Ảnh minh họa
Nhận định này được đưa ra tại hội thảo “Thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Australia trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP," do Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) và Tập đoàn IEC Group-Australia tổ chức ngày 9/5 tại Hà Nội.
Theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may năm 2017 của khối CPTPP đạt trên 53 tỷ USD, trong đó Australia là thị trường nhập khẩu dệt may lớn thứ 3 với kim ngạch trên 6,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 11,67%. Riêng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2017 vào khối CPTPP đạt trên 4,8 tỷ USD, chiếm 9,07% thị phần.
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng, Vụ thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết theo cam kết trong Hiệp định CPTPP, Australia sẽ giảm thuế nhập khẩu về 5% ngay trong năm đầu tiên, năm thứ hai, năm thứ ba kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Australia sẽ giảm thuế nhập khẩu về 0% từ năm thứ tư kể từ ngày CPTPP có hiệu lực đối với hầu hết các sản phẩm thuộc nhóm HS 6203, HS 6204, HS 6206.
Đối với nhiều sản phẩm thuộc nhóm HS 6205, thuế nhập khẩu của Australia sẽ về 0% ngay từ năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực. Trong khi đó, mức thuế thuế suất nhập khẩu ưu đãi thông thường (thuế suất MFN) đối với các sản phẩm này là 10%. Lộ trình giảm thuế đối với các sản phẩm trong nhóm HS 6104, 6108, 6109, 6110, 6114 cũng tương tự như vậy, sẽ về 0% hoàn toàn vào năm thứ tư.
Điều đó cho thấy Australia là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, hiện nay, Việt Nam còn chiếm thị phần nhập khẩu tương đối nhỏ tại Australia về sản phẩm dệt may và tiếp tục còn dư địa để mở rộng.
Ngoài lợi thế về thuế quan, giá bán lẻ hàng hóa nói chung và dệt may nói riêng tại thị trường Australia thường rất cao. Hiện nay, Australia có xu hướng chuyển sang nhập khẩu và đặt gia công tại Việt Nam do giá nhân công rẻ hơn với Trung Quốc kèm theo mức thuế quan ưu đãi. Tăng trưởng xuất khẩu dệt may sang Australia cố thể đạt mức hai con số.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết hiện nay, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang thị Australia chỉ dưới 10%. Tuy nhiên, với sự ra đời của Hiệp định CPTPP, tốc độ tăng trưởng kỳ vọng đạt mức hai con số.
Kim ngạch nhập khẩu sản phẩm dệt may của nước này tăng trưởng trung bình 3-5%/năm trong 5 năm qua. Năm 2017, Australia nhập khẩu khoảng 9,32 tỷ USD các sản phẩm dệt may từ thế giới. Tuy nhiên, hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào Australia được 173 triệu USD, tương đương 1,9% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của Australia. Ngoài ra, Việt Nam phải đối mặt sự cạnh tranh lớn mạnh đến từ Trung Quốc khi thị phần may mặc của nước này tại Australia lên tới 60%.
Ông Trần Văn Quyến, đại diện công ty Woolmark (Australia) tại Việt Nam cho hay sức mua của người Australia thậm chí lớn hơn người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu. Đơn hàng từ Australia thường nhỏ do hình thức bán hàng chủ yếu là kinh doanh trực tuyến; tâm lý của các cửa hàng là lấy hàng về bán ngay chứ không để tồn kho.
Trong khi các doanh nghiệp lớn Việt Nam tỏ ra không mấy mặn mà, các doanh nghiệp nhỏ lại rất có nhu cầu đối với các đơn hàng nhỏ này. Thế nhưng, doanh nghiệp nhỏ lại chưa có chứng chỉ trách nhiệm xã hội để đủ điều kiện xuất khẩu sang Australia.
Để thâm nhập có hiệu quả hơn nữa đối với thị trường Australia, theo ông Nguyễn Phúc Nam, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải tích cực quảng bá, tiếp cận thị trường mà còn cần hiểu đặc điểm của thị trường Australia. Các doanh nghiệp Australia thường đặt hàng với các đơn hàng khởi đầu có quy mô khá nhỏ để tìm hiểu khả năng của nguồn cung cũng như khả năng chấp nhận của thị trường.
TTXVN