Sáng 24/4, tại Hà Nội, Bộ Công thương phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình Khuyến công giai đoạn 2014-2018.

Tham dự Hội nghị có đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố; các đơn vị thuộc Bộ Công thương; lãnh đạo và cán bộ đơn vị chuyên môn thuộc sở công thương, trung tâm khuyến công các tỉnh, thành phố; các tổ chức dịch vụ khuyến công; đại diện một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn; các đơn vị báo chí, truyền thông…

Chương trình Khuyến công quốc gia 2014-2018: Những kết quả thiết thực - Hình 1

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện Chương trình Khuyến công quốc gia (KCQG) giai đoạn 2014-2018 theo Quyết định số 1228/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đảm bảo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Chương trình đến năm 2020. Đồng thời đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ các nội dung cần thực hiện đối với chương trình giai đoạn tiếp theo.

Sự lan tỏa của những gam màu sáng

Sau 5 năm thực hiện, Chương trình khuyến công quốc gia (Chương trình) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Sự lan tỏa của những gam màu sáng từ chính sách khuyến công trong nỗ lực quyết tâm đổi mới, sáng tạo cùng niềm tin, động lực từ cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) là những nét nổi bật trong bức tranh của ngành công thương Việt Nam những năm qua.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: 5 năm qua, Chương trình KCQG đã huy động được các nguồn lực xã hội, đặc biệt là ở các địa phương tham gia vào các hoạt động đầu tư, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, tiếp tục tạo ra những giá trị cao hơn. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập sâu rộng; gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, xử lý các chất thải môi trường… Yêu cầu đặt ra cho chương trình đến 2020 là phát triển gắn với vùng nguyên liệu sản xuất tập trung; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững; liên kết ngành công nghiệp, sản xuất thành chuỗi giá trị… Giai đoạn 2021 - 2030, hàng loạt cơ hội cũng như thách thức đặt ra. Cần tập trung hỗ trợ hiệu quả cho công tác này, như: nhân rộng và xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, ứng dụng thành quả của CMCN 4.0, kinh tế số vào hoạt động, đào tạo nguồn nhân lực…

Chương trình Khuyến công quốc gia 2014-2018: Những kết quả thiết thực - Hình 2

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc Hội nghị

Tổng kế hoạch kinh phí khuyến công giai đoạn 2014 - 2018 của cả nước được phê duyệt là 1.186,193 tỷ đồng. Trong đó: Kinh phí KCQG là 481,407 tỷ đồng, chiếm 40,58 % tổng kinh phí, đạt 39,72% so với kinh phí KCQG dự kiến theo kế hoạch tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg;  Kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) là 704,786 tỷ đồng, chiếm  59,42% tổng kinh phí.

Chương trình đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho hơn 18.000 lao động nông thôn. Trong đó: đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho hơn 17.900 lao động. Do các đề án đào tạo nghề đều gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở CNNT, nên hầu hết lao động đều có việc làm ổn định sau đào tạo (tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trung bình đạt khoảng 98%).

Chương trình đã tổ chức các lớp đào tạo nâng cao năng lực quản lý cán bộ quản lý, điều hành tại các cơ sở CNNT; đào tạo nâng cao nhận thức và khả năng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng HACCP, ISO 22000...

Trong giai đoạn từ năm 2014-2018, chương trình đã hỗ trợ xây dựng 210 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; giới thiệu các mô hình cơ sở CNNT hoạt động sản xuất kinh doanh giỏi, điển hình tại các địa phương. Hỗ trợ cho 630 cơ sở CNNT chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường so với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cơ sở sản xuất đang sử dụng hoặc tạo ra sản phẩm mới.

Chương trình đã tổ chức thành công 15 hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu cấp khu vực, quy mô hỗ trợ cho mỗi Hội chợ triển lãm đạt từ 200-250 gian hàng tiêu chuẩn. Trong 2 năm 2016, 2018, tổ chức được 02 triển lãm, hội chợ hàng CNNT tiêu biểu cấp quốc gia tại Hà Nội. Gắn liền với công tác tổ chức các hội chợ triển lãm, có 09 cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và 02 cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia vào năm 2015,2017. Hỗ trợ 48 cơ sở CNNT xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Hỗ trợ 4.363 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong nước và ngoài nước (tăng 29 % so với mục tiêu tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg).

