng trước, trong và sau Lễ hội du lịch biển sẽ góp phần nối dài hành trình trải nghiệm của mỗi du khách khi đến nơi đây.

Khai mạc trưng bày ảnh nghệ thuật, mỹ thuật “Hải Phòng – Kết nối miền di sản”
Khai mạc trưng bày ảnh nghệ thuật, mỹ thuật “Hải Phòng – Kết nối miền di sản”

Ngày 16/4, Trung tâm Văn hóa TP. Hải Phòng tổ chức Khai mạc trưng bày ảnh nghệ thuật, mỹ thuật với chủ đề “Hải Phòng – Kết nối miền di sản” hưởng ứng Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024.

Lãnh đạo TP. Hải Phòng thăm, tặng quà các cá nhân, gia đình người có công tại huyện An Lão
Lãnh đạo TP. Hải Phòng thăm, tặng quà các cá nhân, gia đình người có công tại huyện An Lão

Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 16/4, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Lê Khắc Nam đến thăm, tặng quà các cá nhân, gia đình người có công tại huyện An Lão. Cùng đi có đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dâng hương tại Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ; gặp mặt, tặng quà tri ân gia đình các chiến sĩ Điện Biên, gia đình chính sách tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Giải Bóng đá Nhi đồng (U11) toàn quốc 2024 công bố nhà tài trợ
Giải Bóng đá Nhi đồng (U11) toàn quốc 2024 công bố nhà tài trợ

Sáng nay, tại Hà Nội, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng (TNTP&NĐ), Liên đoàn Bóng đá Việt Nam phối hợp cùng nhãn hàng Nestlé MILO đã tổ chức Lễ Họp báo Công bố Nhà tài trợ Giải Bóng đá Nhi đồng (U11) Toàn quốc Cúp Nestlé MILO 2024.

Lạng Sơn: Họp phiên chất vấn về thực hiện quy định của pháp luật đối với công tác giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật
Lạng Sơn: Họp phiên chất vấn về thực hiện quy định của pháp luật đối với công tác giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật

Ngày 16/4, Thường trực HĐND tỉnh Lạng Sơn tổ chức họp phiên chất vấn về thực hiện quy định của pháp luật đối với công tác giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thị Hậu chủ trì phiên họp.