Người đàn ông này đội một mũ trùm đầu màu trắng bí hiểm che gần hết mặt (chỉ chừa 2 con mắt) khi ngồi trong một studio tối tăm. Cái vẻ lạ lẫm của anh ta được phát trên sóng truyền hình tới mọi nơi trên lãnh thổ Mỹ. Mỗi gia đình Mỹ có tivi đều có thể xem và nghe người đàn ông này nói bằng tiếng Anh giọng Nga.
MC truyền hình hỏi: “Anh có tin rằng nếu mình ngừng xuất hiện trên tivi khi đội mũ trùm kín đầu, nếu gương mặt của anh bị lộ trong chương trình này, tính mạng của anh sẽ bị nguy hiểm?”.
Người đàn ông nói trên chính là Igor Gouzenko – một nhân viên tình báo Liên Xô và một chuyên gia mật mã đào tẩu sang Canada vào năm 1945 và tiết lộ quy mô lớn của mang lưới điệp viên Liên Xô hoạt động ở phương Tây. Các tiết lộ này đã dẫn tới cái chết của nhiều người ở cả hai phe trong cuộc Chiến tranh Lạnh.
Đồng minh cũ
Trước khi Chiến tranh Lạnh chia thế giới làm hai, Mỹ và Liên Xô là đồng minh sát cánh chiến đấu chống lại Đức Quốc xã. Mặc dù vào cuối Thế chiến II (năm 1945), giới chính trị của hai nước bắt đầu dè chừng động cơ và tầm nhìn của nhau về trật tự thế giới thời hậu chiến, cái nhìn của công chúng phương Tây đối với Liên Xô vẫn tương đối thiện cảm.
Đối với nhiều người ở Mỹ, điều khó tưởng tượng là Liên Xô lại nhanh chóng trở thành kẻ thù tư tưởng chính của Mỹ trong một cuộc chiến mới cận kề. Còn các chính trị gia thì không lạc quan về triển vọng hòa bình kéo dài sau khi lực lượng Đồng minh đánh bại nước Đức phát xít. Để giành lợi thế trước các cựu đồng minh sắp trở thành kẻ thù không thể dung hòa, Liên Xô gây dựng một mạng lưới điệp viên phức tạp có nhiệm vụ moi các bí mật quân sự và công nghiệp của phương Tây, đặc biệt là các nghiên cứu về các vũ khí hủy diệt hàng loạt mới.
Bước ngoặt từ đứa con khóc cả đêm
Do Mỹ hợp tác với Canada trong nhiều lĩnh vực, Liên Xô tính toán rằng việc theo dõi Mỹ có thể trở nên dễ dàng hơn nhờ vào một mạng lưới tình báo mới hoạt động ở Canada. Thời gian ngắn sau đó, Ottawa (thủ đô Canada) trở thành một trong các căn cứ chiến lược để tình báo quân sự Liên Xô (GRU) hoạt động.
Vào mùa hè năm 1943, Moscow cài trung tá Nikolai Zabotin vào Đại sứ quán Liên Xô ở Ottawa (Canada) dưới vỏ bọc tùy viên quân sự Xô viết. Anh được trao nhiệm vụ mở rộng mạng lưới điệp viênLiên Xô ở phương Tây và bổ sung hàng ngũ cơ sở mật địa phương cung cấp thông tin cho Liên Xô. Trong số các nhân viên mà Zabotin mang theo từ Moscow sang Ottawa có Igor Gouzenko – một chuyên gia mật mã 28 tuổi chịu trách nhiệm làm thư ký cơ yếu cho sếp của mình. Công việc của Gouzenko là xử lý các bức điện đã được mã hóa gửi từ Moscow tới Đại sứ quán Liên Xô ở Ottawa và ngược lại.
