Sang công tác tại Trung Quốc, chúng tôi có dịp được gặp gỡ nhiều cô dâu Việt thuộc nhiều thế hệ. Những cô dâu của thế hệ trước (những người hiện khoảng 50-70 tuổi), có nhiều người bị lừa bán, thậm chí bị lừa bán tới hai lần và cuộc sống khá vất vả. Nghe câu chuyện về cuộc đời họ, chúng tôi cảm thấy bị ám ảnh, một phần vì những tận cùng đau khổ, khó khăn mà họ từng trải qua, một phần vì cuộc sống hiện tại và tương lai của con cháu họ, cũng nhuốm màu ảm đạm.
Khác hẳn với những cô dâu này, thế hệ các cô dâu Việt trẻ, có tri thức ở Trung Quốc cũng khá nhiều. Họ là điểm nhấn rõ nét trong bức tranh về cô dâu Việt ở Trung Quốc hiện nay ở sự tự tin, chủ động làm chủ cuộc sống của bản thân và chăm lo tốt cho gia đình, con cái.
Chị Nguyễn Thu Hương đang là nhân viên Tổng đài cho một công ty điện thoại ở Nam Ninh.
Chị Nguyễn Thu Hương (sinh năm 1980), Trưởng nhóm Cô dâu Việt ở Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc là một trong số các cô dâu Việt trẻ mà chúng tôi có dịp tiếp xúc. Chị Hương tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, theo tiếng gọi của tình yêu, chị sang Trung Quốc và trở thành cô dâu Việt trẻ ở đây.
Hiện 2 vợ chồng chị Hương cùng cô con gái nhỏ học lớp 2 đang sống trong căn hộ rộng rãi ở một khu chung cư khá hiện đại ngay Trung tâm thành phố Nam Ninh. Chị Nguyễn Thu Hương đang là nhân viên Tổng đài cho một công ty điện thoại ở Nam Ninh.
Công việc bận rộn nhưng chị Hương vẫn cố gắng thu xếp mỗi tuần 2 buổi để tham gia lớp dạy Tiếng Việt cho con em người Việt ở Nam Ninh và các hoạt động của cộng đồng người Việt tại Nam Ninh. Con gái chị Hương được học tiếng Việt từ bé nên nói tiếng Việt khá tốt.
Chị Hương tâm sự, chị có thể hoàn toàn ở nhà chăm sóc gia đình, nhưng với một người trẻ, lại được học hành bài bản nên chị muốn tìm một công việc phù hợp để làm, vừa để phụ giúp gia đình, vừa để phát huy vốn kiến thức của mình.
Tuy công việc khá bận rộn, lại vừa tham gia công tác cộng đồng, vừa chăm sóc gia đình vì chồng hay vắng nhà, nhưng chị cảm thấy vui vì được làm những việc mình thích, được chia sẻ với nhiều bà con người Việt ở đây.
“Chồng tôi làm công ty du lịch nên khá bận rộn, nhưng anh cũng rất thông cảm và chia sẻ với công việc của vợ. Những lần sinh hoạt của cộng đồng người Việt, nếu không bận việc, chồng tôi cũng tham gia cùng vợ con. Những lần như thế thì các ông chồng người Trung Quốc có sự thấu hiểu, chia sẻ nhiều hơn với vợ”- chị Hương tâm sự.
Anh Dịch Hải Ba, chồng chị Hương cho biết, anh hoàn toàn ủng hộ vợ trong mọi việc. “Tôi làm về du lịch nên rất cần sự hỗ trợ của vợ khi kết nối về Việt Nam. Tôi đã dẫn rất nhiều khách du lịch qua Việt Nam. Họ đều có cảm nhận rất tốt và muốn quay trở lại. Tôi rất cảm ơn vợ vì ngoài công việc của mình, cô ấy còn lo công việc gia đình chu đáo”.
Cũng lấy chồng Trung Quốc và đang làm nghiên cứu sinh ngành Y tế công cộng tại Đại học y khoa Quảng Tây, chị Phạm Thu Ngọc (sinh năm 1983) được mọi người gọi vui là “Tiến sỹ Phở”.
Chị Ngọc hiện cùng với 2 người bạn cùng làm nghiên cứu sinh tại Quảng Tây sở hữu chuỗi cửa hàng Phở Việt tại Quảng Tây. Cách đây vài năm, khi còn đang học Đại học tại Trung Quốc, chị và 2 người bạn đã bắt đầu ý tưởng kinh doanh bằng một cửa hàng bánh mỳ nhỏ từ số tiền 10 triệu đồng/người. Đến nay, họ đã có chuỗi cửa hàng Phở ở Quảng Tây với lượng khách khá ổn định, 300-400 lượt/ngày ở mỗi cửa hàng.
Chị Phạm Thu Ngọc đang làm nghiên cứu sinh ngành Y tế công cộng tại Đại học y khoa Quảng Tây
Chị Ngọc chia sẻ, hiện nay quán Phở của chị đã tham gia các Kênh giao hàng tại nhà, kênh mua chung… để mở rộng mạng lưới kinh doanh. Với công việc thuận lợi như vậy, chị Ngọc kỳ vọng sẽ mở thêm một số cửa hàng nữa ở Quảng Tây.
Không chỉ thế, quán Phở còn giúp cho hàng chục du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc có việc làm thêm để hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày. Quan trọng hơn còn giúp các sinh viên này có môi trường giao tiếp tiếng Trung một cách hiệu quả.
