Với gần 300 bến cảng biển nhưng hơn 90% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu do đội tàu nước ngoài đảm nhận. Thiếu chủ động đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Trong khi đó, với tốc độ tăng trưởng về sản lượng hàng hoá xuất nhập khẩu ngày càng cao, đang đặt vấn đề cấp thiết về phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam.

Thực tế cho thấy, thời gian qua dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường vận tải biển Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng ấn tượng và nhiều hãng tàu vẫn thu lãi nhờ giá cước duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, để giải bài toán phát triển đội tàu biển quốc tế của Việt Nam vẫn cần nhiều giải pháp mang tính đồng bộ và lâu dài.

Cấp thiết hình thành đội tàu biển quốc tế Việt Nam
Cấp thiết hình thành đội tàu biển quốc tế Việt Nam.

Cơ cấu đội tàu chưa hợp lý, trọng tải nhỏ chính là một trong những yếu tố khiến đội tàu biển trong nước khó cạnh tranh với các đơn vị vận tải quốc tế. Sản lượng khai thác thấp, dẫn đến đội tàu trong nước càng khó hòa nhập được với xu hướng hàng hải thế giới. Hiện vận tải biển Việt Nam vẫn phát triển ở 3 phân khúc, chủ yếu vẫn là nội địa, Châu Á và vượt đại dương chưa đáng kể; đồng thời chưa có nhiều đội tàu quy mô lớn, tải trọng cao.

Trong bối cảnh thế giới còn khó khăn nhưng năm 2021 sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển vẫn đạt hơn 700 triệu tấn. Trong đó, sản lượng thông qua các tuyến ngắn vẫn đang là lợi thế của đội tàu trong nước.

Quy mô đội tàu của Việt Nam hiện đứng thứ ba trong khu vực ASEAN và thứ 28 trên thế giới. Hiện đã có doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tàu chuyên dụng trọng tải lớn như tàu dầu thô trọng tải đến 320.000 DWT, nhiều tàu chở hàng rời chuyên dụng trên 100.000 DWT. Đây chính là cơ sở để đội tầu trong nước từng bước chuyển đổi theo xu hướng thế giới với tàu trọng tải lớn hơn nhằm tối ưu hóa chi phí vận tải.

Trúc Mai