Chuyên gia tài chính Ngô Trí Long
Chuyên gia tài chính Ngô Trí Long

Bộ Tài chính cho biết, trong 09 tháng năm 2022 tiến độ triển khai cổ phần hóa, thoái vốn chậm. Cụ thể, trong 09 tháng năm 2022 các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thoái vốn tại doanh nghiệp với giá trị là 466 tỷ đồng, thu về cho ngân sách 2.289,5 tỷ đồng. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

Việc chậm này không còn là chuyện mới. Có rất nhiều nguyên nhân đã được phân tích, “mổ xẻ” từ khách quan đến chủ quan.

Các nguyên nhân khách quan, như doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều tài sản chuyên ngành, khó xác định giá trị nên việc xử lý tài chính tài sản, nợ, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị phần vốn Nhà nước và công tác chuẩn bị hồ sơ, phương án cần nhiều thời gian. 

Một số doanh nghiệp còn tồn tại nhiều vấn đề phải xử lý về tài chính, một số đơn vị vi phạm quy định về quản lý vốn, tài sản đang thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra.

Đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa là các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, hoạt động gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương nhưng có doanh thu và lợi nhuận thấp, không thu hút nhà đầu tư.

Ngoài ra, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong 92 năm qua, xung đột chính trị - quân sự trên thế giới tác động đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, triển khai công tác đấu giá phần vốn Nhà nước theo quy định.

Việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn phụ thuộc vào tình hình thị trường, lựa chọn thời điểm bán cổ phần hợp lý để đem lại hiệu quả, đảm bảo tính khả thi.

Về nguyên nhân chủ quan, trong nhận thức và tổ chức thực hiện của một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp còn chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nên còn tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.  Cùng với đó, việc rà soát, lập kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm đúng mức.

Công tác chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trước khi cổ phần hóa, thoái vốn. Nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính chưa được xử lý dứt điểm. Việc phối hợp giữa các cơ quan đại diện chủ sở hữu với các UBND tỉnh, thành phố, bộ, ngành liên quan trong xử lý vướng mắc phê duyệt phương án sử dụng đất, xử lý tồn tại tài chính còn chưa tốt, kéo dài…

Thực tế, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, biện pháp kiên quyết nhưng các biện pháp đó ít được thực thi, do đó phải thẳng thắn nhìn nhận các giải pháp đưa ra gần như đã bị “nhờn thuốc”.

Có những địa phương không cho cổ phần hoá mà muốn giữ lại. Đơn cử, có địa phương đã thống nhất cổ phần hoá theo chủ trương của Chính phủ, nhưng hiện nay lại cho rằng đây là nguồn thu quan trọng của ngân sách địa phương. Cho nên đã trình Chính phủ để lại không cổ phần hoá doanh nghiệp đó. Tóm lại, ở đây còn rất nhiều vấn đề khúc mắc.

Có ý kiến cho rằng, việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2021-2025 chậm là hệ quả từ việc “vỡ” kế hoạch giai đoạn trước đó. Như định giá đất, định giá tài sản, các đơn vị triển khai thiếu quyết liệt... thưa ông?

Thứ nhất, “tư tưởng” của một số lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước không quyết tâm. Thứ hai, “sợ” trách nhiệm. Thứ ba, mục tiêu nhiều người muốn cổ phần hoá là “nhăm nhăm” tìm đất vàng, hay tính giá trị đất như thế nào. Trong khi Bộ Tài chính đang có phương án tách đất đai ra khỏi quá trình cổ phần hoá. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra chậm cổ phần hoá. Thứ tư, trong phần định giá cũng có nhiều quan điểm khác nhau, cao quá cũng không được, thấp quá thì hụt vốn cho nên dẫn đến tâm lý “sợ”.

Do đó, để giải quyết việc chậm cổ phần hoá là phải có các giải pháp đột phá, đó là trên quan điểm tách đất đai ra khỏi quá trình cổ phần hoá, chỉ tính giá trị của doanh nghiệp.

Ông có thể phân tích sâu hơn về phương án tách đất đai ra khỏi quá trình cổ phần hoá?

Vấn đề này Bộ Tài chính đang dự thảo. Nhiều ý kiến đề xuất việc tính phương án đất cho thuê và giá trị doanh nghiệp phải khác nhau, cho nên phần lớn là đi thuê. Tuy nhiên, việc cho thuê đất lại có những nảy sinh các vấn đề phức tạp mới. Đó là, trong quá trình thuê đất sau cổ phần hoá lại bị chuyển mục đích sử dụng, việc này đã dẫn đến nhiều lãnh đạo đã bị vướng vào vòng “lao lý”.

Nhiều ý kiến đề nghị cần tách đất cho thuê và giá trị doanh nghiệp, vấn đề nay hiện nay đang được Bộ Tài chính xây dựng dự thảo. Nhưng có tách được hay không thì vẫn đang như “con kiến leo cành đa”, hết “leo ra” rồi lại “leo vào”.

Vướng mắc lớn nhất của chậm cổ phần hoá là sự thiếu quyết tâm, thiếu chế tài nghiêm xử lý những ai đã đưa ra phương án cổ phần hoá nhưng không thực hiện. Chúng ta cứ “chần chừ” sẽ dẫn đến “nhờn thuốc”.

Cũng có ý kiến đề nghị, đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm và có phương án xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi không hoàn thành mục tiêu, kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đã đề ra. Quan điểm của ông về đề xuất này như thế nào?

Vấn đề quan trọng nhất ở đây là khâu thực thi như thế nào? Có quyết tâm làm hay không? Nói nhưng không làm thì mọi chủ trương chính sách cũng trở nên vô nghĩa.

Việc quy trách nhiệm rất rõ, ở đây không phải chỉ có người đứng đầu, vấn đề này đã được thông qua rất nhiều cấp. Do đó, người thông qua cũng phải chịu trách nhiệm, không chỉ có cấp thực thi.

Khi đã được thông qua thì phải có cơ sở luận chứng khi người thực thi cổ phần hoá đã trình lên người thông qua vì hai bên đều có sự thống nhất. Chúng ta không thể kiểm điểm một phía với người tiến hành và thực thi cổ phần hoá là không đúng, mà phải quy trách nhiệm cho cả người phê duyệt chương trình cổ phần hoá. Do đó, cần phải gắn trách nhiệm cả hai bên, đó là bên trình và bên thẩm định phê duyệt. Phải quy trách nhiệm rõ ràng, nguyên nhân tại sao.

Vậy, ông có đề xuất gì để có thể đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá trong thời gian tới?

Một là, điều dư luận quan tâm là làm sao phải định giá đúng và chuẩn. Hai là, câu chuyện “đất vàng”, đây đang là khâu “khúc mắc” lớn nhất. Ba là, mấu chốt là nói phải làm, quy trách nhiệm cho cả hai phía.

Như vậy, muốn đẩy nhanh cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, trước tiên phải gỡ vướng mắc từ thể chế, sau đó là quyết tâm xoá bỏ tư tưởng muốn giữ lại, chế tài chưa nghiêm khắc, tài sản xử lý chưa tốt. Đặc biệt, vấn đề đất đai đang được nhiều người quan tâm. Câu chuyện “hậu” cổ phần hoá, thoái vốn chủ yếu là “đất vàng”, vì đây mới là phần sinh lời lớn nhất.

Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Anh (thực hiện