Tiếp chúng tôi tại trại nuôi cá tầm giống ở xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê trong một buổi sáng đầu tuần bận rộn, Hoa chia sẻ:

"Gia đình là nơi nuôi dưỡng và là động lực để em khởi nghiệp, đó chính là nghiệp nhà nông, từ chính con cá, con tôm trên đồng đất quê hương. Từ kinh nghiệm nuôi cá mà cha ông truyền lại, sau khi tham khảo thêm các mô hình nuôi cá ở các tỉnh bạn, em quyết định vay mượn thêm để đầu tư nuôi cá tầm.

Riêng tại xã Minh Tân, em làm 100 bể cá tầm giống với tổng khoảng 10 vạn con, phục vụ các trại nuôi cá thương phẩm do em gây dựng ở xã Trung Sơn, huyện Yên Lập và xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn".

Mô hình nuôi cá tầm giống của Bùi Thị Thanh Hoa tại xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê

Theo Thanh Hoa, nuôi cá tầm khó hơn so với các loài cá truyền thống khác. Đây là loài sống và kiếm thức ăn ở tầng đáy do bản tính ưa lạnh, ngoài ra phải là nguồn nước sạch tự nhiên, có lượng oxi hòa tan cao thì mới phát triển.

Biết cá tầm ưa nhiệt độ từ 18-27 độ C, lại chủ yếu ăn các loài tôm, tép, trùng hương nên Hoa đã phải khảo sát, tính toán rất kỹ khi chọn địa điểm nuôi cá tầm giống và cá thương phẩm sao cho phù hợp điều kiện về nguồn nước, khí hậu...

Mô hình nuôi cá tầm của HTX Nông nghiệp hữu cơ Tân Sơn tại khu Bến Thân xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn

Tại xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, nhờ có khí hậu mát mẻ, nước chảy ra từ hang đá quanh năm trong lành nên thích hợp nuôi cá nước lạnh như cá tầm. Năm 2023, HTX Nông nghiệp hữu cơ Tân Sơn do Bùi Thị Thanh Hoa làm Giám đốc đã thực hiện nuôi 50.000 vạn con cá bột, 4 vạn con cá thương phẩm, kết quả không nằm ngoài dự đoán của Hoa khi tổng doanh thu đạt được gần 4,5 tỉ đồng.

Cùng với nuôi cá tầm, nhận thấy Đồng Sơn có thời tiết lý tưởng, “non xanh nước biếc” thích hợp phát triển du lịch cộng đồng, Hoa đã gợi mở để HTX đầu từ và xây dựng Khu du lịch cộng đồng Bến Thân. Mục tiêu là tạo ra một mô hình kinh tế tự cung tự cấp đi liền với phát triển dịch vụ để nâng cao thu nhập cho đồng bào Dao nơi đây. Chỉ trong thời gian ngắn đi vào hoạt động, mô hình đã thổi “luồng gió mới”, góp phần mở hướng phát triển kinh tế cho người dân địa phương.

Cá tầm phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm tại Khu du lịch cộng đồng Bến Thân

Còn tại xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, HTX Nông nghiệp hữu cơ Tân Sơn cũng đã đầu tư 15 tỉ đồng để phục vụ cho việc nuôi thả cá tầm với 30 ao xây, 70 bể ươm giống cùng hệ thống lọc hiện đại, các máy bơm, sục, máy xay, trộn thức ăn cho cá, máy đếm cá...

Hiện trại cá của HTX ở Trung Sơn đang nuôi thả 70.000 vạn con cá bột, 4 vạn con cá thương phẩm, doanh thu một năm đạt trên 5 tỉ đồng, lợi nhuận đạt trên 600 triệu đồng. Tổng thu từ HTX và các mô hình liên kết thực hiện của Bùi Thị Thanh Hoa là khoảng 25 tỉ đồng, lợi nhuận trung bình đạt 6 – 7 tỉ đồng/năm.

Nuôi cá tầm đang được nhiều người lựa chọn do có giá trị kinh tế cao

Để tiếp tục phát triển mô hình, nâng cao hiệu quả kinh tế trong thời gian tiếp theo, Hoa cho biết:

"Đối với mô hình nuôi cá tầm, em không muốn chỉ dừng lại ở việc sản xuất cá giống mà còn phát triển các điểm ươm nuôi thành địa điểm du lịch sinh thái, nơi du khách có thể tham quan, học hỏi về quy trình nuôi cá và thưởng thức những món ăn tươi ngon từ cá tầm.

Để làm được điều này, trong thời gian tới Hợp tác xã sẽ triển khai quảng bá mô hình thông qua việc xây dựng thương hiệu cá tầm Phú Thọ; tăng cường công tác tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng, trang mạng xã hội, thông qua các hội chợ thương mại, triển lãm nông nghiệp; hợp tác với các nhà hàng và khách sạn, cung cấp nguyên liệu làm các món ăn đặc sản từ cá.

Ngoài ra, tổ chức các tour, tuyến du lịch, mời gọi du khách tham gia các tour du lịch trải nghiệm và các lớp tập huấn, họ có thể tìm hiểu về quy trình nuôi cá tầm và tham gia vào các hoạt động văn hóa địa phương"...

Cá tầm thương phẩm

T. Hương (Nguồn: https://baophutho.vn/)