Giá thuê ngày càng tăng

Báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư hết ngày 31/12/2019 cho thấy, diện tích đất của các khu công nghiệp của Việt Nam đạt 65.900ha với 330 khu công nghiệp, tăng 1.900ha so với cuối năm 2018. Việt Nam hiện có 258 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trung bình trên toàn quốc đạt 74,3% vào cuối năm 2019, tăng 1,3% so với cuối năm 2018.

Cụ thể từng khu vực, trong năm 2019, với số lượng yêu cầu thuê đất tăng cao, các chủ đầu tư đã trở nên tự tin hơn trong việc tăng giá thuê đất. Giá thuê đất công nghiệp trung bình khu vực miền Nam trong quý III và IV/2019 đạt 101 USD mỗi m2 trên chu kỳ thuê, trong khi cách đây 12 tháng vẫn còn ở mức dưới 90 USD mỗi m2 trên chu kỳ thuê.

Nhà xưởng xây sẵn, một trong những lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có giá thuê dao động từ 3,5-5 USD mỗi m2 một tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, TP HCM, Long An và giữ mức ổn định ở các tỉnh còn lại so với 6 tháng đầu năm 2019.

Còn theo ghi nhận của JLL Việt Nam, trong quý đầu năm, tại các cụm công nghiệp thuộc khu vực miền Nam, số lượng yêu cầu thuê đất vẫn khá cao và các chủ đầu tư đã trở nên tự tin trong việc tăng giá thuê đất. Giá thuê đất công nghiệp trung bình trong quý đạt 101 USD mỗi m2 trên chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Nhà xưởng xây sẵn ở miền Nam có giá thuê dao động từ 3,5-5 USD mỗi m2 một tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, TP HCM, Long An và giữ mức ổn định ở các tỉnh còn lại thuộc phía Nam.

Các khu công nghiệp ở miền Bắc thu hút phần lớn các tập đoàn muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất bên cạnh cơ sở tại Trung Quốc, với nền tảng hạ tầng phát triển khá tốt và vị trí gần với đất nước tỷ dân này. Bình quân giá thuê đất công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc đạt 99 USD mỗi m2 trên chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhà xưởng xây sẵn, một trong những mô hình bất động sản công nghiệp được các doanh nghiệp vừa và nhỏ ưa chuộng, vẫn giữ ở mức giá thuê ổn định 4-5 USD mỗi m2 một tháng, và đều đã được lấp đầy.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho biết, trong 3 tháng đầu năm, giá thuê đất làm nhà xưởng, kho bãi hậu cần vẫn ghi nhận xu hướng đi lên, trở thành điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh nhiều loại bất động sản cho thuê hạ nhiệt vì thấm đòn đại dịch.

Việt Nam đang có cơ hội trở thành một trung tâm sản xuất thay thế Trung Quốc nhờ vào vị trí gần và dồi dào lao động chi phí thấp.Việt Nam đang có cơ hội trở thành một trung tâm sản xuất thay thế Trung Quốc nhờ vào vị trí gần và dồi dào lao động chi phí thấp.

Hưởng lợi từ Covid-19

Ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam đánh giá: “Việt Nam vẫn là một điếm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu. Dưới tác động của Covid-19, việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia. Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại hồi năm ngoái. Do đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp trong tương lai”.

Vị này cũng nhận định: “Dưới tác động của Covid-19, việc tạm trì hoãn các thỏa thuận thuê đất và các nhu cầu mới sẽ phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh nhanh hay chậm. Tuy nhiên, thị trường sẽ phục hồi và phát triển nhanh sau khi dịch được kiểm soát. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp nhận ra sự cấp bách của việc đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh phụ thuộc vào một quốc gia”.

Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cũng chỉ ra sự bùng phát của dịch Covid-19 đã khiến triển vọng kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng, nhất là đối với các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, một số công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất khi dịch Covid-19 bùng phát vì các nhà máy của họ được đặt bên ngoài Trung Quốc, chẳng hạn như Samsung với các nhà máy sản xuất đặt tại Việt Nam vẫn hoạt động ở công suất cao.

Điều này đã tạo ra một xu hướng mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc và Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia hưởng lợi trong ASEAN. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở bởi Google dự kiến sẽ bắt đầu bán dòng điện thoại Pixel4A và Pixel5 với một phần được sản xuất tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2020. Microsoft dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất dòng máy tính Surface, gồm máy tính để bàn và máy tính xách tay tại Việt Nam trong quý 2/2020…

Bên cạnh đó, Việt Nam còn hấp dẫn các nhà sản xuất trên thế giới chuyển dịch công nghiệp ra khỏi Trung Quốc nhờ chi phí hoạt động thấp và ưu đãi thuế. So với các quốc gia trong khu vực về mức độ thu hút công nghiệp, Việt Nam vẫn là vị trí tiềm năng cho sự chuyển dịch của các công ty nhờ vào giá thuê đất, tiền nhân công, năng lượng và nhà xưởng thấp.

Báo cáo chiến lược của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, số lượng các công ty tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam tăng 30% trong năm 2019, với mục đích chuyển dịch các nhà máy từ Trung Quốc. VDSC ước tính chi phí lao động của Việt Nam lần lượt bằng 48% và 77% so với mức trung bình của Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN.

Đồng thời, môi trường kinh doanh tại Việt Nam cũng đang dần được cải thiện. Do đó, xu thế dịch chuyển trên đang diễn ra mạnh mẽ, tạo kết quả kinh doanh ấn tượng cho các chủ đầu tư khu công nghiệp.

Điều đó thể hiện qua báo cáo của Công ty CP Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 (D2D) ghi nhận doanh thu tăng 32% lên 81 tỷ đồng ở quý 1/2020, lợi nhuận gộp tăng 46% lên hơn 57 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối tháng 3, tổng lượng tiền và tiền gửi của D2D lên đến 1.362 tỷ đồng. Cổ phiếu D2D cũng đang giao dịch quanh mức 55.000 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, Tổng Công ty CP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi-SNZ) có doanh thu thuần quý 1/2020 đạt 1.078 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp Sonadezi thu về đạt hơn 414 tỷ đồng, tăng 24,7% so với quý 1/2019.

Theo các chuyên gia, đại dịch có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hồi năm ngoái. Bất động sản công nghiệp tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc trong lương lai. 

Thế nhưng, Việt Nam đã sẵn sàng trở thành một trung tâm sản xuất thay thế Trung Quốc hay chưa và liệu có thể trở thành “gà đẻ trứng vàng”’ cho các công ty đặt nhà máy tại Việt Nam? Việc cần làm lúc này của các nhà phát triển bất động sản công nghiệp là gì để thu hút khách thuê hơn nữa và nâng cao giá trị? Phân tích của các chuyên gia sẽ có trong diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2020 được tổ chức vào ngày 19/6/2020 tới đây tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - 11 Lê Hồng Phong (Hà Nội). Với chủ đề “Thời cơ vàng trong vận hội mới”, diễn đàn được tổ chức lần thứ 2 này sẽ là nơi trao đổi, kết nối thông tin, đưa giải pháp giúp các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội vàng của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2020 – 2022, đặc biệt trong mùa dịch Covid-19.

Sự kiện sẽ có ba hoạt động chính: Ngày 19/6: Diễn đàn và trưng bày trên 1000 dự án kêu gọi đầu tư có sử dụng đất trên toàn quốc. Ngày 20/6: Tham qua thực tế địa phương và khu công nghiệp.

Trúc Mai