Tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2017 được duyệt cho 28 tỉnh này là gần 128 tỷ đồng, tăng 14,64% so với kế hoạch năm 2016.
Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) hỗ trợ gần 49,8 tỷ đồng, tăng 10,84% so với kế hoạch năm 2016 trên khu vực, chiếm 44,71% so với tổng kinh phí KCQG; kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) đã được giao trên 78 tỷ đồng, tăng 17,22% so với kế hoạch năm 2016, chiếm 53,86% so với tổng kinh phí KCĐP.
Hoạt động khuyến công thúc đẩy CNNT Bắc Kạn phát triển
Bám sát mục tiêu, kế hoạch
Trong 9 tháng đầu năm, 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã tổ chức đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho 3.275 lao động, đạt 88,99% kế hoạch. Đào tạo nâng cao năng lực quản lý và khởi sự cho 2.240 người, đạt 71,20% kế hoạch.
Chương trình tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT được hỗ trợ hơn 4,6 tỷ đồng, chiếm 3,28% tổng kinh phí khuyến công toàn vùng. Chương trình cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công... đạt 64,63% kế hoạch. Chương trình hỗ trợ liên doanh, liên kết hợp tác kinh tế và phát triển các cụm công nghiệp, đạt 65% so với kế hoạch. Chương trình nâng cao năng lực quản lý, đạt 26,37% so với kế hoạch.
Theo kế hoạch năm 2017, cả vùng đã có 19/28 Trung tâm thực hiện hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2017, đã tư vấn cho 200 dự án, với doanh thu ước đạt 4,7 tỷ đồng, đạt 44,72% kế hoạch.
Hoạt động khuyến công đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình khuyến công, trên cơ sở cụ thể hoá bằng các đề án. Nội dung hoạt động khuyến công cụ thể, rõ ràng phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng.
Chương trình khuyến công đã hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) thúc đẩy sản xuất, đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cục Công thương địa phương tích cực, chủ động trong giao kế hoạch KCQG cho các địa phương thực hiện ngay từ những tháng đầu năm. Đồng thời, đã quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn các văn bản về chính sách khuyến công cho cán bộ làm công tác khuyến công của các tỉnh, thành phố ở cả 3 miền.
Hoạt động khuyến công đã góp phần tích cực trong triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP.
Công tác xây dựng, thẩm định đề án, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện và thanh quyết toán các đề án khuyến công ở một số địa phương đã có chuyển biến tích cực.
Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp tại một số trung tâm khuyến công tiếp tục tạo được thêm nguồn thu và đã góp phần quan trọng trong công tác nâng cao năng lực cho các trung tâm.
Những tồn tại cần khắc phục
Tuy nhiên, công tác khuyến công tại 28 tỉnh này vẫn còn một số tồn tại như việc khảo sát xây dựng kế hoạch, đề xuất các đề án khuyến công và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, ít các đề án mang tính điển hình; việc đăng ký và triển khai thực hiện các đề án khuyến công chưa thực sự bám sát nhu cầu cơ sở CNNT, một số đề án tính khả thi chưa cao.
Công tác thẩm định cấp cơ sở đối với đề án đăng ký hỗ trợ từ kinh phí KCQG ở nhiều địa phương còn chưa tốt; vẫn còn có đề án thẩm định còn mang tính thủ tục, không bám sát nội dung yêu cầu, không đúng nội dung chương trình, sai dự toán, hồ sơ thủ tục còn thiếu so với quy định, không xét giao kế hoạch được hoặc khi triển khai thực hiện còn gặp khó khăn vướng mắc dẫn đến phải ngừng, điều chỉnh...
Đến nay, một vài địa phương còn chậm xây dựng chính sách về hoạt động khuyến công phù hợp với Nghị định số 45/2012/NĐ-CP.
Cơ sở vật chất và phương tiện làm việc của một số trung tâm khuyến công còn thiếu, đội ngũ làm công tác khuyến công chưa thật sự mạnh và chuyên nghiệp, năng lực hạn chế, nhất là các cán bộ làm công tác khuyến công ở cấp huyện, cấp xã.
Hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp của một số địa phương chưa được đẩy mạnh, nguồn thu từ hoạt động này còn thấp; số lượng dự án và doanh thu từ hoạt động tư vấn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của các trung tâm.
Nguyên do của những tồn tại trên là, việc xác định những ngành nghề, sản phẩm CNNT tại các địa phương để tập trung hỗ trợ phát triển chưa được rõ nét. Các cơ sở CNNT là doanh nghiệp nhỏ và hộ cá thể hạn chế về nguồn vốn, khả năng huy động vốn, hoạt động sản xuất còn nhỏ lẻ, sản phẩm đơn điệu, thiếu kế hoạch, chiến lược phát triển dài hạn nên dễ có biến động trong quá trình đầu tư. Địa bàn có điều kiện khó khăn, vùng núi, vùng dân tộc thiểu số chưa hấp dẫn với các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào sản xuất CNNT.
Việc trang bị phương tiện làm việc cho các trung tâm khuyến công còn hạn chế trong khi địa bàn hoạt động rộng. Vẫn có cán bộ làm công tác khuyến công tại các huyện, các trung tâm nghiệp vụ còn hạn chế, chưa kịp có kinh nghiệm đã luân chuyển.
Kinh phí KCĐP được giao thực hiện các đề án còn nhỏ, lẻ chưa sát với mức của KCQG, trong khi đó các địa phương vẫn kiến nghị mức hỗ trợ của KCQG còn thấp, làm khó khăn trong việc kiến nghị các cơ quan chức năng về tăng mức hỗ trợ KCQG.
Để hoạt động hiệu quả hơn
Để hoàn thành kế hoạch năm 2017, trong các tháng cuối năm cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp.
Cụ thể, tiếp tục triển khai tốt các Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP. Chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công. Tăng cường công tác thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật đầy đủ các cơ sở CNNT để quản lý chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công phù hợp với nhu cầu và tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai đề án khuyến công. Tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công ở trung tâm khuyến công và các huyện, thị xã (Phòng kinh tế hạ tầng).
Nâng cao năng lực và kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ lãnh đạo trung tâm và các phòng chuyên môn, chi nhánh cấp huyện, xã.
Đẩy mạnh hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp của các trung tâm, tạo nguồn thu và hỗ trợ thực hiện các hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả hơn.
Việc xây dựng các chương trình, đề án khuyến công cần được tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tế của các cơ sở CNNT, quan tâm theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm để các đề án khuyến công tạo nên chuỗi giá trị trong một số ngành, lĩnh vực là thế mạnh điển hình của địa phương.
Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành và hoạt động khuyến công; vừa phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời liên kết khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng lợi thế của cả vùng.
Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh tăng mức hỗ trợ kinh phí KCĐP đối với các xã thuộc chương trình nông thôn mới để hoạt động khuyến công đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh; xét khen thưởng kịp thời cho các tổ chức cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến công.
Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền, cung cấp kịp thời thông tin về cơ chế chính sách đối với hoạt động khuyến công.
Đoàn Mạnh Trường