Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, sáng nay 06/06, sau khi nghe Chính phủ trình về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1; Biên Hòa -Vũng Tàu, giai đoạn 1 và 02 đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tổ.
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin, 05 dự án cao tốc được bàn thảo rất kỹ, tốn nhiều thời gian trong quá trình chuẩn bị cho kỳ họp. Nếu cả khoá XIV chỉ có 01 dự án quan trọng quốc gia thì ngay kỳ họp này có đến 5 dự án, nếu tính cả cao tốc Bắc Nam được Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ 2 thì ngay năm đầu của Khoá XV đã có 6 dự án quan trọng quốc gia.
Với 05 dự án vừa được Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành tới 03 phiên làm việc (11,12/05 và 04/06) để quyết định các yếu tố thành phần về vốn để có căn cứ pháp lý trình Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch, các dự án này được đề xuất áp dụng nhiều chơ chế đặc thù khác với luật hiện hành.
Đơn cử như Luật Ngân sách không cho phép lấy ngân sách cấp này chi cho cấp kia. Đường cao tốc thuộc trách nhiệm của Trung ương, còn đường song hành thuộc trách nhiệm địa phương nhưng trong điều kiện hiện nay xin Quốc hội chấp thuận cho sử dụng cả vốn Trung ương và vốn địa phương để thực hiện vì “tình huống đặc biệt cần giải pháp đặc biệt”.
Hay theo Luật Giao thông đường bộ, cao tốc thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT, tỉnh lộ là của địa phương, nhưng giờ để một bộ đảm trách 6 dựa án quan trọng quốc gia, chưa kể các dự án khác thì sức bộ không thể làm hết được nên sẽ giao cho một số địa phương có dự án đi qua.
Riêng hai đường Vành đai 3 và Vành đai 4 hoàn toàn giao cho các địa phương tương ứng với đoạn địa qua địa bàn, còn Hà Nội và TP. HCM làm đầu mối. Tuy vậy, Chính phủ cũng phải làm rõ khái niệm và trách nhiệm của đầu mối. Còn với các dự án cao tốc, có đoạn nằm trên cả 2 tỉnh giáp ranh thì quyết định giao Bộ GTVT phụ trách.
Cũng theo ông Vương Đình Huệ, Luật Xây dựng không cho phép tách dự án kiểu này, chỉ cho phép lập dự án theo nguyên tắc vận hành độc lập, kể cả tiểu dự án. Tuy vậy giai đoạn này không quá máy móc nên đã thống nhất xin Quốc hội cho cơ chế chia dự án theo địa giới hành chính.
“Đã cho cơ chế đặc thù thì phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hoá được trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và lưu ý tăng ường thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh hệ luỵ xấu, chỉ định thầu mà năng lực không đúng, làm không đến nơi đến chốn thì người chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm
Nguyên tắc HĐND tỉnh, thành phố ra nghị quyết và cam kết với Chính phủ, còn Chính phủ phải có trách nhiệm cam kết với Quốc hội. Vốn nào ra vốn đó, cam kết phải có. Khi điều chỉnh tổng mức đầu tư thì Trung ương và địa phương cũng phải cam kết bỏ phần tương ứng để hoàn thành.
Đại biểu Trần Lưu Quang, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng cũng cho rằng khi Quốc hội cho cơ chế đặc thù để triển khai nhanh các dự án thì cần tăng cường kiểm tra, giam sát, kiểm toán để không xảy ra “trục trặc”, tránh sau khi thực hiện dự án lại liên quan kỷ luật, sai sót.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cũng băn khoăn khi các dự án thời gian qua đều có xu hướng mở rộng hơn các cơ chế đặc thù. Trong điều kiện phục hồi kinh tế điều đó là cần thiết, song việc áp dụng thế nào cũng cần có tổng kết đánh giá.
“Bên cạnh áp dụng chính sách đặc thù thì phải thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo hoàn thành dự án, cơ chế được áp dụng đúng, chính xác, tránh sai sót xảy ra”, đại biểu nêu ý kiến.
Q.N (t/h)