Sự “im lặng” bất thường của Triều Tiên
Trong 7 năm qua, ông Kim Jong Un luôn theo đuổi chiến lược công khai phát triển các kho vũ khí hạt nhân để gửi đi một thông điệp rằng: việc phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là không thể đảo ngược.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Singapore hồi tháng 6/2018. Ảnh: The New York Times
Tuy nhiên, hiện nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như đang thay đổi hướng tiếp cận của mình mà theo các quan chức và các cựu quan chức tình báo Mỹ thì động thái này được thực hiện để thích nghi với Tổng thống Trump sau cuộc gặp lịch sử ở Singapore hồi tháng 6/2018.
Theo các bằng chứng được công bố, Triều Tiên vẫn đang sản xuất nhiên liệu hạt nhân và phát triển các loại vũ khí. Nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã giữ im lặng về vấn đề này, không phô diễn các loại vũ khí hạt nhân trước công chúng và không gây nên bất kỳ căng thẳng nào nhằm thể hiện cho Tổng thống Trump thấy những nỗ lực phi hạt nhân hóa đang diễn ra của Triều Tiên.
Sự kiên nhẫn này của ông Kim đã giúp nhà lãnh đạo Triều Tiên nhận được những lời khen nồng ấm của Tổng thống Trump. Cách đây 1 tuần, ông Trump đã khen ngợi ông Kim Jong Un sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên hạn chế phô diễn các loại tên lửa trong cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên.
Ngày 18/9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ có chuyến thăm tới Bình Nhưỡng để gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần 3. Trong 3 ngày diễn ra cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo có thể sẽ thảo luận về một "tuyên bố hòa bình" mà Triều Tiên từng khẳng định phải được đưa ra trước khi có thêm bất kỳ cuộc thảo luận về giải trừ vũ khí nào.
Dù Tổng thống Trump phần nào thay đổi thái độ và sẵn sàng cho cuộc gặp lần 2 với nhà lãnh đạo Triều Tiên thì những bế tắc sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore về tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên vẫn hiện hữu và sẽ là một trong những vấn đề được thảo luận trong Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều sắp tới.
Sau tuyên bố cách đây 1 năm rằng ông Kim phải nhanh chóng giải trừ vũ khí hoặc sẽ phải đối mặt với "lửa và giận dữ", giờ đây, ông Trump khẳng định rằng tiến trình này cần nhiều thời gian.
Những nghi ngờ của các quan chức Mỹ
Một số quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Tổng thống Trump đã kín đáo thừa nhận rằng tuyên bố của ông Trump hồi tháng 6/2018 rằng "không còn mối đe dọa hạt nhân nào" từ Triều Tiên là một sai lầm lớn bởi điều này sẽ phát đi tín hiệu cho Nga và Trung Quốc thấy rằng cuộc khủng hoảng đã qua đi và họ có thể lại tiếp tục quan hệ thương mại với Triều Tiên.
Các quan chức và cựu quan chức tình báo Mỹ nhận định rằng những đánh giá mới cho thấy ông Kim hiểu rõ ông Trump và chừng nào mà quan điểm của công chúng và tình hình hiện tại vẫn tiến triển tốt thì sự trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo vẫn sẽ diễn ra nồng ấm. Từ đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể trì hoãn thực hiện các đòi hỏi về tiến trình phi hạt nhân hóa từ phía Mỹ. Nếu ông Kim không tiến hành các vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân thì Tổng thống Trump cũng không thể tìm ra bằng chứng của việc quốc gia này vẫn tiếp tục phát triển hạt nhân.
"Tôi đã bị sốc khi chứng kiến tác động của các động thái hời hợt này. Tôi cho rằng Triều Tiên đã thấy sự khác thường trong những tweet của Tổng thống Trump và trong những lời khen ngợi cũng như sự sẵn sàng cho cuộc gặp lần 2 của ông ấy".
