Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI)
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI)

Sẵn sàng cho mọi tình huống

Có ý kiến lo ngại RCEP sẽ gây ra những “cú sốc” nhập siêu đối với Việt Nam. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Cùng với các hiệp định thương mại tự do khác, với RCEP, Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường cho các đối tác thông qua loại bỏ hàng rào thuế quan, hoặc cắt giảm theo lộ trình nhất định. Điều này tất nhiên sẽ tạo cơ hội cho hàng hoá từ các nước RCEP có thêm con đường để vào Việt Nam. Về lý thuyết, chúng ta sẽ phải sẵn sàng cho một tình huống NK từ các nước RCEP sẽ tăng lên. Việc này đối với Việt Nam có thể tạo ra ảnh hưởng tương đối lớn trong bối cảnh các nước RCEP đang chiếm khoảng 70% tổng NK của Việt Nam trên toàn thế giới.

Qua nghiên cứu dưới các góc độ của RCEP, chúng tôi nhận thấy NK từ các nước RCEP sau khi hiệp định này có hiệu lực có thể sẽ tăng lên. Nhưng quan ngại về việc sẽ tạo ra một “cú sốc” lớn và làm thay đổi bất thường hay khiến cho thị trường bị “lũ lụt” bởi hàng hoá NK từ các nước RCEP cũng không hẳn là hiện thực. Bởi trong RCEP, các nhà đàm phán của Việt Nam đã đạt được kết quả tương đối phù hợp.

Thứ nhất, các cam kết trong RCEP về ưu đãi thuế quan ở mức tương tự như các hiệp định mà Việt Nam đã mở cho các nước RCEP.

Thứ hai, lộ trình tương đối dài, không phải sẽ mở ngay trong năm nay hoặc năm sau, mà kéo dài từ 15 – 20 năm. Vì thế, sẽ tạo ra sự thay đổi và thích ứng dần cho DN.

Thứ ba, trong một số trường hợp nhất định, việc NK từ các nước RCEP là cơ hội cho Việt Nam gia tăng sản xuất, XK. Cho nên, không phải trong mọi tình huống thì việc NK gia tăng đều mang lại tác động xấu cho nền kinh tế.

Cần có cái nhìn tổng thể ở từng góc cạnh lĩnh vực với các sản phẩm cụ thể đặt trong bối cảnh năng lực cạnh tranh cũng như tình hình sản xuất, XK để có những phản ứng về mặt chính sách, và DN cũng có sự chuẩn bị chiến lược cho cạnh tranh tại thị trường nội địa cũng như ở các thị trường khác một cách thích hợp.

Lộ trình cam kết RCEP đã triển khai từ nhiều năm nay, tuy nhiên, số lượng DN Việt Nam biết về hiệp định này vẫn còn hạn chế?

Từ kinh nghiệm thực thi các hiệp định thương mại tự do trước đó, đặc biệt như CPTPP, các cơ quan nhà nước, hiệp hội, DN đều đã nhìn nhận có được sự ủng hộ đầy đủ, sự hiểu biết chính xác cũng như có những hành động hợp lý để tận dụng các cơ hội là điều kiện tiên quyết hiện thực hoá cơ hội.

Ngay khi RCEP có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động để thực thi hiệp định. Nhưng chúng ta cần nhìn rộng hơn, đó là sự kết hợp và tiếp nối các kế hoạch thực thi CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)…

Đơn cử, xây dựng các văn bản pháp luật, biểu thuế, quy tắc xuất xứ, văn bản phòng vệ thương mại hay những văn bản khác để thực thi các cam kết trong hiệp định. Hoặc phổ biến, tuyên truyền những cam kết trực tiếp cho hiệp định, bên cạnh đó còn có phần rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN cũng như của nền kinh tế để tạo đà cho việc thực hiện hoá các cơ hội.

Bởi cơ hội thì vẫn ở đó nhưng để biến cơ hội thành lợi nhuận thực tế lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố nội lực của chính chúng ta. Chính vì thế, chúng tôi nhìn nhận các kế hoạch hành động để thực thi các hiệp định thì bao giờ cũng có phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó có những kế hoạch mà nếu thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ và thực chất thì sẽ rất có lợi.

