Quảng Ninh luôn ưu tiên chăm lo sức khỏe cho người dân vùng xa, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Ngay từ năm 2021, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, ngân sách tỉnh tiếp tục hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người dân sinh sống tại các xã mới ra khỏi vùng khó khăn và người đang sinh sống tại các xã, thôn mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn đến hết năm 2025. Nhờ đó, 100% người dân ở các xã này được thường xuyên thăm khám sức khoẻ ở các cơ sở y tế.
Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ từ Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo được thực hiện hiệu quả giúp người dân toàn tỉnh trong đó có vùng dân tộc thiểu số được quản lý sức khỏe đồng bộ, tích hợp lịch sử khám chữa bệnh với ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”. Từ năm 2022, UBND tỉnh quyết định chuyển đổi mô hình quản lý của 177 trạm y tế xã, phường về với trung tâm y tế, kịp thời giải quyết được bài toán thiếu bác sĩ tại các trạm. Năm 2023, tỉnh đã phê duyệt Đề án tăng cường cơ sở vật chất nâng cao năng lực y tế toàn tỉnh với tổng kinh phí gần 226 tỷ đồng, nâng cấp, cải tạo cho tất cả các trạm y tế toàn tỉnh trong thời gian 2023 và 2024, ưu tiên đầu tư trước cho các trạm y tế tại địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời, ngành y tế cũng đã chủ động thực hiện mô hình hỗ trợ toàn diện từ bệnh viện tuyến tỉnh cho các đơn vị vùng cao, mô hình bác sĩ dùng chung, điều chuyển bác sĩ giỏi về tăng cường cho tuyến cơ sở ngắn hoặc dài hạn, khám lưu động, duy trì các kênh chia sẻ chuyên môn. Tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ bác sĩ tuyến huyện đào tạo sau đại học được tăng thêm 0,5 lần mức chung nếu là người dân tộc thiểu số, thu hút, đãi ngộ, giữ chân các bác sĩ làm việc tại tuyến huyện, xã. Nhờ đó, năng lực y tế của các đơn vị đang được nâng lên đáng kể, giải quyết được nhiều kỹ thuật khó ngay tại địa phương với phí thấp, bệnh nhân được ở gần nhà, được chăm sóc tận tình nên yên tâm điều trị.
Người dân vùng dân tộc thiểu số cũng đang được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện rất nhiều chương trình, đề án, dự án như: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025; dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; triển khai mô hình phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 74 xã trong toàn tỉnh, trong đó tập trung ở các xã vùng dân tộc thiểu số; Đề án tuyên truyền, vận động, cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025...
Tại địa bàn biên giới, ngành y tế đã chủ động kiểm soát chặt chẽ các quy trình kiểm dịch y tế tại cửa khẩu, lối mở và tham mưu phương án phòng chống kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, các đơn vị duy trì và đảm bảo các điều kiện để phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn biên giới, thực hiện khám chữa bệnh lưu động cho các xã khó khăn trong tỉnh.
Tại các vùng hải đảo, trước đây, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế nên việc tiếp cận hỗ trợ y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân huyện đảo còn gặp nhiều khó khăn. Nằm xa đất liền, Cô Tô thường chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều cơn bão khiến việc chuyển tuyến cho người bệnh vào bệnh viện tuyến trên điều trị vô cùng gian nan. Nhờ việc đầu tư nguồn lực, thiết bị, nâng cao năng lực, chất lượng, bác sĩ làm chủ được nhiều kỹ thuật khó, tỷ lệ chuyển tuyến vào đất liền đã giảm.
Tương tự, tại huyện Ba Chẽ, công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân vùng khó cũng hết sức được coi trọng. Bác sĩ Đoàn Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ, cho biết: Năm 2023, Trung tâm đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn; triển khai thực hiện hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu của các dự án chương trình về y tế dự phòng, giám sát dịch bệnh truyền nhiễm, phòng chống các bệnh không lây nhiễm, công tác loại trừ bệnh phong, sốt rét được duy trì. Công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn luôn được quan tâm, đưa vào sử dụng nhiều trang thiết bị mới, xây dựng quy trình chuyên môn kỹ thuật triển khai thêm một số dịch vụ kỹ thuật mới. Chất lượng công tác khám chữa bệnh được nâng cao, các chỉ tiêu công tác khám chữa bệnh được giao đều đạt và đạt vượt mức.
Trung tâm cũng tranh thủ sự hỗ trợ của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí triển khai thành công mô hình Chăm sóc người bệnh toàn diện theo đội; tập huấn công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, quản lý chất lượng bệnh viện, quan tâm đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ nhân viên, thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025; phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau” v.v..
Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng khó luôn được cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và ngành y tế quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục. Những việc làm thiết thực trên góp phần to lớn trong việc tăng tỷ lệ tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
H. Thủy (Nguồn: baoquangninh.vn)