Trong quá trình hội nhập, từ rất sớm Chính phủ đã quan tâm đến vai trò của thương hiệu và đã giao Bộ Công Thương chủ trì thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia từ năm 2003. Qua gần 20 năm triển khai, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã đạt được một số kết quả tích cực.
Thứ nhất, thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn và các phương tiện thông tin đại chúng, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, các cấp, các ngành và xã hội về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu, cụ thể:
Với cộng đồng doanh nghiệp, đầu những năm 2000, các cụm từ “Thương hiệu” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư, cũng như mối quan hệ của các cụm từ “Thương hiệu sản phẩm”, “Thương hiệu doanh nghiệp” với “Thương hiệu quốc gia” còn mơ hồ, thì nay đã có thay đổi rõ rệt, các doanh nghiệp đã hưởng ứng, tham gia tích cực trong hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu.
Với các địa phương, từ chỗ ít địa phương hưởng ứng, đến nay, cứ đến Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4, các địa phương trên cả nước đều hưởng ứng phát động của Bộ Công Thương cùng phối hợp tổ chức Tuần lễ Thương hiệu quốc gia Việt Nam với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng đem lại hiệu quả tích cực. Bên cạnh đó, các địa phương còn nhận thức rõ về việc bảo vệ và phát triển thương hiệu của địa phương thông qua các chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể cho nông sản.
Tính đến 31/12/2020 Việt Nam đã bảo hộ 101 chỉ dẫn địa lý (chỉ dẫn địa lý, trong đó 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài và 95 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Số lượng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tăng nhanh, năm 2007 chỉ có 10 chỉ dẫn địa lý, đến năm 2020 con số này là 101 (tăng gấp 10 lần).
Về phía các bộ, ban, ngành, bên cạnh việc tham gia thực hiện các đề án thuộc Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam do Bộ Công Thương làm đầu mối, nhiều bộ, ban, ngành cũng đã chủ động xây dựng và thực hiện các đề án khác từ nguồn lực của mình để góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, như: Bộ Thông tin và Truyền Thông với các hoạt động thông tin cơ sở, Bộ Khoa học và Công nghệ với các hoạt động hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài, Bộ Ngoại Giao với các hoạt động tuyên truyền, quảng bá thương hiệu bên lề các sự kiện ngoại giao...
Thứ hai, từ việc thay đổi nhận thức trên, các doanh nghiệp đã có ý thức xây dựng và phát triển thương hiệu của mình cũng như tham gia các hoạt động của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Thống kê cho thấy số lượng các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã gia tăng mạnh, tăng gần 4 lần từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 124 doanh nghiệp năm 2020; số sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia cũng tăng hơn 5 lần, từ 53 sản phẩm năm 2008 lên 283 sản phẩm năm 2020.
Thứ ba, các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia đã đóng vai trò đầu tàu tiên phong và tạo hiệu ứng lan toả tạo động lực và giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực. Với 3 tiêu chí Chất lượng – Đổi mới sáng tạo – Năng lực tiên phong của Chương trình, các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia đã không ngừng nỗ lực sáng tạo, thích ứng nhanh với những sự thay đổi của thế giới, khám phá những lối đi riêng để mang đến những sản phẩm thương hiệu Việt với uy tín và chất lượng cao.
Các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia liên tục đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, hướng tới thị trường quốc tế - xứng đáng là cánh chim đầu đàn, giúp nâng tầm thương hiệu Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Kết quả, nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã góp mặt trong danh sách Top 50 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam (VIETNAM 50 2021 RANKING). Tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia là 28% năm 2018, năm 2021 là 34%. Đặc biệt, trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam tỷ lệ doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng mạnh từ 20% năm 2018 lên tới 60% năm 2021.
Thứ tư, về giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2020, tăng 226% từ 141 tỷ USD (năm 2016) lên 319 tỷ USD (năm 2020), xếp thứ 33 trong tốp 100 thương hiệu mạnh thế giới. Bất chấp đại dịch Covid-19, năm 2021, thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục duy trì thứ hạng 33 trong danh sách này, đạt 388 tỷ USD giá trị thương hiệu, tăng 21,69% so với năm 2020 (Theo đánh giá của Brand Finance -Tổ chức đánh giá thương hiệu hàng đầu thế có trụ sở đặt tại Vương Quốc Anh).
Bên cạnh việc gia tăng về giá trị của Thương hiệu quốc gia Việt Nam, tỷ trọng gia tăng về giá trị của các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam theo đánh giá của Brand Finance cũng tăng đáng kể từ 21,9% năm 2018 lên gần 68% năm 2021.
Thứ năm, các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đều được Brand Finance định giá và chiếm tỷ trọng cao trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Cụ thể: có 06/10 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia (gồm Viettel, Vinamilk, Agribank, Vietcombank, Mobifone, Vietinbank) thuộc nhóm 03 ngành hàng dẫn đầu (Viễn thông, Ngân hàng, Thực phẩm), chiếm tới 68% tổng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp
Xây dựng Thương hiệu quốc gia là một công cụ hữu hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh của một quốc gia, còn năng lực cạnh tranh quốc gia là điều kiện cần thiết để các ngành, các doanh nghiệp và sản phẩm phát triển bền vững và cải thiện năng lực cạnh tranh của mình.
Minh Anh