Chúng ta đã có bước tiếp cận chuẩn xác, tức là không chỉ tập trung vào RCEP hay những cam kết mà còn là vấn đề xung quanh để tạo ra được một nền tảng, môi trường tốt để cho DN phát triển và tận dụng được các cam kết. Vấn đề còn lại bây giờ là thực thi các kế hoạch đó một các hiệu quả.

Doanh nghiệp chủ động hơn

Có một vấn đề nhiều DN quan tâm, đó là khi một sản phẩm XK vào một nước trong RCEP nhưng trước đó họ cũng đã ký kết với Việt Nam ở một hiệp định thương mại khác. Như vậy, DN sẽ phải thực hiện mức thuế như thế nào, thưa bà?

Hiện nay chúng ta đã có 15 hiệp định thương mại tự do, và tất cả các hiệp định này đều có hiệu lực song song với nhau. Có nghĩa, với cùng một đối tác Hàn Quốc, nước ta có 3 hiệp định thương mại tự do. Đó là, ASEAN-Hàn Quốc, Việt Nam – Hàn Quốc, RCEP.

Tức là, cả 3 hay 4 các hiệp định thương mại tự do này đều có hiệu lực đồng thời và có những cam kết riêng. Ví dụ, với điện thoại thì mỗi một hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc có cam kết với Việt Nam về ưu đãi thuế quan khác nhau, kèm theo đó là quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi đó.

Như vậy, DN đứng trước 3 hay 4 lựa chọn để có được ưu tiên. Nếu DN đáp ứng đúng quy trình sản xuất, chuỗi cung của sản phẩm và quy tắc xuất xứ của hiệp định nào thì hưởng ưu đãi thuế quan của hiệp định đó. Nếu cùng lúc đáp ứng được quy tắc xuất xứ của 2 hoặc 3 hiệp định thì DN chọn hiệp định nào có ưu đãi thuế quan tốt nhất. Đây là vấn đề DN phải luôn chú ý lựa chọn và đưa vào chiến lược kinh doanh của mình, thậm chí, cần quan tâm ngay từ lúc tiếp cận khách hàng. Đây cũng là cách để DN có thêm khách hàng mới.

Một trong những thách thức lớn nhất của RCEP là lợi dụng xuất xứ để lẩn tránh. Theo bà, Việt Nam cần phải làm gì để giảm thiểu rủi ro này?

Đây là một câu chuyện dài. Việc lợi dụng gian lận xuất xứ không chỉ đặt ra trong RCEP, mà EVFTA cũng là “nguồn cơn” để thu hút hiện tượng gian lận. Hiện nay, tại khu vực châu Á, EU mới chỉ ký hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Việt Nam. Như vậy, đây được ví như một cục “nam châm” hút các hiện tượng gian lận về xuất xứ.

RCEP tạo thêm con đường để hàng hoá từ các nước RCEP vào Việt Nam. Vì vậy, vấn đề này có thể làm cho tình trạng trầm trọng hơn chứ không phải một mình nó tạo ra nguy cơ. Hiện nay, các cơ quan có liên quan như Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan…cũng đang có các biện pháp rất chặt chẽ để hạn chế tình trạng gian lận thương mại.

Tôi tin rằng, các biện pháp hạn chế gian lận thương mại đang phát huy hiệu quả, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Vì kiểm tra đột xuất chỉ mang tính thời điểm, chúng ta không thể “căng sức” ra làm ở tất cả các mặt hàng.

Cho nên, ở góc độ khác, chúng tôi có khuyến cáo, DN phải có sự cảnh giác. Đó là, không tiếp tay cho những hành vi gian lận, nếu có thì phải cảnh báo ngay ở trong ngành với các DN cũng như với những cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn, không để “con sâu làm rầu nồi canh”.

Trân trọng cảm ơn bà!

Việt Anh (thực hiện)