Cổng chào tại đảo Cồn Cỏ
Cổng chào tại đảo Cồn Cỏ.

 Tôi đã có cơ hội đặt chân lên hòn đảo nhỏ anh hùng - Cồn Cỏ. Nhìn từ xa, tôi thấy đảo Cồn Cỏ như một con tàu mẹ chở đầy màu xanh sức sống của những cánh rừng, màu vàng màu đỏ của những công trình mới.

Khi đặt chân lên hòn đảo, quả thật nếu không có tiếng sóng phía bên cạnh rì rào nhắc nhở thì tôi vẫn nghĩ mình đang đứng ở một thành phố nơi đất liền. Những con đường được rải nhựa, những bến tàu, bãi tắm, cột cờ, đài quan sát, trường học, nhà thi đấu thể thao, nhà hàng biển, khách sạn, homestay đã hoàn thiện và những con đường lung linh ánh đèn điện vào buổi tối mang dáng dấp của một đô thị. Điều đó cho thấy một thành phố trẻ đang trỗi dậy.

Du khách tại cột cờ đảo Cồn Cỏ
Du khách tại cột cờ đảo Cồn Cỏ.

 Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại- du lịch (IPA, tỉnh Quảng Trị) Trần Phi Tường cho biết: Theo định hướng của Tỉnh ủy - UBND tỉnh Quảng Trị thì đảo Cồn Cỏ sẽ được quy hoạch trở thành một đỉnh trong tam giác phát triển du lịch Cửa Tùng – Cửa Việt – Cồn Cỏ, nằm trong cụm phát triển du lịch trọng điểm phía Bắc của tỉnh Quảng Trị.

Gần 50 năm sau chiến tranh, đảo Cồn Cỏ vốn là cái rốn bom đạn của giặc Mỹ, dù còn đọng biết bao nhát chém chiến tranh nay đã hồi sinh. Nơi đây vẫn giữ được màu xanh nguyên vẹn của những cánh rừng, vẻ đẹp hoang sơ và đa dạng sinh học biển đảo.

Trò chuyện với tôi, Anh Trần Hữu Phước – hướng dẫn viên du lịch tại đảo Cồn Cỏ chia sẻ “Cồn Cỏ, rừng vẫn chiếm đến 70 diện tích đảo. Cồn Cỏ sở hữu một hệ sinh thái rừng nhiệt đới ba tầng khá hiếm tại Việt Nam. Nơi đây còn tồn tại nhiều cây thuốc quý, trong đó có giảo cổ lam… Động vật trên đảo tuy không nhiều nhưng chủng loại khá độc đáo như chim én, các loại bò sát, trong đó có loài rắn lục đuôi đỏ rất độc nhưng là nguồn dược liệu quý hiếm. Đặc biệt, Cồn Cỏ có loài cua đá nổi tiếng vừa sống trên cạn, vừa sống dưới nước và là động vật được bảo vệ nghiêm ngặt”.

Một góc đảo Cồn Cỏ
Một góc đảo Cồn Cỏ.

 Được đi khám phá một vòng quanh đảo trên chiếc xe điện chở khách chuyên dụng thực sự là một trải nghiệm thú vị đối với du khách. Tiếng chim chóc, âm thanh núi rừng bình yên đến lạ, Cồn Cỏ- sẽ là lựa chọn đúng đắn cho những người muốn tạm rời xa cuộc sống xô bồ của thành phố để tìm một nơi yên bình.

Tại đây, tôi đã được tắm biển, lặn ngắm san hô, thăm nhà truyền thống đảo Cồn Cỏ, cột cờ Tổ quốc, ngắm toàn cảnh đảo Cồn Cỏ từ ngọn hải đăng trên đỉnh đồi cao nhất đảo, viếng đài tưởng niệm nơi ghi danh các chiến sĩ đã ngã xuống để bảo vệ đảo.

Tham quan đảo Cồn Cỏ bằng xe điện
Tham quan đảo Cồn Cỏ bằng xe điện.