Jonathan Haslam – Giáo sư Lịch sử quan hệ quốc tế tại Đại học Cambridge chuyên về lịch sử Liên Xô, nói: “Anh ta có một trí nhớ đặc biệt. Một trong những người bạn của tôi đi học ở trường đào tạo Quân báo. Cô ấy ở trong cùng lớp với anh ta. Cô ấy nhớ rằng anh ta có khả năng không quên một thứ gì. Một trí nhớ siêu phàm”.
Đối với Gouzenko – một thanh niên mới đến Canada cùng người vợ mang bầu, cuộc sống ở Liên Xô vừa mới chỉ đang phục hồi sau cuộc đại chiến thế giới tương phản hẳn với cuộc sống tại một nước chỉ chứng kiến thảm kịch Thế chiến ở châu Âu từ xa qua Đại Tây Dương.
Ngoài ra, Gouzenko còn lo sợ về những biện pháp cứng rắn mà lãnh tụ Stalin đã và đang áp dụng ở Liên Xô khi ấy.
Bên cạnh đó, Gouzenko còn cảm nhận thấy cuộc sống ở phương Tây khi ấy dễ chịu hơn ở Liên Xô. Lương thực phong phú, nhà hàng, phim ảnh, cửa hàng rộng rãi... - những thứ đó có sức hấp dẫn mạnh với anh ta.
Và rồi cơ hội đã đến. Sếp của Gouzenko có một người vợ hay cáu bẳn. Họ sống ngay cạnh căn hộ của Gouzenko. Các căn hộ được ngăn bằng tường rất mỏng (nên cách âm không được tốt cho lắm). Khi Gouzenko sinh con, đứa bé này gào khóc suốt đêm, khiến người vợ của tùy viên quân sự không chịu nổi. Sử gia Haslam kể: Người vợ của tùy viên nói với chồng “Chúng ta phải đưa anh ta ra khỏi đây”.
Thế rồi vợ chồng Gouzenko được cung cấp một căn hộ bên ngoài khu phức hợp của Liên Xô tại số 511 phố Somerset. Đối với một thư ký cơ yếu đã mất hứng và lo ngại cho tiền đồ của mình trước các biện pháp của Stalin, đây là cơ hội ngàn năm có một để đào tẩu.
Dọa sẽ có chiến tranh từ phía Nga
Gouzenko tỉ mỉ chuẩn bị cho kế hoạch đào tẩu. Anh ta sở hữu các thông tin vô giá về quy mô mạng lưới gián điệp Liên Xô ở Canada và Mỹ. Tin tưởng giới chức Canada sẽ lập tức quan tâm đến các tiết lộ của mình, Gouzenko bắt đầu sao chép và đánh cắp các tài liệu mật và đưa chúng ra khỏi đại sứ quán bằng một cách rất đơn giản là giấu trong quần áo trên người. Đáng ngạc nhiên thay, anh ta chưa bao giờ bị bắt quả tang khi đang làm vậy.
Vào ngày 7/9/1945, Gouzenko rời Đại sứ quán Liên Xô mãi mãi. Sợ bị theo dõi, Gouzenko thận trọng không đi thẳng tới gặp giới chức Canada mà quyết định nói chuyện với phóng viên và đi tới tòa soạn Tạp chí Ottawa.
Biên tập viên Chester Fowde nhớ lại: “Anh ta thấp và trắng trẻo. Anh ta muốn nói chuyện riêng tư với tôi. Anh ta tựa lưng vào tường và nói “Chiến tranh. Đó là Nga”. Cứ như thể anh ta đã chuẩn bị sẵn các từ này để dọa người ta. Nhưng tôi không quan tâm lắm vì chúng tôi không có chiến tranh gì với Nga cả. Thế chiến II đã qua rồi”.
Nhà báo trên khuyên Gouzenko nên thử vận may với cảnh sát.
Vợ Gouzenko lúc đó đang mang thai đứa con thứ 2, anh ta phải chạy khắp các cơ quan chính phủ Canada như cảnh sát, tòa án, bộ tư pháp. Nhưng thật bất ngờ, giới chức Canada chỉ tỏ ra bối rối chứ không quan tâm.
