Lo ngại năm 2024 dịch sởi có nguy cơ bùng phát
Thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay cả nước ghi nhận hơn 160 trường hợp mắc sởi và phát ban nghi sởi (tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Riêng tại Hà Nội, sau hơn 1 năm không ghi nhận ca bệnh, mới đây, trên địa bàn Thủ đô đã có ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024. Các chuyên gia lo ngại, theo chu kỳ 4-5 năm/lần thì năm 2024, dịch sởi có nguy cơ bùng phát.
Hai chu kỳ dịch bệnh sởi gần đây nhất là vào năm 2014, năm 2019 đều ghi nhận số ca mắc sởi tăng cao. Riêng đợt dịch trong năm 2014 đã có hơn 110 trẻ tử vong do bệnh sởi.
Cùng với sởi, hiện cả nước ghi nhận 118 trường hợp mắc ho gà (tăng 7,4 lần so với cùng kỳ năm 2023). Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã có 46 trường hợp mắc ho gà tại 20 quận, huyện, thị xã; trong khi cùng kỳ năm 2023 không có ca bệnh.
Bệnh nhân là trẻ dưới 2 tháng tuổi (chiếm 52,2%) và chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ (chiếm 70%). Trẻ trước độ tuổi tiêm chủng thường có miễn dịch phòng bệnh ho gà từ mẹ.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình trạng thiếu vắc-xin thời gian qua nên tỷ lệ tiêm ở trẻ không đạt như mong muốn. Chính vì miễn dịch cộng đồng giảm, người mẹ cũng không được tiêm đủ mũi nên làm giảm khả năng chống chọi bệnh ở trẻ.
Cũng gia tăng các cá bệnh, hiện cả nước ghi nhận 12.152 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023).
Riêng trên địa bàn Hà Nội đã ghi nhận 778 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2023) và 18 ổ dịch.
Nói về nguy cơ bùng phát dịch thời gian tới, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, dịch bệnh năm 2024 sẽ phức tạp hơn so với năm 2023 nếu không chủ động các biện pháp phòng, chống. Do đó, để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cần chủ động trong cả nguồn lực, chủ động trong giám sát, dự phòng để dự báo sớm, nhận định đúng tình hình…
Còn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các địa phương chủ động, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, trong đó có các bệnh như sởi, ho gà, cúm gia cầm...
Được biết, Bộ Y tế đã thành lập 7 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh từ tháng 4 đến tháng 5/2024 tại 14 tỉnh, thành phố trọng điểm, gồm: Hà Nội, Khánh Hòa, Đồng Nai, Lâm Đồng, Quảng Nam, Bình Định, An Giang, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Phú Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk và Kon Tum.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận định, theo quy luật hằng năm, tháng 4, tháng 5 là cao điểm bệnh tay chân miệng. Do đó, thời gian tới, số ca mắc và số ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục tăng. Ngoài ra, dịch sốt xuất huyết hằng năm cũng sẽ gia tăng khi bắt đầu vào mùa hè.
Ý thức của người dân rất quan trọng
Liên quan công tác điều trị bệnh, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, Cục đã chỉ đạo thực hiện phân tuyến điều trị từ y tế cơ sở, bệnh viện tuyến điều trị mở rộng và tại chỗ, bệnh viện tuyến điều trị chủ yếu và bệnh viện điều trị tuyến cuối với nhiệm vụ cụ thể.
Mục tiêu đặt ra là sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh, hạn chế lây nhiễm trong bệnh viện, giảm, hạn chế tỷ lệ tử vong và duy trì hoạt động của các bệnh viện trong trường hợp dịch lan rộng.
Ông Nguyễn Trọng Khoa cũng lưu ý, việc phân tuyến điều trị còn phụ thuộc theo từng loại bệnh, từng tình huống và theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị.