Trong khi đó, theo thư ký báo chí của chính quyền Tổng thống Trump - Sarah Huckabee Sanders, Nhà Trắng cho rằng Triều Tiên đã đạt được những tiến triển đáng kể khi dẫn ra sự thật rằng các cuộc thử hạt nhân và thử tên lửa cuối cùng của ông Kim đã diễn ra cách đây 10 tháng, đồng thời khẳng định đây là dấu hiệu sẵn sàng đàm phán của ông Kim.
Dù vậy, theo các bức ảnh vệ tinh và các bằng chứng khác, việc sản xuất hạt nhân ở Triều Tiên vẫn không hề suy giảm. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không thể thuyết phục Triều Tiên chuyển giao danh sách các cơ sở và các nhiên liệu hạt nhân và hầu như không tuyên bố rõ quốc gia này sở hữu bao nhiêu vũ khí. Mặc dù ông Kim đã cho nổ mìn phá hủy lối vào một điểm thử hạt nhân và khởi động việc dỡ bỏ một khu vực thử động cơ tên lửa, trên thực tế ông vẫn chưa cho bất cứ thanh sát viên nào vào đây để khẳng định một cách chắc chắn rằng đó không phải là trình diễn.
Chiến lược của ông Kim nhằm đối phó với chính quyền Tổng thống Trump là bắt chước Pakistan. Quốc gia này vẫn sở hữu các kho vũ khí đáng kể và trong chuyến thăm thăm Islamabad gần đây của ông Pompeo, hầu như không có cuộc thảo luận công khai nào về kho vũ khí hạt nhân của Pakistan.
"Ông Kim hiểu điều gì đã bảo vệ Pakistan", R. Nicholas Burns, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống George W.Bush cho biết.
"Miễn là quốc gia đó có sự công nhận và quan hệ thương mại với các quốc gia khác, Mỹ sẽ rất khó khăn để buộc quốc gia đó phải dỡ bỏ các vũ khí hạt nhân", ông cho biết, đồng thời nhận định thêm rằng: "Tổng thống Trump có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong các lệnh trừng phạt quốc tế với ông Kim Jong Un nhưng ông ấy đã bỏ lỡ nó ở Singapore.
Sức hút từ hình mẫu Pakistan với Triều Tiên dường như đã quá rõ ràng: Pakistan chỉ phải chịu hầu như rất ít các lệnh trừng phạt vì các chương trình hạt nhân của mình cũng như việc quốc gia này từ chối ký kết Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân. Pakistan đã không thử vũ khí trong 20 năm và giống như những gì Triều Tiên đang làm hiện tại, quốc gia này đã chứng minh mình đảm bảo các yêu cầu cơ bản. Ấn Độ và Israel cũng tương tự vậy khi cả 2 quốc gia đều không ký kết Hiệp ước này.
Tương lai quan hệ Mỹ - Triều sau Thượng đỉnh liên Triều lần 3
Mối quan hệ Mỹ - Triều sẽ đi về đâu phần lớn phụ thuộc vào các sáng kiến của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong chuyến thăm Bình Nhưỡng sắp tới. Ông là chủ thể quan trọng nhất trong hồ sơ hạt nhân hiện tại ở Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc cũng nhận thấy vai trò của mình giống một người trung gian hòa giải hơn là một đồng minh của Mỹ. Một quan chức cấp cao giấu tên của Hàn Quốc cho biết, Tổng thống Moon đang lo ngại việc ông Trump vì sức ép của các vấn đề trong nước mà có thể chuyển hướng và tái diễn các hành động đe dọa quân sự.
Vì thế, trong cuộc họp chính phủ ngày 11/9, ông Moon đã không nói về "tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược" - cụm từ mà chính quyền Tổng thống Trump dùng để diễn tả mục tiêu các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Thay vào đó, ông chỉ nói về việc tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc trao đổi ngoại giao.
"Điều Hàn Quốc và Triều Tiên cần hiện tại không phải chỉ là một tuyên bố chung khác mà còn là tìm cách phát triển đáng kể các mối quan hệ. Chúng ta không thể ngừng nỗ lực hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán trung gian cho đến khi việc đối thoại và trao đổi giữa Triều Tiên và Mỹ diễn ra trôi chảy", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận định./.
Theo VOV