“Đây không chỉ là nơi để những bạn sinh viên như em có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt, mà là chúng em giao lưu học hỏi lẫn nhau. Làm ở đây, bắt buộc phải giao tiếp bằng tiếng Trung nên ngoại ngữ của em khá lên rất nhanh”-Vân Anh, du học sinh Việt Nam ngành Kinh tế Thương mại, Đại học Quảng Tây cho biết.
Không chỉ là “bà chủ” của chuỗi cửa hàng Phở khá có tiếng ở Quảng Tây, chị Ngọc là “bà mối” trong việc kết nối các chương trình hợp tác về y tế dự phòng của trường Đại học Quảng Tây với các Đại học Y Huế, ĐH Y Thái Nguyên và Đại học Y Hà Nội…
Chị Ngọc cho biết, để chị làm được một lúc nhiều việc như vậy có sự chia sẻ rất lớn của chồng, anh Ngô Vinh Khoa - bác sỹ ngoại khoa bệnh viện Đại học y dược Quảng Tây. Anh luôn tin tưởng và ủng hộ mọi quyết định của chị. Ngoài giờ làm việc hầu như lúc nào anh cũng có mặt ở quán để hỗ trợ vợ.
“Chúng tôi đều là những người trẻ nên ai cũng muốn phấn đấu làm những gì mình thấy có ích. Chồng tôi và gia đình chồng rất tôn trọng quyết định của tôi. Kể cả việc tôi bận làm Tiến sỹ, “trì hoãn” việc sinh con cũng được gia đình ủng hộ. Chúng tôi cũng đã đã lên kế hoạch, khi mọi việc đi vào nền nếp chúng tôi sẽ sớm sinh em bé”- chị Ngọc tâm sự.
Anh Ngô Vinh Khoa khoe, từ lúc cửa hàng khai trương đến giờ, tuần nào anh cũng phải có mặt ở đây vài buổi để ăn sáng vì Phở Việt Nam rất ngon. Anh rất vui khi vợ cùng những người bạn giới thiệu được nhiều món ăn Việt Nam đến với người Trung Quốc. Anh đang đặt quyết tâm học tiếng Việt để sau này có thể nói chuyện được với vợ con bằng tiếng Việt.
Cũng như chị Thu Hương và Ngọc, chị Ngô Tuệ Quân (sinh năm 1973), giảng viên Đại học Sư phạm Quảng Tây cũng là một cô dâu Việt hoạt động cộng đồng khá tích cực ở Quảng Tây. Năm 1998, chị theo chồng sang sinh sống và làm việc tại Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Chị đang là trợ lý Việt Nam của phòng Hợp tác quốc tế đồng thời tham gia giảng dạy tại Trường Đại học sư phạm Quảng Tây. Chị đã được nhiều thế hệ du học sinh ở đây coi như người mẹ thứ hai vì tấm lòng nhân ái và những sẻ chia của chị dành cho họ. Hầu hết những học sinh Việt Nam mới sang Quảng Tây du học đều biết đến “mẹ Quân” vì chị là người đầu tiên đón các em ở sân bay, lo chỗ ăn ở cho các em và ngay đến những chuyện riêng tư, các em cũng tìm “mẹ Quân” để tâm sự…
Không chỉ là điểm tựa về tinh thần cho những thế hệ sinh viên Việt Nam sang đây du học, chị Tuệ Quân còn là người kết nối, hướng dẫn và giới thiệu về Nhà kỷ niệm các trường học Việt Nam tại Quảng Tây. Qua đó, mọi người có thể hiểu hơn, tự hào hơn về những giai đoạn lịch sử cũng như quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam- Trung Quốc.
Chị Tuệ Quân đang là trợ lý Việt Nam của phòng Hợp tác quốc tế đồng thời tham gia giảng dạy tại Trường Đại học sư phạm Quảng Tây.
Chị Tuệ Quân hiện có cuộc sống hạnh phúc cùng chồng cũng là giảng viên Đại học Quảng Tây cùng cô con gái năm nay học lớp 7. “Cả hai vợ chồng chúng tôi rất chăm lo cho việc học tập và tương lai của con. Ngoài giờ làm, cả hai cùng hỗ trợ, dạy dỗ con học tập. Công việc của tôi cũng khá bận, thỉnh thoảng phải đi công tác nhưng yên tâm vì chồng rất san sẻ. Nhiều khi tôi đi làm về muộn, chồng đã vào bếp nấu cơm và dọn dẹp nhà cửa. Những san sẻ đó làm tôi cảm thấy rất ấm lòng”.
Anh Lạc Minh Đệ (chồng chị Tuệ Quân) chia sẻ: “Tôi ấn tượng ngay từ lần đầu thấy vợ mình trong tà áo dài thướt tha lên bục phát biểu. Cuộc sống vợ chồng chúng tôi lúc mới cưới cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng cả hai đồng lòng thì mọi khó khăn rồi cũng qua”.
Khác với nhiều cô dâu Việt bị lừa bán sang Trung Quốc có cuộc sống khá khó khăn, thì chị Tuệ Quân, Thu Hương và Thu Ngọc là đại diện cho thế hệ những cô những cô dâu Việt trẻ có tri thức, tự tin quyết định cuộc sống của mình và chăm lo tốt cho gia đình, con cái ở nơi đất khách quê người./.
Theo VOV