Không phải bây giờ, vấn đề trên mới được nhắc tới, mà đã được nhấn mạnh ngay từ khi Việt Nam chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút FDI.

Sau Hội nghị công bố Chiến lược và Định hướng thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2020 - 2030, sau Hội thảo chuyên đề về “Ưu đãi đầu tư, giao dịch liên kết: Thực trạng và giải pháp”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức trong 2 ngày vừa qua, đòi hỏi cải cách chính sách ưu đãi đầu tư đã được khẳng định một cách chắc chắn hơn.

Chiến lược thu hút FDI với mục tiêu ‘nâng cấp’ nền kinh tế - Hình 1

(Ảnh minh họa)

Thực tế cho thấy, 30 năm qua, các chính sách ưu đãi đầu tư là một trong những biện pháp cần thiết và quan trọng, giúp Việt Nam đạt được những thành tựu lớn trong thu hút FDI.

Tuy vậy, những tồn tại, hạn chế của chính sách này dần lộ rõ, khi trên khía cạnh nào đó, vẫn còn dàn trải, chồng chéo, thậm chí còn thiếu sự thống nhất, thiếu hiệu quả giữa các vùng, miền, giữa các lĩnh vực, ngành nghề, khiến thu hút FDI còn những điểm chưa đạt kỳ vọng, chưa thu hút được nhiều dự án công nghệ cao, chưa tổ chức được liên kết tốt, bền vững giữa khu vực FDI với khu vực trong nước…

Trong chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, mục tiêu mà Việt Nam nhắm tới là các ngành công nghiệp công nghệ cao, thậm chí là các ngành công nghiệp mới của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Tất nhiên, không thể bỏ qua các ngành công nghiệp truyền thống như dệt may, da giày, những ngành công nghiệp thâm dụng lao động…, song thay vì chấp nhận các dự án này ở các thành phố lớn, các địa phương trọng điểm thu hút FDI hiện nay, thì phải tìm cách đưa về vùng sâu, vùng xa.

Tất nhiên, như khuyến nghị của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Việt Nam cần phải thay đổi chính sách thu hút FDI từ “mở cửa” sang “chủ động”, phải làm sao để việc thu hút FDI phục vụ cho mục tiêu “nâng cấp” nền kinh tế Việt Nam lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong bối cảnh ấy, các chính sách ưu đãi đầu tư buộc phải được thiết kế lại để hướng dòng vốn FDI đến được đúng nơi cần đến, đúng mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đặt ra. Do vậy, không thể áp dụng chính sách ưu đãi chung theo quy mô, hay theo lĩnh vực như hiện nay, mà phải phân theo từng cấp độ, từng khu vực, từng lĩnh vực khác nhau.

Nếu Hà Nội, TP.HCM muốn ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao của cách mạng công nghiệp 4.0, thì hãy tập trung ưu đãi cho những lĩnh vực ưu tiên đó, chứ không phải các ngành dệt may hay da giày. Hãy để các ưu đãi đầu tư cho các lĩnh vực thâm dụng lao động này cho các địa phương còn khó khăn. Với những địa phương đã phát triển, thì nên ưu đãi đầu tư cho những dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường - như mục tiêu bao lâu nay Việt Nam đã đặt ra.

Khuyến nghị đã được IFC cụ thể hóa. Đó là phải thiết kế và định hướng lại chính sách ưu đãi đầu tư, bởi lẽ, sẽ có lợi cho Việt Nam hơn nếu cải thiện được danh mục các lĩnh vực được hưởng ưu đãi nhằm xác định tốt hơn những nhà đầu tư có khả năng thích ứng tốt nhất với các chính sách ưu đãi. Rằng, việc áp dụng một khung chính sách ưu đãi đầu tư dựa trên hiệu quả đầu tư sẽ mang lại lợi ích lớn hơn, nhất là kèm theo cơ giám sát hậu kiểm chặt chẽ…

Tất nhiên, để thực hiện Chiến lược và Định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, việc cải cách đơn thuần chính sách ưu đãi đầu tư là chưa đủ. Việc này đòi hỏi phải hiện đại hóa công tác xúc tiến đầu tư, đặc biệt là xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, phải tiếp tục nâng cấp môi trường kinh doanh cho tương xứng với thời đại cách mạng 4.0…

Đã đến lúc phải sớm xem xét, cải cách chính sách ưu đãi đầu tư sao cho trúng, đúng các mục tiêu của chiến lược thu hút FDI thế hệ mới. Điều này sẽ giúp Việt Nam có thể tối ưu hóa lợi ích, đồng thời gia tăng tác động lan tỏa của dòng vốn FDI.

Bảo Ngọc (T/h)