Lúc đó, câu chuyện về một lưới điệp viên Xô viết ở Canada và các nước phương Tây dường như không đáng tin cậy lắm trong bối cảnh Liên Xô được nhiều người xem là đồng minh của các nước phương Tây.
Kẻ đào tẩu không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc quay trở lại căn hộ của mình, thất vọng tràn trề. Hy vọng của anh ta về cuộc sống mới ở Canada mỏng đi nhanh chóng. Đêm đó, các đặc vụ của Bộ Nội vụ Liên Xô (NKVD) phát hiện ra Gouzenko đang chơi trò hai mặt và tiến hành đột kích căn hộ của anh ta. Nếu gia đình Gouzenko không nhanh chóng trốn thoát và ẩn náu tại nhà hàng xóm, họ chắc chắn sẽ bị bắt và đưa về Liên Xô.
Canada hiểu ra giá trị của Gouzenko và ra tay hành động
Cuối cùng, thông tin về Gouzenko nỗ lực liên lạc với Bộ trưởng Tư pháp Canada đến tai Thủ tướng Canada William Lyon Mackenzie King. Vụ đột kích căn hộ của Gouzenko khiến chính phủ Canada tin rằng hẳn phải có gì đó đáng giá trong các tuyên bố của anh này. Thế là kẻ đào tẩu và gia đình nhỏ của anh ta được bảo vệ, còn Thủ tướng Canada thảo luận vấn đề nhạy cảm này với Tổng thống Mỹ Harry Truman và Thủ tướng Anh Clement Atlee.
Khi giới chức Canada từ chối đáp ứng yêu cầu của Đại sứ quán Liên Xô trao Gouzenko cho họ, người ta nhận thấy Đại sứ Liên Xô Georgi Zarubin có “biểu hiện rất lo lắng trên gương mặt”.
Thế nhưng, Canada nhận thấy việc loại bỏ cả một mạng lưới gián điệp Liên Xô có thể khiến cựu đồng minh này xa cách, đồng thời làm đảo lộn trật tự an ninh hậu chiến ở châu Âu và phần còn lại của thế giới. Do vậy, Canada đã giữ bí mật các tiết lộ của Gouzenko, và chỉ có một nhóm hẹp các chính trị gia cấp cao được tiếp cận thông tin này. Tuy nhiên, câu chuyện đó cuối cùng vẫn bị rò rỉ tới nhà báo nổi tiếng của Mỹ Drew Pearson. Đến lượt mình, nhà báo Pearson lại đưa tin này cho độc giả phương Tây vào ngày 3/2/1946.
Ngày hôm sau, chính phủ Canada mở một cuộc điều tra chính thức về các tuyên bố của Gouzenko. Hậu quả, 39 người tại Canada đã bị bắt giữ. Tại Anh, các nhà vật lý hạt nhân Alan Nunn May và Klaus Fuchs bị kết tội làm gián điệp cho Liên Xô. Tại Mỹ, các tiết lộ của Gouzenko dẫn tới việc bắt giữ và tử hình Julius và Ethel Rosenberg – đây là những dân thường Mỹ đầu tiên bị hành quyết với cáo buộc làm gián điệp thời bình.
Trong khi đó, sếp cũ của Gouzenko - Nikolai Zabotin, bị triệu hồi về Liên Xô. Anh ta trở thành người giơ đầu chịu báng cho sự đào tẩu của Gouzenko. Nikolai Zabotin bị bắt giữ cùng với vợ con và bị đưa đi trại cải tạo. Anh ta được phóng thích vào năm 1953, sau khi Stalin qua đời.
Kẻ đào tẩu cùng gia đình được cấp quốc tịch Canada và sống bằng danh tính mới. Lo sợ bị Liên Xô trả thù, Gouzenko không bao giờ xuất hiện trên tivi mà thiếu mũ trùm đầu kín mít.
Cuối cùng Gouzenko chết vì các nguyên nhân tự nhiên ở Ontario vào tháng 6/1982./.