Thông qua việc bình chọn, Chương trình đã tôn vinh 610 sản phẩm cấp khu vực và 202 sản phẩm cấp quốc gia có chất lượng, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường; đặc biệt, giúp các cơ quan có thẩm quyền có cơ sở và kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, đào tạo lao động, xúc tiến thương mại.

Giai đoạn này, Chương trình đã hỗ trợ thuê 309 gian hàng cho các cơ sở CNNT tham gia 03 hội chợ tại nước ngoài (Đức, Hồng Kông, Trung Quốc)…

Hỗ trợ cho các cơ sở CNNT có sản phẩm đạt giải sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia xây dựng mới được 330 Website phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối trực tiếp với người tiêu dùng trong và ngoài nước; đồng thời tổ chức được 8 hội nghị tập huấn giới thiệu các website đến người tiêu dùng, tập huấn sử dụng website cho các cơ sở CNNT.

Chương trình đã hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết (QHCT) và hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) cho 22 địa phương. Tổng số có 45 CCN được hỗ trợ (đạt 28,13% so với mục tiêu tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg); trong đó có 26 đề án hỗ trợ lập QHCT, 19 đề án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng.

Chương trình đã tổ chức các đoàn công tác học tập, nghiên cứu chính sách phát triển công nghiệp địa phương tại nhiều nước trong khu  vực và trên thế giới.

Hàng năm, chương trình tổ chức 03 Hội nghị khuyến công theo vùng tại 03 khu vực Bắc - Trung - Nam nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, trao đổi kinh nghiệm trong triển khai thực hiện các đề án khuyến công đảm bảo tính thống nhất chặt chẽ và hiệu quả; tăng cường tính liên kết vùng, liên kết giữa các cơ sở CNNT trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Những mục tiêu của hoạt động khuyến công tại Nghị định của Chính phủ và mục tiêu của chương trình tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã và đang được thực hiện, khẳng định được vai trò quan trọng, động viên và huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn theo quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp của quốc gia, vùng, tỉnh; mang lại hiệu quả kinh tế xã hội đáng kể; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.

Các hoạt động khuyến công đặc biệt là hoạt động xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, hoạt động đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp. .. đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn, phát triển đời sống văn hoá - xã hội, đặc biệt ở những vùng kinh tế khó khăn.

Hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT có được hướng đầu tư đúng, hiệu quả, nâng cao được năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; giúp các cơ sở CNNT phát triển bền vững và từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh hỗ trợ sản xuất công nghiệp, hoạt động khuyến công đã góp phần phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp đặc biệt là các sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động khuyến công từ Trung ương tới địa phương đã từng bước được hoàn thiện. Thông qua hoạt động khuyến công, vai trò, vị trí của các cơ quan quản lý Nhà nước về Công Thương địa phương được nâng cao một bước, tạo sự gắn kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở CNNT. 

Hệ thống tổ chức thực hiện công tác khuyến công được thiết lập, dần ổn định và hoạt động khá hiệu quả. Các Trung tâm Khuyến công được quan tâm đầu tư về biên chế, bộ máy, cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc. Hoạt động liên kết, phối hợp ngang giữa các Trung tâm khuyến công cấp tỉnh với nhau và với các tổ chức dịch vụ khuyến công khác (các Viện, Trường, cơ quan thông tin tuyên truyền,...) đã hình thành và có hiệu quả.

Tiếp tục thực hiện đạt và vượt nhiều mục tiêu

Chương trình Khuyến công quốc gia 2014-2018: Những kết quả thiết thực - Hình 3

Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công thương địa phương phát biểu tại Hội nghị

Ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) cho biết: Đến năm 2020, Chương trình phấn đấu thực hiện đạt và vượt một số mục tiêu cụ thể đề ra tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg; trong đó tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các nội dung: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến cho các cơ sở CNNT. Chú trọng nâng cao năng lực tư vấn phát triển công nghiệp nông thôn của các tổ chức dịch vụ công, tạo nền tảng cho hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp trên toàn quốc. Đa dạng hóa hình thức thông tin tuyên truyền; tăng dần số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; tăng số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; đặt nền tảng cho hợp tác quốc tế về khuyến công. Hoàn thiện quy trình quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công. Đảm bảo xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm đúng thời hạn, có chất lượng; có ít nhất 30% địa phương xây dựng được đề án KCQG điểm, tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định, hoàn thành 100% các đề án được giao.

Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung hoạt động khuyến công theo Nghị định số 45/2012/NĐ-CP; Quyết định số 1288/QĐ-TTg gắn với triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020…

Tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các đề án khuyến công tạo nên chuỗi giá trị trong một số ngành, lĩnh vực là thế mạnh điển hình của địa phương. Khắc phục và giảm mạnh việc khảo sát, xây dựng các đề án dàn trải, phân tán, nhỏ lẻ, hiệu quả thấp.

Đẩy mạnh nội dung xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến nhằm giúp các cơ sở CNNT tạo ra được những sản phẩm tiêu biểu, có chất lượng cao và có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm khác.

Nâng cao năng lực tư vấn phát triển CNNT của các tổ chức dịch vụ công, tạo nguồn thu và hỗ trợ thực hiện các hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả hơn.

Giai đoạn 2021-2030, tiếp tục triển khai các hoạt động khuyến công trên cơ sở Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, kế thừa có chọn lọc thành tựu của công tác khuyến công trong giai đoạn trước; bám sát Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và các Nghị quyết của Chính phủ, quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh và dựa trên những kinh nghiệm về phát triển công nghiệp của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp khu vực nông thôn theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, góp phần tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương.

Tiếp tục tập trung hỗ trợ một số nội dung hoạt động hiệu quả của chương trình như xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng hỗ trợ phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hóa nông thôn, có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; tạo nhiều việc làm; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp; các ngành nghề đáp ứng được yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, có tính ứng dụng công nghệ số. Hỗ trợ có hiệu quả công nghiệp chế tạo, chế biến; công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất vật tư và máy nông nghiệp; công nghiệp vật liệu xây dựng, sản xuất tiểu thủ công nghiệp.

Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền, phù hợp với nhu cầu thị trường. Tăng cường công tác điều phối phát triển hoạt động khuyến công theo ngành, vùng và lãnh thổ, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành nhằm liên kết giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các địa bàn huyện nghèo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, xã nông thôn mới trong chính sách khuyến công.

Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề; tư vấn các cơ sở CNNT nắm bắt và dự báo yêu cầu của thị trường lao động, kịp thời nâng cao trình độ, năng lực, chất lượng nhân lực, những kỹ năng mới, ngành nghề mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tham gia định hướng dịch chuyển lao động nông thôn, nhất là lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp.

Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phi tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất chất lượng của các cơ sở CNNT. Tăng cường hỗ trợ các đề án, dự án sản xuất sạch hơn, dự án đầu tư sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và bảo vệ môi trường, áp dụng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của các ngành công nghiệp; thể hiện rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất công nghiệp trong quá trình sản xuất.

Tăng cường xúc tiến thương mại để gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên thị trường. Hỗ trợ phát triển mạnh thị trường trong nước đối với các sản phẩm CNNT; góp phần xây dựng nền thương mại trong nước phát triển bền vững, văn minh, hiện đại. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khuyến công.

Chương trình Khuyến công quốc gia 2014-2018: Những kết quả thiết thực - Hình 4

Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Công tác khuyến công góp phần quan trọng hỗ trợ phát triển CNNT. Kết quả cụ thể: Hình thành được hệ thống khuyến công từ Trung ương tới địa phương; Hình thành được cơ chế vận hành của khuyến công; Triển khai được số lượng lớn các dự án, hỗ trợ thiết thực phát triển ngành nghề CNNT tại các địa phương. Bên cạnh đó, Phó trưởng ban cũng đưa ra một số tồn tại như: Sự quan tâm của các cấp các ngành cho công tác này còn hạn chế; Hệ thống khuyến công còn quá mỏng; Nguồn kinh phí còn ít; Cơ chế phát triển ngành nghề phi nông nghiệp và công tác khuyến công còn nhiều bất cập… Theo đó, cần nhiều hơn nữa những chính sách và hành động cụ thể nhằm hỗ trợ cho Chương trình, như: xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm… tổ chức phát triển sản phẩm CNNT, làng nghề gắn với phát triển du lịch…

Minh Anh