Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo “Tiêu chuẩn quốc gia phương tiện giao thông đường bộ - ô tô, phân loại theo mục đích sử dụng”. Tại Dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ GTVT quy định rõ, ô tô chở người là ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở người, hành lý mang theo, hoặc cũng có thể kéo theo một rơ-moóc.
Ô tô chở người bao gồm: Ô tô chở người từ 09 người trở xuống kể cả người lái (trong đó có: ô tô con, ô tô con pickup, ô tô con đào tạo lái xe); ô tô chở từ 10 người trở lên kể cả người lái; ô tô khách giường nằm (chở từ 10 người trở lên kể cả người lái, chỉ trang bị giường nằm để chuyên chở hành khách, không kể ghế của người lái và 01 ghế của hướng dẫn viên nếu có).
Ô tô khách thành phố, ô tô buýt; ô tô khách thành phố nối toa, ô tô buýt nối toa; ô tô khách thành phố hai tầng, ô tô buýt hai tầng; ô tô khách thành phố, một tầng, không có nóc; ô tô buýt một tầng, không có nóc; ô tô khách thành phố, hai tầng, không có nóc, ô tô buýt, hai tầng, không có nóc; ô tô khách thành phố để người khuyết tật tiếp cận sử dụng, ô tô buýt để người khuyết tật tiếp cận sử dụng; ô tô khách thành phố BRT; ô tô buýt BRT; ô tô khách đào tạo lái xe.
Dự thảo Tiêu chuẩn cũng phân loại riêng ô tô chở người chuyên dùng là ô tô chở người có kết cấu và trang bị để chở người trong điều kiện đặc biệt hoặc sự sắp xếp người đặc biệt như: ô tô cứu thương; ô tô chở người khuyết tật; ô tô chở phạm nhân; ô tô nhà ở lưu động; ô tô tang lễ; ô tô chở học sinh; ô tô chở người chuyên dùng khác.
Đáng chú ý, dự thảo Tiêu chuẩn quy định ô tô chở học sinh là ô tô chở người chuyên dùng được thiết kế chỉ để đưa, đón học sinh. Xe phải được sơn màu vàng đậm và phải có dòng chữ "Ô tô chở học sinh" mặt trước và mặt sau xe.
Ngoài ghế của học sinh và ghế của người lái, trên xe phải có tối thiểu 01 chỗ ngồi dành cho người quản lý học sinh (là người trưởng thành).
Tổng số người cho phép chở kể cả người lái không được vượt quá 45 người. Trường hợp xe được thiết kế chỉ dành cho học sinh tiểu học, mẫu giáo thì số người cho phép chở kể cả người lái không được vượt quá 56 người.
Xe chở học sinh phải được trang bị bộ sơ cứu với trang bị phù hợp để sơ cấp cứu trẻ em; Trang bị thiết bị cắt dây đai ở khu vực người lái đối với các xe có trang bị dây đai an toàn cho hành khách; Đèn cảnh báo nguy hiểm tự động được bật khi mở cửa lên xuống; Thiết bị cảnh báo nếu cửa lên xuống hoặc cửa thoát hiểm (nếu có) chưa đóng khi xe bắt đầu di chuyển.
Đối với ô tô chở hàng, dự thảo Tiêu chuẩn quy định là ô tô có kết cấu và trang bị chủ yếu dùng để chở hàng. Ô tô chở hàng có thể bố trí tối đa hai hàng ghế và chở không quá 6 người kể cả người lái trong cabin hoặc cũng có thể kéo theo một rơ-moóc.
Theo đó, ô tô chở hàng bao gồm: ô tô tải thông dụng; ô tô tải; ô tô tải tự đổ; ô tô tải Pickup ca bin đơn; ô tô tải Pickup ca bin kép; ô tô tải VAN; ô tô tải có mui; ô tô tải thùng kín; ô tô tải đông lạnh; ô tô tải bảo ôn; ô tô tải đào tạo lái xe; ô tô tải chuyên dùng; ô tô xi-téc; ô tô chở xe; ô tô chở rác; ô tô chở bùn; ô tô chở tiền; ô tô chở thủy, hải sản sống; ô tô tải chuyên dùng khác.
Về ô tô chuyên dùng, dự thảo quy định là ô tô có kết cấu và trang bị để thực hiện một chức năng, công dụng đặc biệt, bao gồm: ô tô chữa cháy; ô tô quét đường; ô tô hút chất thải; ô tô trộn và vận chuyển bê tông; ô tô trộn vữa; ô tô trộn bê tông lưu động; ô tô bơm bê tông; ô tô cần cẩu; ô tô thang; ô tô khoan; ô tô kéo xe; ô tô kéo, chở xe; ô tô nâng người làm việc trên cao; ô tô phòng khám lưu động; ô tô chuyên dùng khác; ô tô đầu kéo; ô tô kéo rơ-moóc; ô tô chưa hoàn thiện; ô tô sát xi có buồng lái; ô tô sát xi không có buồng lái và ô tô khách chưa hoàn thiện.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Bộ GTVT cũng đã ban hành Quyết định 64/QĐ-BGTVT về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.
