Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức
Thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), các DN Việt Nam ngày càng có ý thức hơn trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Nếu như năm 2015, có gần 37.300 đơn đăng ký nhãn hiệu của các DN, thì đến năm 2020, có 55.600 đơn.
Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế thông qua Cục Sở hữu trí tuệ tăng, từ 105 đơn năm 2015, lên 269 đơn năm 2020. Tuy nhiên, có thể thấy, so số lượng lớn DN đang hoạt động hiện nay (gần 800.000 DN) thì, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu vẫn chưa xứng với tiềm năng phát triển của DN nước ta. Phần lớn DN chưa thực sự quan tâm đến nhãn hiệu, thương hiệu của đơn vị mình.
Cũng theo Cục Sở hữu trí tuệ, riêng lĩnh vực nông sản, có đến 80% số DN chỉ chi khoảng 5% doanh số cho việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu.
Có không ít DN Việt vẫn chưa chú trọng đến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đầy đủ ở cả thị trường trong nước và nước ngoài. Đơn đăng ký bảo hộ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của các DN Việt. Nhiều thương hiệu, nhãn hiệu, sản phẩm mới chỉ dừng ở việc đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước, riêng việc đăng ký bảo hộ tại một thị trường khác ngoài Việt Nam, chúng ta chưa có sự quan tâm đúng mức.
Tuy nhiên, nhãn hiệu được bảo hộ theo lãnh thổ nên DN có đăng ký ở Việt Nam, cũng không có nghĩa sẽ được bảo hộ ở thị trường nước ngoài. Vì vậy, DN có sản phẩm thương hiệu tốt, có nhu cầu xuất khẩu, cần chủ động xin bảo hộ tại nước ngoài.
Cục Sở hữu trí tuệ khuyến cáo, nếu DN nào đang có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, hoặc chuẩn bị xuất khẩu ra nước ngoài, cần tiến hành đăng ký thương hiệu. Đó chính là cách duy nhất để DN không rơi vào tình huống phải đi kiện tụng, sẽ rất tốn kém thời gian, tiền bạc. Chi phí đăng ký thương hiệu ra nước ngoài ban đầu có thể khá cao so khả năng tài chính của nhiều DN, nhưng sẽ không đáng là bao khi so sánh với chi phí mà DN sẽ phải bỏ ra, nếu rơi vào tình huống phải đi kiện tụng để lấy lại thương hiệu.
Việt Nam đang hội nhập sâu rộng toàn cầu, mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng dẫn đến những cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Do đó, để có thể tồn tại và phát triển tại các thị trường, nhất là thị trường khó tính, không còn cách nào khác đó là các DN Việt cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức - nhìn nhận một cách nghiêm túc trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu.
Có thể khẳng định, thương hiệu là “linh hồn” của mỗi DN, nếu mất thương hiệu, không chỉ mất đi lợi thế cạnh tranh, mà còn mất uy tín, mất thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ và quy luật trong sử dụng quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh vẫn chưa được các DN Việt nhìn nhận một cách đúng đắn nhất.
Do đó, các DN, nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, đi đôi với việc xây dựng, phát triển và thương hiệu, cần có chiến lược bảo vệ, giữ gìn.
Hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng DN
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí khẳng định: Trong dòng chảy hội nhập kinh tế quốc tế, thương hiệu đã trở thành một trong những tài sản có giá trị của DN, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước.
Việc bảo hộ thương hiệu, không chỉ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ sở hữu thương hiệu, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, mà còn góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, trong nhiều trường hợp còn là bảo vệ lợi ích quốc gia.
Hiện nay, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các vụ tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp, cả trong thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Không ít đối tượng có hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhằm mục đích trục lợi, gây nhầm lẫn, lừa dối người tiêu dùng.
Bởi vậy, theo Cục trưởng Đinh Hữu Phí, để phát triển và bảo vệ thương hiệu, các DN Việt Nam cần chú trọng công tác đăng ký nhãn hiệu, kể cả trong nước và nước ngoài, để phòng tránh nguy cơ bị mất thương hiệu; đồng thời chủ động bảo vệ thương hiệu, tích cực phối hợp với các cơ quan thực thi trong công tác phát hiện hành vi xâm phạm và kịp thời đề nghị xử lý hành vi xâm phạm.
Cục trưởng Đinh Hữu Phí cho biết, là cơ quan có chức năng tham mưu lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, trực tiếp quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động sự nghiệp về sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật, Cục Sở hữu trí tuệ luôn nỗ lực nhằm hỗ trợ các DN trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu.
Có thể nêu ra một số hoạt động, như: Hoàn thiện thể chế, chính sách về sở hữu trí tuệ; triển khai “Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ đến năm 2030”; nâng cao năng suất, chất lượng xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp; cung cấp thông tin, ý kiến chuyên môn về sở hữu trí tuệ giúp các cơ quan thực thi có cơ sở để xử lý hành vi xâm phạm quyền...
Cục Sở hữu trí tuệ cam kết tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng DN, các cơ quan thực thi và toàn xã hội với tinh thần trách nhiệm cao nhất, để thương hiệu của các DN Việt Nam không ngừng được xây dựng, bảo vệ hiệu quả và phát triển lớn mạnh.
Quyền sở hữu trí tuệ - có vai trò quan trọng trong việc phát triển của các DN, nói rộng ra đó là của cả nền kinh tế ở mỗi quốc gia trên thế giới. Bản chất của quyền sở hữu trí tuệ là việc tạo ra những độc quyền sử dụng đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ - tài sản trí tuệ. Độc quyền đối với tài sản trí tuệ, chính là cơ sở pháp lý cho quá trình đưa các quyền sở hữu trí tuệ ra thị trường, để đổi lại lợi nhuận và tăng trưởng trong kinh doanh.
Vì vậy, hiện nay quyền sở hữu trí tuệ - chính là công cụ đắc lực, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sự phát triển của mỗi DN, các chủ thể quyền khác trong nền kinh tế thị trường.
Từ giá trị to lớn của quyền sở hữu trí tuệ, đã khuyến khích, thúc đẩy bản thân các chủ thể quyền, các cá nhân, pháp nhân, tổ chức liên quan trong xã hội không ngừng đổi mới và sáng tạo ra các đối tượng sở hữu trí tuệ mới để được bảo hộ độc quyền...
Để phát triển và bảo vệ thương hiệu, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng công tác đăng ký nhãn hiệu, kể cả trong nước và nước ngoài, để phòng tránh nguy cơ bị mất thương hiệu; đồng thời chủ động bảo vệ thương hiệu, tích cực phối hợp với các cơ quan thực thi trong công tác phát hiện hành vi xâm phạm và kịp thời đề nghị xử lý hành vi xâm phạm.
Minh Anh