Chẳng hạn, với những loại bệnh lây theo đường hô hấp như: Sởi, cúm, ho gà…, chủ yếu cách ly điều trị tại chỗ, tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới từ xa hoặc tại chỗ. Còn với những bệnh có khả năng lây lan hạn chế hơn như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng…, ngoài điều trị tại chỗ có thể chuyển tuyến khi vượt quá khả năng, năng lực của đơn vị…
Cùng với đó, các bệnh viện chuẩn bị các điều kiện về hậu cần theo tình hình dịch bệnh như trang thiết bị hồi sức cấp cứu, thuốc, dịch truyền, hệ thống khí ô xy…
Về phía Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương, các đơn vị cần bảo đảm sẵn sàng thiết bị, vật tư, hóa chất, đáp ứng với mọi tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Trong quý I/2024, thành phố đã triển khai tiêm bù cho các đối tượng chưa tiêm đủ vắc-xin trong chương trình mở rộng năm 2023. Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã cấp cho Hà Nội cơ bản đủ 9/10 loại vắc-xin tiêm chủng mở rộng, trừ vắc-xin bại liệt đường tiêm IPV. Do đó, các phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn đề nghị các quận, huyện, thị xã và cơ quan chuyên môn cần tăng cường giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch theo đúng quy định, giảm thiểu ổ dịch lan rộng, kéo dài.
Đồng thời, các địa phương giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh được phân cấp nhằm nắm bắt tình hình dịch bệnh và tổ chức điều tra, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch.
Cùng với đó, CDC Hà Nội tiếp tục tập huấn, hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sởi cho cán bộ y tế các địa phương; phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục, trường học; tuyên truyền cho phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc-xin.
Trong công tác phòng chống dịch ngoài các biện pháp của cơ quan y tế thì ý thức của người dân cũng vô cùng quan trọng. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong phòng bệnh.
Cụ thể, người dân nên đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
Đồng thời, người dân cần giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng; ăn chín, uống sôi; tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở….
Chủ động phòng tránh dịch
Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao trách nhiệm cho UBND các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng.
Bên cạnh đó, xây dựng, trình Hội đồng nhân dân ban hành định mức chi cho hoạt động y tế dự phòng để chủ động triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh.
Bố trí đầy đủ kinh phí cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng mở rộng từ nguồn kinh phí địa phương theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo đúng quy định.
Tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại tất cả các tuyến
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Y tế, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế. Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur chủ động phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời.
Đồng thời, xây dựng, triển khai phương án cụ thể sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn dịp nghỉ lễ ngày 30.4 và 1.5 năm 2024 và cao điểm du lịch hè 2024.
Tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại tất cả các tuyến; đảm bảo hoạt động của các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động để sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.
Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao.
Với bệnh dại, cần đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao, bố trí mỗi huyện có ít nhất 1 điểm tiêm, ở những nơi địa bàn rộng và địa hình khó khăn xem xét bố trí thêm điểm tiêm phòng. Tăng cường sự phối hợp với ngành nông nghiệp giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn, hướng dẫn tiêm phòng và xử lý ổ dịch kịp thời.
Với bệnh sốt xuất huyết, cần tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết. Tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế.
Với bệnh tay chân miệng, cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Các Sở Y tế cân phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Cụ thể, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời.
Với bệnh được dự phòng bằng vaccine (sởi, ho gà, bạch hầu...), cần đẩy mạnh triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024, thực hiện tốt tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh. Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng bệnh và vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch, đủ mũi tiêm.
Các Sở Y tế cũng cần thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, kịp thời điều trị, cấp cứu người bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật.
Chủ động, phối hợp cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo phòng bệnh cho người dân; xây dựng các tài liệu, sản phẩm, thông điệp truyền thông về phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng vaccine phòng bệnh phù hợp với phong tục, tập quán, ngôn ngữ của từng địa phương.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở để khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi để bảo vệ sức khỏe.
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ ngành y tế và các đơn vị liên quan trong giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh truyền nhiễm, tác nhân gây bệnh, các biện pháp xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực và chăm sóc người mắc bệnh truyền nhiễm.
Thường xuyên rà soát, đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vaccine, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực... đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ.
Tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng chống dịch, tập trung vào khu vực ghi nhận các trường hợp mắc bệnh, có nguy cơ bùng phát dịch và các địa phương chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng, có tỷ lệ tiêm chủng thấp; đồng thời chủ động chỉ đạo, hỗ trợ tuyến dưới trong phòng, chống dịch.
Phương Thảo (t/h)