Chương trình công bố Bảng xếp hạng Chỉ số PSDI 2021 do Học viện Chính sách và Phát triển (APD), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức nhân Hội thảo khoa học quốc gia “Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị”.
Theo Ban Tổ chức, Chỉ số PSDI được nhóm nghiên cứu tại Học viện Chính sách và Phát triển xây dựng nhằm đánh giá mức độ phát triển các địa phương trên nhiều khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Bên cạnh việc đánh giá, xếp hạng mức độ phát triển bền vững của các địa phương, chỉ số PSDI còn phần nào phản ánh khoảng cách trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của địa phương đó.

Theo đó, PSDI 2021 bao gồm 14 chỉ số thành phần phản ánh 17 mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Kêt quả, Chỉ số PSDI 2021 của tỉnh Bình Định xếp thứ 17 trong số 63 tỉnh, thành phố cả nước.
Cũng theo Ban Tổ chức, kết quả trung bình của 63 tỉnh thành trên cả nước năm 2021 đạt 51,38 điểm cho thấy các địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam.
Cụ thể, nhóm tỉnh/thành được đánh giá thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững bao gồm 13 địa phương, với sự góp mặt của nhiều tỉnh và thành phố lớn, trong đó có 3 tỉnh thăng hạng vượt bậc so với năm 2020 là: Bình Dương, Hưng Yên và Hà Nam.
Đáng lưu y, năm 2021, Đà Nẵng tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số PSDI với 65,28 điểm. Trong số 14 mục tiêu phát triển bền vững, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về mục tiêu bình đẳng giới, nước sạch và vệ sinh; tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm.
Xếp thứ nhì là thành phố Hải Phòng với 64,09 điểm. Hải Phòng thể hiện sự vượt trội về các chỉ tiêu kinh tế với thành phần: Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế (xếp thứ nhất trong 63 tỉnh thành thành) và Công nghiệp, đổi mới sáng tạo (xếp thứ 2/63 tỉnh thành). Tiếp theo là các địa phương: Quảng Ninh (với 63,10 điểm); Hà Nội (62,46 điểm); Hưng Yên (62,43 điểm)…
Đứng cuối bảng xếp hạng là các địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc điểm chung của các địa phương này là hạn chế trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội…

Theo Tiến sĩ Lê Việt Anh, Vụ trưởng, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT), trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ đề xuất 08 giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, sẽ hoàn thiện thể chế, thực hiện quá trình phục hồi xanh, sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả, phát triển nguồn nhân lực…
Viết Hiền