Cuối tháng 11/2021 tại số 740 đường Phạm Văn Đồng, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, Công ty CP Đầu tư sâm Việt Nam rầm rộ tổ chức Lễ khai trương trụ sở sâm Việt Nam với khách mời cấp bộ và tỉnh.
Ngay tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư sâm Việt Nam khẳng định sẽ phấn đấu đưa sâm Ngọc Linh ra thế giới. Doanh nghiệp cũng có sự đầu tư và chuẩn bị chu đáo để có được 10ha sâm Ngọc Linh gốc, ở xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) và xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei).
Tuyên bố của bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư sâm Việt Nam và Thông cáo báo chí của công ty này về việc sở hữu vườn sâm Ngọc Linh gốc 10ha, trong đó có 8ha ở xã Ngọc Lây và 2ha ở xã Mường Hoong đã gây ngạc nhiên cho chính quyền 2 xã này.
Vườn sâm của công ty đã trồng từ 01 - 08 năm. Cùng với đó là khu nuôi cấy mô tại H.Kon Plông. Ngoài ra, công ty còn có mô hình liên kết để tạo sinh kế cho người dân tại chỗ ở 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei.
Ngay sau khi Công ty sâm Việt Nam công bố thông tin trên, người dân cũng như chính quyền địa phương tại 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông đều tỏ ra bất ngờ. Ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây (nơi được công bố trồng 8 ha), nói rằng ông không biết công ty này trồng sâm trên địa bàn. Theo ông Dũng, hiện trên địa bàn xã Ngọc Lây chưa ghi nhận việc Công ty sâm Việt Nam liên kết với người dân để trồng sâm Ngọc Linh.
Còn ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho hay, huyện chưa giới thiệu đơn vị này trồng sâm trên địa bàn. Theo khảo sát của huyện, công ty này có 5 luống sâm Ngọc Linh và đang trồng trên phần đất của Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum. Hiện vẫn chưa xác định được số lượng gốc sâm ở diện tích đất trên.
Ông Lê Bá Thế, Chủ tịch UBND xã Mường Hoong (H.Đăk Glei) - nơi được công bố trồng 2 ha, cũng khẳng định hiện không có công ty nào trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn; cũng không có việc Công ty sâm Việt Nam liên kết với người dân để trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn xã.
Trao đổi với PV Thương hiệu & Công luận, ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum cho hay, đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu Công ty sâm Việt Nam giải trình, sau khi có kết quả sẽ thông tin cho báo chí và dư luận.
Trong một diễn biến khác, trên thị trường hiện đã xuất hiện nhiều sản phẩm gắn mác thương hiệu sâm Ngọc Linh, được sản xuất ở TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Đà Nẵng.... Có một điểm giống nhau giữa các sản phẩm này là được bán với giá rất cao, nhưng không có thông tin hoặc thông tin rất mập mờ về hàm lượng sâm Ngọc Linh trong mỗi sản phẩm.
Trong khi đó 3 công ty gồm: Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum, Công ty CP VINGIN, Công ty TNHH Một thành viên viên lâm nghiệp Đăk Tô sở hữu phần lớn vườn sâm trong tổng diện tích gần 1.160 ha của tỉnh Kon Tum đến thời điểm này khẳng định, chưa bao giờ bán cây giống cũng như nguyên liệu cho doanh nghiệp khác để trồng, chế biến sâm Ngọc Linh.
Về thông tin ông Nguyễn Tuấn Vũ, Giám đốc Công ty CP Đầu tư sâm Việt Nam tuyên bố trên báo chí vào tháng 7/2019, Công ty CP dược liệu Núi Ngọk (tiền thân của Công ty CP Đầu tư sâm Việt Nam) có hợp đồng hợp tác đầu tư trồng cây dược liệu với Công ty CP sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông - Kon Tum trên diện tích 03ha, tại làng Moza, xã Ngọc Lây thời hạn 20 năm.
Trước khẳng định của ông Vũ việc hợp tác đầu tư hiện vẫn diễn ra bình thường, bà Nguyễn Thị Duyên, Giám đốc Công ty CP sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông - Kon Tum khẳng định: Hợp đồng là có thật, nhưng công ty này đã bỏ hoang đất đai từ năm 2019 đến nay và công ty của bà đã lấy lại đất chứ: “Không thể để đất hoang hóa mọc cỏ được”.
Vậy việc công ty CP Đầu tư sâm Việt Nam công bố thông tin với báo chí đang sở hữu trên 10 ha sâm Ngọc Linh tại Kon Tum có hay không, vẫn còn nằm trên giấy chăng…?
Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế Việt Nam cho biết. Đây là loại sâm thứ 20 được phát hiện trên thế giới. Phần thân, rễ của Sâm Ngọc Linh chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết. Và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác. Trong khi đó – sâm Triều Tiên chỉ có khoảng 25 saponin các loại.
Những kết quả nghiên cứu, phân lập thành phần hóa học mới nhất được công bố còn kéo dài danh sách saponin của sâm Ngọc Linh hơn nữa, lên tổng cộng 52 loại. Như vậy, sâm Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất. Tương tự một số cây sâm quý đã từng được nghiên cứu sử dụng từ lâu trên thế giới.
Hữu Hoàng