 Xây dựng và phát triển nhưng  người dân đảo Cồn Cỏ không bao giờ quên đi lịch sử và quá khứ. Tượng đài liệt sỹ được xây dựng trang nghiêm trên núi cao, trước mặt đảo.

Ngày nay những người dân ra đảo để kiến thiết và bảo vệ một phần đất Việt giữa trùng khơi. Họ ra đi cũng trong một tâm thế chọn nơi đây là quê hương thứ hai của mình. Mồ hôi họ đã đổ thấm từng tấc đất của đảo.

Chiến sĩ đảo Cồn Cỏ Hoàng Văn Nanh đã gắn bó gần 4 năm tâm sự “Mặc dù rất nhớ nhà nhưng với tình yêu biển đảo nên tôi cũng như các an hem khác sẽ bám trụ ở đây lâu hơn nữa để phục vụ tổ quốc”.

tại di tích Đài tưởng niệm Anh hùng đảo Cồn Cỏ
tại di tích Đài tưởng niệm Anh hùng đảo Cồn Cỏ.

 Phó chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Trương Khắc Trưởng cho biết: “Đảo Cồn Cỏ ngoài cán bộ chiến sĩ còn có hàng chục hộ dân, trẻ em từ 2 đến 5 tuổi đang học tại trường mầm non Phong Ba. Cách đây 2 năm, cơ sở vật chất trên đảo còn thiếu thốn nhưng với quyết tâm của UBND tỉnh Quảng Trị đã biến Cồn Cỏ trở thành một hòn đảo du lịch. Giờ đây cơ sở vật chất tại đảo đã khang trang và hiện đại hơn rất nhiều so với trước”.

Đến thăm khu nhà dân, vợ chồng anh Hồ Văn Lịch và chị Hoàng Thị Thủy cho biết “Theo quy định, mỗi gia đình được cấp một ngôi nhà rộng 42 m2 trên nền đất 200 m2, hỗ trợ lương thực bằng tiền mặt trong 18 tháng, kèm sinh hoạt phí, giống vật nuôi, được vay 100 triệu đồng không thế chấp… Vì thế, các hộ gia đình phần nào an tâm và có kế hoạch, phương hướng xác định nghề nghiệp cụ thể, tổ chức sinh sống, định cư lâu dài tại huyện đảo Cồn Cỏ”. Anh Lịch theo nghề đánh bắt cá trên biển, còn chị Thủy ở nhà buôn bán nhỏ và chế biến nước mắm.

Con hàu biển- đặc sản của Cồn Cỏ
Con hàu biển- đặc sản của Cồn Cỏ.

 Theo Phó Bí thư huyện đoàn Cồn Cỏ Hà Tiến Nam “Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống bà con đã được cải thiện, hệ thống đường giao thông đã được rải nhựa. Vấn đề thiết yếu nhất là nước ngọt đã được giải quyết với hệ thống giếng bơm trải đều. Giữa trung tâm huyện có hồ chứa nước ngọt, là nguồn nước dự trữ vừa tạo cảnh quan môi trường...”.

Cột cờ Tổ quốc- Điểm thiêng liêng ở đảo Cồn Cỏ
Cột cờ Tổ quốc- Điểm thiêng liêng ở đảo Cồn Cỏ.

 Chia tay Cồn Cỏ, ước rằng, vài năm sau khi quay trở lại đây, tôi sẽ thấy một Cồn Cỏ hoàn toàn mới, đầy sức sống. Số lượng du khách đến với Còn Cỏ không phải chỉ vài ngàn như hiện nay mà phải là hàng vạn, hàng chục vạn. Số khách sạn, nhà nghỉ không phải chỉ đếm trên đầu ngón tay mà gấp lên hàng chục lần, có cả khách sạn được gắn sao, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp…

Cồn Cỏ cần được thông tin, quảng bá nhiều hơn nữa; có cơ chế, chính sách đặc thù để sớm biến “hòn đảo thép” trong chiến tranh thành hòn đảo quý- hòn đảo du lịch trong thời kì đổi mới và hội nhập sâu rộng, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Trần Hoàng Minh Nghĩa