Quỹ đất dành cho khu công nghiệp dần cạn kiệt

Báo cáo của CBRE về thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam cho thấy, thời gian vừa qua, thị trường Việt Nam rất sôi động với sự gia tăng yêu cầu thuê đất và nhà máy từ cả khách thuê hiện hữu lẫn khách thuê mới.

Các chuyên gia khẳng định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn nhất để trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới. Một mặt là do các hoạt động sản xuất sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc, cùng với đó là xung đột thương mại với Hoa Kỳ và chiến lược của các nhà sản xuất nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.

Thực tế đã có nhiều tập đoàn lớn trong nước, quốc tế đã và đang tham gia tích cực vào quá trình đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp tại Hà Nội, có thể kể đến như: Sumitomo (Nhật Bản), Daewoo (Hàn Quốc), Công ty Dịch vụ công nghiệp Hanel, Công ty Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam... Điều này đã tạo ra sự cạnh tranh cần thiết cho sự phát triển của phân khúc BĐS công nghiệp.

Báo cáo của Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ KH&ĐT cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2020, cả nước có 335 khu công nghiệp được thành lập. Tổng diện tích đất tự nhiên hiện đạt khoảng 97,8 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 66,1 nghìn ha và tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đang hoạt động đạt khoảng 75,7%.

Với các khu kinh tế, cả nước có 17 khu ven biển đã được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng hơn 845 nghìn ha, diện tích đất đã cho thuê trong các khu chức năng trong khu kinh tế đạt trên 40 nghìn ha. Lũy kế đến cuối tháng 3/2020, cả nước có 37 khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế với tổng diện tích khoảng 15,6 nghìn ha.

Riêng tại Hải Phòng, năm 2019 thu hút được 58 dự án cấp mới, tổng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, khu kinh tế đạt trên 75%. Dự kiến 6/2020, sẽ có khoảng 210 ha đất có hạ tầng sẵn sàng bàn giao cho khách hàng. Còn tại Quảng Ninh có 11 khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt. Ngoài khu công nghiệp Cái Lân gần như đã hoàn thành mục tiêu lấp đầy với tỷ lệ 98,6%, các khu công nghiệp khác đều đang xây dựng và hoàn thiện hạ tầng, rất thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp sạch, hàm lượng công nghệ cao. Tính chung tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở Quảng Ninh là 74%.

Còn theo Ban Quản lý các khu công nghiệp & chế xuất Hà Nội, trên địa bàn thành phố đang phát triển 19 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, với tổng diện tích quy hoạch gần 5.250ha. Cùng với đó là 110 cụm công nghiệp có tổng diện tích hơn 3.000ha, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở thời điểm hiện tại đạt trên 80%.

Cơ hội đầu tư vào khu dịch vụ, tiện ích khu công nghiệpCơ hội đầu tư vào khu dịch vụ, tiện ích khu công nghiệp

Cơ hội đầu tư khu dịch vụ, hạ tầng

Tiềm năng phát triển BĐS công nghiệp là thế, thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp BĐS “đến sau” có thể tham gia vào “sân chơi” này khi tìm hướng đi đầu tư khu dịch vụ, tiện ích trong khu công nghiệp.

Thực tế đã có một số tập đoàn đã chọn hướng đi này, đơn cử như Tập đoàn Apec Group đang phát triển chuỗi tiện ích dịch vụ trong KCN Điềm Thụy (Thái Nguyên). Trong đó có thể kể đến như chuỗi shop thương mại Apec Điềm Thụy Center Point có diện tích 28,915m2 với 231 căn được xây dựng từ 2-3 tầng mục đích cho kinh doanh hàng tạp hóa, siêu thị mini, trường mầm non tư thục…khu dịch vụ này còn đầu tư xây dựng công viên thể thao ngoài trời với đường dạo, cây xanh cảnh quan; cây xăng; bãi để xe; nhà dịch vụ với các tiện ích công cộng…

Đại diện Apec Group cho rằng, trong tương lai, nhu cầu nhà ở, khu vui chơi giải trí cho chuyên gia và người lao động tại các cụm khu công nghiệp thương mại, dịch vụ hay công nghiệp nhẹ là rất lớn. Đây chính là cơ hội rất tốt cho nhà đầu tư BĐS cung ứng các dịch vụ lưu trú và giải trí. Đây là một định hướng phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu nhà ở và môi trường sống tiện ích cho chuyên gia và công nhân tại đây.

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần có tầm nhìn và chiến lược phát triển khu công nghiệp phải đi đôi với tiện ích và dịch vụ. Bên cạnh đó, cần có những đánh giá về các khu công nghiệp, bởi không phải chỗ nào cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà sản xuất. Bởi lẽ, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đang lựa chọn các khu công nghiệp đều có vị trí thuận lợi, đã được đầu tư đồng bộ về mặt hạ tầng, điện nước, chứ ít có đơn vị nào chịu đầu tư một khu công nghiệp “đang hình thành”, thiếu hạ tầng.

Dự báo, từ năm 2020 sẽ là thời điểm của khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng cao tầng, nhà xưởng xây sẵn tích hợp các dịch vụ và công nghệ mới. Bên cạnh đó xu hướng chuyển đổi khu công nghiệp từ mô hình truyền thống sang thương mại, dịch vụ, cụm công nghệ cao gắn với đô thị hiện đại, ưu tiên sử dụng mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp năng lượng tái tạo đang được quan tâm.

Nội dung này cũng sẽ được trình bày tại Diễn đàn BĐS công nghiệp Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Thời cơ vàng trong vận hội mới”, được tổ chức ngày 19/6/2020 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội thông qua các ngôn ngữ: Tiếng Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam.

Sự kiện có ba hoạt động chính: Ngày 19/6: Diễn đàn và trưng bày trên 1000 dự án kêu gọi đầu tư có sử dụng đất trên toàn quốc; Ngày 20/6: Tham gia thực tế tại địa phương và khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Trần Nam, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Đồng trưởng ban tổ chức Diễn đàn BĐS công nghiệp Việt Nam lần thứ 2 nhận định : “BĐS công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt”.

Trúc Mai