Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023 là thời điểm các cơ chế, chính sách đã được hoàn thiện, thể chế hóa trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, trong đó có nhiều chính sách mới như hỗ trợ chi phí đào tạo, tư vấn, thuê, mua giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp... Đây chính là những viên gạch đặt nền móng và căn cứ pháp lý để các cơ quan, tổ chức có thể sử dụng nguồn lực của mình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Những bài học thành công
Là doanh nghiệp tạo tác động xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Journey of the Senses (JOS) vận hành các mô hình kinh doanh bền vững với những trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ độc đáo, thân thiện và chuyên nghiệp được cung cấp bởi nhân sự chủ yếu là người khuyết tật. Năm 2022, JOS nhận được sự hỗ trợ chuyển đổi số từ Dự án ISEE-Covid (Dự án được tài trợ bởi Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada, đồng thực hiện là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam) để phát triển sản phẩm, dịch vụ sang kênh trực tuyến thông qua việc xây dựng website thương mại điện tử. Trên môi trường số, JOS không ngừng tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng thông qua các hình thức mới như quét mã vạch, thực hiện các giao dịch, thanh toán trực tuyến...
Những thay đổi này đã giúp doanh nghiệp đa dạng hóa hệ thống kênh bán, gia tăng tính bền vững cho các mô hình kinh doanh, tối đa hóa được tệp khách hàng, đồng thời giúp nhân viên cảm thấy thuận lợi hơn trong giao tiếp với khách. Đáng lưu ý, việc chuyển đổi số thực hiện đúng thời điểm phục hồi sau đại dịch Covid-19 đã giúp doanh nghiệp có doanh thu tăng gần 230% chỉ sau một năm.
Hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp, Công ty TNHH một thành viên Thái Xuân Biên (tỉnh Gia Lai) có vị thế tốt để mở rộng kinh doanh nhưng chưa phát triển như kỳ vọng vì nhiều khâu còn quản lý thủ công. Kể từ khi được sự hỗ trợ công nghệ từ Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC), doanh nghiệp này đã bước vào chuyển đổi số bằng việc triển khai hệ thống theo dõi truy xuất nguồn gốc, phần mềm quản lý doanh nghiệp, xây dựng website bán hàng. Nhờ ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp đã cải thiện được hiệu suất, năng suất, dịch vụ mà không tốn quá nhiều chi phí.
Việc quản lý tồn kho trước đây gặp nhiều khó khăn do quá trình sản xuất, xác định và phân loại hàng triệu giống cây trồng được thực hiện thủ công thì nay đã được tối ưu hóa thông qua việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc để theo dõi thông tin về sản phẩm và tối ưu hóa quản lý tồn kho, tăng khả năng đáp ứng đơn hàng. Kết quả là năm 2023, Công ty Thái Xuân Biên đã tăng được sản lượng hạt giống thêm 15%, doanh thu tăng 10% so với năm trước.
Những thay đổi tích cực của JOS và Công ty Thái Xuân Biên là một số điển hình thành công của các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu mối là Cục Phát triển doanh nghiệp phối hợp với các đối tác quốc tế thực hiện trong những năm gần đây.
Sẵn sàng cho bước đột phá
Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Phát triển doanh nghiệp cho biết, từ năm 2021 đến nay, Cục Phát triển doanh nghiệp đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, các tổ chức trong nước và quốc tế triển khai nhiều hoạt động trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung vào phổ cập, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số của các doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đến nay, các doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.
Những nội dung này được thể hiện rõ trong Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2023: Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, được Cục Phát triển doanh nghiệp và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) thực hiện và công bố mới đây. Cụ thể, Báo cáo ghi nhận đã có sự cải thiện đáng kể về điểm số đánh giá mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp trong chuyển đổi số khi nội dung này đạt ngưỡng điểm trên trung bình (hơn 2,5 điểm), tăng từ 0,7-1,4 điểm so với năm trước.
Điều đó cho thấy doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực đều đã và đang nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của chuyển đổi số, chủ động tích hợp các mục tiêu chuyển đổi số vào chiến lược phát triển của mình cũng như tăng cường nguồn lực cần thiết, đặc biệt là nhân sự lãnh đạo hoặc đầu tư nhiều hơn vào những dự án chuyển đổi số.
Theo bà Lê Thị Quyên, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát triển doanh nghiệp, xu hướng “chuyển đổi kép” trên thế giới đang trở nên ngày càng quan trọng với các sáng kiến xoay quanh 3 trụ cột chính: Tăng năng suất và hiệu quả kinh tế một cách bền vững; tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm hoặc loại bỏ tối đa lượng khí thải nhà kính.
Các doanh nghiệp Việt Nam mặc dù có đủ nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi mang tính toàn diện này. Vì vậy, việc có những chính sách, chương trình hỗ trợ, tư vấn về lộ trình chuyển đổi số, hỗ trợ ứng dụng giải pháp chuyển đổi số phù hợp là thật sự cần thiết để doanh nghiệp bứt phá trong giai đoạn tới.
Tại Việt Nam, công nghệ số và chuyển đổi số được kỳ vọng là động lực thúc đẩy sự thành công của việc chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược về tăng trưởng xanh. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cùng lúc phải thực hiện cả hai sự chuyển dịch, gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh để đáp ứng đồng thời yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cũng như yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế trong xu hướng phát triển mới. Đây cũng chính là xu thế “chuyển đổi kép” đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới.
Theo Nhandan.vn