Tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng hóa ngoại nhập không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa những năm gần đây vẫn tiếp tục diễn ra và có chiều hướng diễn biến phức tạp nhất là thời điểm lễ, tết khi nhu cầu tiêu dùng hóa của người dân tăng thì hoạt động buôn lậu lại càng trở nên sôi nổi. Các mặt hàng thường được tiêu thụ nhiều nhất là: rượu, quần áo, giày dép, điện thoại di động, hàng điện tử, mỹ phẩm, thuốc lá điếu…
Để hạn chế tình trạng buôn lậu, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng để nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành việc không tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng trái phép; nâng cao ý thức đấu tranh tự bảo vệ quyền lợi cho chính mình, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc chống buôn lậu.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng cần hiểu rõ một số dấu hiệu hàng hóa nhập lậu như: Hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng trên bao bì, sản phẩm không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Hàng hóa do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Hàng hóa trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Hàng hóa nhập khẩu có giá bán rẻ hơn so với hàng hóa chính hãng.
Các trường hợp có hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu sẽ bị: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu hàng hóa, phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập lậu và biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc tiêu hủy hoặc tịch thu để tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường, đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách và sức khỏe trẻ em, văn hóa phẩm độc hại… Ngoài ra, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
Từ nội dung trên, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo:
Các tổ chức, cá nhân cần nâng cao nhận thức, hiểu biết, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không mua bán những mặt hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một hành động yêu nước, như một sự ủng hộ đối với doanh nghiệp và những người lao động làm ra sản phẩm, góp phần ngăn chặn các hành vi buôn lậu.
Doanh nghiệp cần bảo vệ thương hiệu hàng hóa sản xuất trong nước bằng những việc làm cụ thể: phải nâng cao được chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý, chú trọng xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm. Cải tiến kiểu dáng, mẫu mã hàng hóa thích ứng thị trường, tăng sức cạnh tranh góp phần đẩy lùi hàng hóa nhập lậu; phải quan tâm đến thị hiếu người tiêu dùng, thực hiện các cam kết đối với người tiêu dùng
Khi phát hiện các trường hợp vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, liên hệ: các cơ quan chức năng (Quản lý thị trường, Công an), Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Khánh An