Hội thảo khoa học quốc gia 'Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - 40 năm nhìn lại'. (Ảnh: VĨNH HÀ)
PGS-TS Trần Đức Cường - phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - trong bài phát biểu đề dẫn đã nhấn mạnh: Hội thảo không phải nhằm khoét sâu hận thù mà chỉ nhắc lại một sự thật không thể chối bỏ về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Việt Nam.
Hội thảo cũng nhằm tôn vinh những người đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chính nghĩa này và rút ra bài học lịch sử, nhằm củng cố quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, gìn giữ hòa bình.
"Những nghiên cứu tại hội thảo này cũng khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong nỗ lực xây dựng quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, biểu dương những hành động nhằm vun đắp quan hệ tốt đẹp, phản đối hành động xuyên tạc nhằm chia rẽ quan hệ hai nước" - PGS-TS Trần Đức Cường cho biết.
Đó là cuộc chiến đấu chính nghĩa
Tại hội thảo, GS Vũ Dương Ninh (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng theo tư liệu lịch sử và phân tích của các nhà sử học, có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến quân bành trướng Trung Quốc có quyết định này. Nhưng sự chuyển dịch của tam giác Mỹ - Trung - Liên Xô là một nguyên nhân sâu xa dẫn tới cuộc chiến.
"Cần khẳng định rằng về bản chất, Trung Quốc đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược đối với một quốc gia độc lập, có chủ quyền và quân dân Việt Nam đã kiên cường chống trả nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" - GS Ninh nhấn mạnh.
Cuộc tấn công của quân bành trướng Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 17/2/1979, đã được các nhà nghiên cứu lịch sử nhắc lại với việc đồng loạt nổ súng xâm lấn vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, trải dài 1.400km.
Trong đó, tại Cao Bằng quân Trung Quốc tiến sâu 40km, tại Lạng Sơn tiến vào sâu 10-15km.
GS Vũ Dương Ninh phân tích: Dù Trung Quốc có biện minh dưới chiêu bài "phản kích tự vệ", nhưng về thực chất đây là hành động xâm lược Việt Nam - một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Quân dân Việt Nam đã đánh trả anh dũng để bảo vệ đất nước.
Quân bành trướng Trung Quốc tuyên bố rút quân ngày 14/3/1979, nhưng trên thực tế, cuộc chiến còn kéo dài tới 10 năm sau (1979 - 1989), đặc biệt ác liệt là mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) vào mùa hè năm 1984.
Chiến tranh biên giới phía Bắc để lại nhiều hậu quả nặng nề về vật chất và tinh thần, khắc sâu một vết hằn trong lịch sử quan hệ lâu đời giữa hai nước láng giềng Việt Nam - Trung Quốc.
GS Vũ Dương Ninh (ĐH Quốc gia Hà Nội). (Ảnh: VĨNH HÀ)
Trao đổi tại hội thảo, PGS-TS Trần Đức Cường cũng phân tích: Một dân tộc đã trải qua 30 năm chiến tranh chống lại quân xâm lược thì không còn nguyện vọng nào hơn là xếp vũ khí lại, khôi phục sau sự đổ nát của chiến tranh, hướng tới một cuộc sống bình yên.
Nhưng ước mơ đó đã không trọn vẹn. Sau tháng 4/1975, khi thống nhất đất nước, quân và dân Việt Nam lại phải đối mặt với cuộc tấn công trên toàn tuyến Tây Nam và nghiêm trọng hơn là cuộc tấn công ở biên giới phía Bắc.
Một minh chứng về tinh thần yêu nước
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì cuộc chiến ở biên giới phía Bắc cũng là một minh chứng hùng hồn nữa về tinh thần yêu nước, sự đoàn kết, đồng lòng của quân và dân Việt Nam khi đất nước bị xâm lược.
GS Vũ Dương Ninh cho biết các nhà nghiên cứu, các học giả khi nhìn nhận về cuộc chiến tranh này đã phân tích quân bành trướng Trung Quốc gặp phải sự cản trở do trang thiết bị lạc hậu, những vấn đề hậu cần, thiếu thốn nhân lực và những chiến thuật rắc rối nên chậm chạp tiến quân và phải trả giá đắt.
"Tất cả những người Việt Nam từng đổ xương máu để gìn giữ từng tấc đất, từng hòn đảo của nước Việt Nam đều xứng đáng được vinh danh và được tri ân của nhiều thế hệ con cháu. Các sách giáo khoa về lịch sử, văn học và nhiều môn khoa học xã hội khác cần quan tâm đầy đủ công việc này như chúng ta từng viết về hai cuộc kháng chiến trước.
Không khơi gợi hận thù song nhắc lại quá khứ để có cách ứng xử đúng đắn hôm nay và phòng ngừa cho ngày mai là điều rất cần thiết và cấp thiết đối với sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước nhà" - GS Vũ Dương Ninh đề nghị.
Hội thảo cũng dành thời gian để trao đổi, phân tích về bài học rút ra từ cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, từ đó hướng đến việc củng cố, giữ gìn quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong tương lai.
Theo Vĩnh Hà – Đức Bình (tuoitre.vn)