Theo đó, nhằm cụ thể hoá các nội dung, hoạt động theo từng giai đoạn, từng năm; xác định phương thức, nguồn lực, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.
Đồng thời, triển khai các giải pháp căn cơ để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và ý thức người thực thi công vụ về công tác này, đồng thời xây dựng văn hoá tự giác chấp hành pháp luật về giao thông trong lứa tuổi học sinh.
Bộ GTVT yêu cầu Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường rà soát, xây dựng và ban hành, công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về đường bộ, công trình kết cấu hạ tầng giao thông qua khu vực trường học, phương tiện vận tải chuyên chở học sinh.
Vụ Vận tải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành GTVT và yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 31/CT-TTg, nghiên cứu phổ biến các mô hình an toàn giao thông khu vực trường học.
Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông hướng dẫn việc rà soát về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông, điều kiện an toàn giao thông tại các đoạn tuyến quốc lộ có trường học trên toàn quốc, hoàn thành trong quý I/2024.
Đối với đường quốc lộ thuộc phạm vi quản lý, Cục Đường bộ Việt Nam lập danh mục phân loại những vị trí đường qua trường học không đảm bảo an toàn, đánh giá các nguyên nhân và yếu tố rủi ro gây mất an toàn giao thông (ATGT) của học sinh quanh khu vực trường học, đề xuất phương án xử lý, khắc phục, nêu rõ lộ trình thực hiện, hoàn thành việc đề xuất trong năm 2024.
Đồng thời, chủ trì rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông, báo hiệu đường bộ, quy định việc hạn chế tốc độ,.. để đảm bảo an toàn tại các đoạn tuyến qua khu vực trường học, đấu nối của khu vực trường học trên đường bộ, đăng ký kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Phía Sở GTVT có trách nhiệm rà soát về ATGT tại các khu vực trường học, tổ chức lại các điểm bất hợp lý, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, nhất là các trường hợp ngay sát các quốc lộ, tỉnh lộ, tuyến đường nhiều phương tiện đi lại vào các khung thời gian học sinh đến trường, tan học; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tại các khu vực trường học theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn, phù hợp với tổ chức giao thông.
Trong đó, chú trọng đến việc bố trí vỉa hè, đường đi bộ, đường đi xe đạp và bãi trông giữ xe; ưu tiên bố trí hạ tầng, trang thiết bị bảo đảm trật tự ATGT như biển báo khu vực trường học, biển báo hạn chế tốc độ phương tiện khi tham gia giao thông gần khu vực trường học vào giờ cao điểm (giờ vào học và giờ tan học của học sinh), đèn tín hiệu sang đường, vạch băng qua đường, gờ giảm tốc, sơn giảm tốc phù hợp theo các khu vực trường học.
Khẩn trương khắc phục các "điểm đen" trên các tuyến đường có trường học theo phân cấp quản lý. Tham mưu cho UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND cấp huyện, xã, thực hiện đối với các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý.
Đồng thời, tổ chức tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng phân luồng, phòng, chống ùn tắc giao thông tại các khu vực trọng điểm, các tuyến đường quanh khu vực các trường học trên địa bàn, nhất là trong các giờ đến lớp và tan học, kiến nghị với nhà trường bố trí địa điểm và phân luồng cho học sinh ra về hợp lý để phụ huynh học sinh dừng, đón học sinh không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây ùn tắc giao thông.
Báo cáo UBND cấp tỉnh cân đối ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để đầu tư cải tạo hạ tầng giao thông, hoàn thiện tổ chức giao thông tại các khu vực có trường học. Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng cầu vượt (hoặc hầm chui) tại vị trí vượt qua đường gần khu vực trường học trong trường hợp có lưu lượng xe và lưu lượng bộ hành lớn trong giờ cao điểm.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các Sở GTVT nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh bằng xe ô tô buýt chuyên dụng đưa đón học sinh; cơ chế, chính sách khuyến khích học sinh đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng và xe ô tô buýt chuyên dụng đưa đón học sinh.
Sở GTVT có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định cơ chế, chính sách ưu đãi trên, trường hợp các cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh, báo cáo Bộ GTVT để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Cục Đường bộ Việt Nam còn có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện quy định về bảo đảm ATGT đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh.
Sở GTVT có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các bãi gửi xe trái phép gần khu vực trường học để có biện pháp xử lý, đối với các bãi gửi xe được cấp phép xung quanh khu vực trường học cần yêu cầu có cam kết không nhận trông, giữ xe mô tô trên 50cm3 của học sinh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về bảo đảm ATGT đối với hoạt động kinh doanh vận chuyển, đưa đón học sinh trong phạm vi địa bàn quản lý.
PV (t/h)