Thời gian qua, hàng loạt vụ thương binh giả đã được đưa ra “ánh sáng”. Những người trục lợi tiền từ chế độ của Nhà nước đối với người có công đã bị xử lý nghiêm, các đối tượng “cò mồi” cũng đã nhận được những hình phạt thích đáng. Tuy nhiên, tại phường Lê Hồng Phong (TP. Phủ Lý), vẫn tồn tại những thương binh “giả”, gây bức xúc trong dư luận.
Người dân lên tiếng
Thương hiệu & Công luận nhận được phản ánh của người dân phường Lê Hồng Phong về việc nhiều trường hợp không tham gia kháng chiến, nhưng vẫn có hồ sơ thương binh để nhận trợ cấp hàng tháng. Ngoài ra, còn trường hợp không bị chất độc da cam song vẫn có chứng nhận bị ảnh hưởng chất độc da cam.
Cụ thể, theo như phản ánh ông Trương Văn Lợi (Tổ 27, phường Lê Hồng Phong), các ông Nguyễn Văn Ninh, Trương Công Chính (Tổ 24, phường Lê Hồng Phong) đều không tham gia kháng chiến, nhưng vẫn có trợ cấp thương binh hàng tháng. Ông Trương Kiện Khiêu (Tổ 23, phường Lê Hồng Phong) cùng con gái đầu lòng được hưởng chế độ chất độc da cam, trong khi hồ sơ của hai người này có nhiều điểm chưa “minh bạch”.
Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên đã có buổi trao đổi với người dân sinh sống lâu năm tại phường Lê Hồng Phong. Bà Huệ (đã thay tên - PV) năm nay 67 tuổi, sống tại Tổ 23 cho biết: “Bà con rất búc xúc về chuyện thương binh giả. Rõ ràng, không đi bộ đội mà vẫn có chứng nhận thương binh, không hiểu các cấp chính quyền chứng thực kiểu gì? Trường hợp ông Khiêu, đi nghĩa vụ từ năm 1958 tại Sơn Tây. Trong thời gian ông đi nghĩa vụ, vợ ông đã sinh con gái đầu lòng (SN 1962 và có dấu hiệu bị bệnh thần kinh từ nhỏ). Không hiểu bằng cách nào, chỉ đi nghĩa vụ tại Sơn Tây mà ông làm được hồ sơ chất độc da cam cho cả ông và con gái?”.
Ông Tới (đã thay tên - PV) năm nay 75 tuổi, sinh sống trên địa bàn phường Lê Hồng Phong, lên tiếng: “Ông Trương Văn Lợi ở Tổ 27, chỉ ở nhà nuôi cá, sau đó lấy vợ sinh con, đi làm thầy cúng, chứ có đi bộ đội được năm nào? Cách đây mấy năm, ông Lợi bị tai nạn và có khiếm khuyết ở bộ phận sinh dục. Lấy cớ đó, ông làm hồ sơ chứng nhận thương binh, cả làng này, ai cũng biết chuyện đó, vậy mà hồ sơ vẫn cứ được chấp nhận?”.
Ông Tới cho biết thêm: “Trường hợp ông Nguyễn Văn Ninh ở Tổ 24, đi đập đá ở Kiện Khê, chứ đi bộ đội ngày nào? Còn ông Trương Công Chính, cũng chỉ ở nhà làm nghề nông. Vậy mà, cả hai ông vẫn cứ làm được hồ sơ đi bộ đội?”…
Cán bộ lặng thinh…
Để làm rõ những bức xúc của người dân, chúng tôi đã liên hệ, làm việc với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Nam. ông Nguyễn Thế Hưởng, Chánh Văn phòng Sở cho biết: “Tất cả hồ sơ thương binh đến nay đều làm mới, do thất lạc trong chiến tranh hoặc nhiều người không giữ được. Vì thế, để kiểm chứng thương binh sau chiến tranh, thì phải kết hợp với địa phương, tìm hiểu người dân sinh sống lâu năm ở đó và phải có ít nhất 2 hoặc 3 trường hợp đang là thương binh làm chứng về việc có tham gia quân ngũ, có bị thương hay không về các trường hợp đề nghị cấp chứng nhận thương binh”.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được xem qua hồ sơ thương binh của những trường hợp mà người dân phản ánh, ông Hưởng nói: “Chúng tôi làm việc bằng công văn. Vì vậy, các anh chị cần gì thì cứ chuyển công văn tới, chúng tôi sẽ kiểm tra và trả lời…”.
Để vấn đề sớm được làm rõ, ngày 17/11, Thương hiệu & Công luận đã có Công văn số 318/CV-THCL gửi Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Nam, đề nghị hợp tác làm rõ 4 trường hợp bạn đọc phản ánh. Nhưng không hiểu vì lý do gì, đến nay đã 20 ngày trôi qua, Tòa soạn vẫn chưa nhận được phản hồi từ Quý Sở?
Người dân sống tại địa phương, nắm rõ nhất từng trường hợp ai đi bộ đội. Tuy nhiên, đến nay, theo phản ánh thì còn không ít trường hợp tương tự như 4 trường hợp nêu trên đang “ẩn” dưới danh thương binh để hưởng chế độ chính sách của Nhà nước đối với người có công, đang diễn ra tại phường Lê Hồng Phong (TP. Phủ lý). Đề nghị Sở LĐ-TB&XH và các cơ quan chức năng làm rõ 4 trường hợp cụ thể đã nêu trên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Cao Huyền - Quang Nam