THCL Chủ trương thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn đang được triển khai quyết liệt. Nhiều chuyên gia nhận định, các loại cổ phiếu bia, sữa, bán lẻ… sẽ có bước tăng trưởng khả quan trong năm 2017.

Cổ phiếu hàng tiêu dùng sẽ có bước tăng trưởng khả quan trong năm 2017 - Hình 1

Tại một cuộc thảo luận chuyên môn của giới phân tích, đầu tư, đến từ các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam, tổ chức tại Phú Quốc cuối tuần qua, chủ đề về ngành hàng tiêu dùng thu hút sự quan tâm và tham gia sôi nổi nhất.

Nhiều thông tin đã được dẫn chiếu để chứng minh cho tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp trong nhóm ngành này. Chẳng hạn, Việt Nam có dân số đông (93,5 triệu người) và trẻ, những người trong độ tuổi từ 15 - 64 chiếm 69%; tầng lớp trung lưu tăng nhanh hơn so với các nước ASEAN (tới năm 2020, dự kiến đạt 33 triệu người).

Đáng chú ý, thói quen tiêu dùng của nhóm khách hàng trẻ tuổi hiện khác xa so với các bậc cha chú đó là ít tiết kiệm, tiêu dùng nhiều, yêu cầu về chất lượng, phẩm cấp sản phẩm dịch vụ cao hơn, dùng nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng và tài chính hiện đại.

Lãnh đạo một trong những quỹ đầu tư thành công nhất tại Việt Nam nhận định, tầng lớp người giàu tại Việt Nam đang tăng nhanh, khẩu vị tiêu dùng của họ thay đổi, hiện rất khác so với 10 năm trước và 10 năm sau, xu hướng cũng sẽ khác biệt.

Hiện 2/3 dân số ở nông thôn, dự kiến trong 10 - 15 năm tới, một tỷ trọng lớn dân số sẽ di chuyển ra các đô thị, tốc độ đô thị hóa lớn. Bởi vậy, doanh nghiệp trong các ngành hàng tiêu dùng, khám chữa bệnh, giáo dục, giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng... sẽ có tiềm năng tăng trưởng mạnh.

Một báo cáo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đã lý giải tại sao nên đầu tư vào ngành tiêu dùng. Theo đó, nhờ thay đổi thói quen tiêu dùng, nhóm khách hàng trẻ, năng động, doanh số ngành bán lẻ của Việt Nam năm nay ước đạt 108 tỷ USD. Trong đó, thị trường xe hơi đạt 5,9 tỷ USD; trang sức may mặc 6,2 tỷ USD; sữa 6 tỷ USD; hàng không 6 tỷ USD; bia 3 tỷ USD; dược phẩm 3 tỷ USD; điện thoại di động 3 tỷ USD; thuốc lá 1 tỷ USD...

Tiềm năng lớn như vậy, nhưng cơ hội có dễ đến với các nhà đầu tư? Một ví dụ được giới phân tích đưa ra để minh chứng cho việc tìm kiếm lợi nhuận không hề dễ. Cổ phiếu BHN đã tăng giá mạnh ngay sau khi lên UPCoM với 8 phiên tăng trần liên tục, biên độ 15% mỗi phiên. Nhưng với các nhà đầu tư, điều này không có ý nghĩa vì tỷ lệ cổ phiếu lưu hành của BHN rất thấp nên hầu như không có thanh khoản, chỉ khớp được 100 - 200 đơn vị mỗi phiên.

Ở một góc độ khác, nhiều cổ phiếu hiện có mức định giá cao như VNM, MWG… khiến không ít nhà đầu tư e ngại, chẳng hạn chỉ số P/E lên tới 20 lần, trong khi đầu năm 2016, dao động quanh mức 14 - 15 lần.

Mặc dù vậy, những nút thắt với cổ phiếu hàng tiêu dùng đang dần được gỡ bỏ. Theo nhận định của giới chuyên gia, trước hết đến từ chủ trương thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn đang được thực hiện quyết liệt. Cổ phiếu VNM, Sabeco, Habeco… sẽ dễ mua hơn, nhất là đối với khối nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, giới đầu tư mong đợi hiệu quả kinh doanh của những doanh nghiệp này sẽ được cải thiện mạnh mẽ. Bởi lẽ, khi bán bớt cổ phần nhà nước đang nắm giữ, các nhà đầu tư mới vào doanh nghiệp sẽ đưa ra nhiều chính sách đổi mới, giúp "bịt các lỗ hổng" để doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả hơn. Khi doanh nghiệp duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận trên 20% mỗi năm, mức P/E 20 lần không phải là quá đắt và nhà đầu tư có thể yên tâm mua vào cổ phiếu.

 Minh Hải